Nguồn gốc và ý nghĩa bất ngờ của 'chú mèo vẫy khách' cầu may nổi tiếng trong văn hóa Nhật Bản
Chú mèo vẫy khách Maneki-neko không phải đang vẫy tay chào như nhiều người tưởng và cũng mang ý nghĩa đa dạng, không chỉ để 'dụ khách'.
“Con mèo vẫy tay” là một loại tượng vô cùng phổ biến khắp các nước Á Đông, đặc biệt là có mặt ở khắp các khu phố Tàu và các cửa hàng châu Á trên khắp thế giới. Thế nhưng trái với lầm tưởng của nhiều người, những bức tượng nhỏ dễ thương này hoàn toàn không phải của Trung Quốc mà chúng xuất xứ từ Nhật Bản. Nó cũng có ý nghĩa đa dạng hơn nhiều so với suy nghĩ của chúng ta.
Nguồn gốc của mèo vẫy tay
Được đặt tên là Maneki-neko trong tiếng Nhật, nghĩa đen là “mèo vẫy tay”, bức tượng này lại không phải đang vẫy tay chào. Ở Nhật Bản, không giống như ở các nền văn hóa phương Tây, cách để chào đón ai đó đến với bạn là lòng bàn tay hướng về phía trước, ngón tay hướng xuống dưới.
Truyền thuyết kể rằng tượng mèo cầu may vốn xuất xứ từ ngôi đền Gōtoku-ji ở phường Setagaya, Tokyo trong thời kỳ Edo (1603 - 1868). Theo các nhà sử học, trong một lần đi săn chim ưng, daimyo (người cai trị vùng) tên Ii Naotaka đã được cứu khỏi tai nạn sét đánh nhờ phản ứng nhanh nhẹn của con mèo cưng của sư trụ trì. Biết ơn con mèo vì đã cứu mạng mình, người cai trị đã phong nó làm người bảo trợ cho ngôi đền. Một bức tượng mèo được khắc và đặt thờ trong đền Gōtoku-ji kể từ đó.
Ở quận Asakusa tại Tokyo lại lưu truyền một câu chuyện khác. Mèo may mắn được cho là bắt nguồn từ đền Imado. Vào năm 1852, một bà lão sống ở Imado nghèo đến mức không thể cho chú mèo cưng của mình ăn nữa và buộc phải thả nó đi. Đêm đó, con mèo xuất hiện với người phụ nữ trong giấc mơ và nói: "Nếu bạn tạo ra những con búp bê theo hình dáng của tôi, tôi sẽ mang lại may mắn cho bạn".
Theo lời chỉ dẫn của con mèo, bà lão làm những bức tượng nhỏ hình mèo và đem chúng đến cổng ngôi đền Imado bán. Chú mèo đã giữ lời hứa, những bức tượng nhỏ bằng gốm bán vô cùng đắt hàng, giúp bà lão thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Ý nghĩa đa dạng, không chỉ để cầu buôn may bán đắt
Cho dù nguồn gốc chính xác của Maneki-neko là gì, có một điều chắc chắn là: Những chú mèo này được người Nhật thời xưa tin rằng sẽ mang lại may mắn. Yoshiko Okuyama, giáo sư tiếng Nhật tại Đại học Hawaii tại Hilo cho biết: “Mèo vẫy tay mang câu chuyện thần thoại với niềm tin là có thể mang lại may mắn cho người chăm sóc chúng. Có một câu tục ngữ Nhật Bản là “Nếu bạn giết một con mèo, nó sẽ ám gia đình bạn trong 7 thế hệ”. Người Nhật từ xưa đã có một niềm tin dân gian rằng mèo có tuổi thọ vượt xa con người và có sức mạnh tâm linh. Nếu con người đối xử tốt với loài mèo, chúng cũng sẽ đem lại may mắn cho bạn".
Trong cuốn sách Mô tả Động vật trong Nghệ thuật Châu Á năm 1927 của mình, nhà nghiên cứu Katherine M. Ball nói về tượng mèo vẫy tay như sau: “Hình ảnh này được sử dụng như một tấm bùa hộ mệnh thu hút kinh doanh phát đạt và thúc đẩy sự thịnh vượng. Nó được tìm thấy ở mọi lối vào của các nhà hàng và cửa hàng, nơi tượng mèo được tin là sẽ “dụ” được khách bước vào”.
Thế nhưng cũng từ lâu, ở xứ sở hoa anh đào, Maneki-neko không chỉ “vẫy khách” mà còn được gán cho rất nhiều ý nghĩa đa dạng, được phân loại theo màu sắc và đặc điểm của bức tượng. Ví dụ, tượng màu xanh lam để cầu bình an, màu hồng dành cho những ai đang tìm kiếm sự may mắn trong tình yêu, màu vàng thu hút tiền tài.
Ý nghĩa của chú mèo này cũng thay đổi tùy thuộc vào cánh tay được nâng lên: tay phải thu hút tiền bạc và vận may; tay trái mời gọi tình bạn và khách hàng. Chú mèo này còn được trang trí nhiều phụ kiện như đính ryō (một đồng xu Nhật Bản hình bầu dục) hay chiếc yếm, chuông.
Sự phổ biến của tượng mèo Maneki-neko
Vẫn chưa rõ bằng cách nào mà những bức tượng mang tính biểu tượng này lại được phổ biến ra bên ngoài các hòn đảo của Nhật Bản để trở nên nổi tiếng khắp châu Á và phần còn lại của thế giới.
Theo một nghiên cứu của Bill Maurer, giáo sư nhân chủng học tại Đại học California, Irvine (Mỹ) thì các bức tượng này có từ thời Minh Trị (1868 - 1912). Chính phủ Minh Trị đã ban hành Sắc lệnh Đạo đức Công cộng vào năm 1872. Luật này cấm người dân dùng các loại bùa chú vì bị cho là mê tín dị đoan. Maneki-neko được sử dụng làm đồ trang trí thay thế. Nó đã dần dần được ưa chuộng và sử dụng một cách tự nhiên, qua nhiều thế kỷ.
Maneki-neko cũng đã trở thành một hình ảnh nổi tiếng và xuất hiện trong nghệ thuật, thời trang và thậm chí cả trò chơi điện tử. Người Nhật ngày nay vẫn rất yêu thích chú mèo này. Ở tỉnh Okayama thậm chí có một Bảo tàng Nghệ thuật Maneki-neko trưng bày bộ sưu tập hơn 700 bức tượng mèo may mắn từ khắp các thời đại.
Những chú mèo cũng được tôn vinh hàng năm vào tháng 9 trong Lễ hội Maneki-neko được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau trên khắp đất nước. Thậm chí còn có phố Manekineko-dori (“Phố mèo vẫy tay”) ở thành phố Tokoname, tỉnh Aichi, nơi có hàng chục bức tượng mèo bằng gốm trang trí trên đường phố. Và ở Tokyo, bạn có thể đến đền Gōtoku-ji hoặc đền Imado để thăm nơi trưng bày tượng Maneki-neko. Ở Mỹ, chúng ta cũng có thể đến Bảo tàng Mèo may mắn ở Ohio, Cincinnati, nơi có hơn 2.000 tượng mèo Maneki-neko.
Nguồn: National Geographic