Người “biến hình” cho bìa giấy carton

Thiên Lý,
Chia sẻ

4 năm trước khi đang làm thợ sơn ở một xưởng gỗ, anh Nguyễn Hoàng Hải có cơ hội được tiếp cận cách làm đồ vật từ bìa giấy carton của ông thợ người Pháp. Từ sự thích thú, anh bắt đầu học hỏi và đã thành công. Giờ đây, tận dụng bìa giấy carton mua ở các cửa hàng tạp hóa, Hải tạo ra tượng Phật, con vật, bàn ghế… có giá cả chục triệu đồng.

"Biến hình" cho bìa carton

Một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm đến căn nhà của anh Nguyễn Hoàng Hải (38 tuổi), ở đường Bùi Quốc Khánh, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Vừa bước vào cổng, hình ảnh những chiếc bàn, cái ghế mang hình thù các con vật đã thu hút chúng tôi. Đi sâu vào trong nhà, chúng tôi còn thấy rất nhiều bàn ghế, con vật đa dạng kiểu dáng, kích thước.

Người “biến hình” cho bìa giấy carton - Ảnh 1.

Anh Hải dùng bìa giấy carton mua ở điểm thu mua ve chai để làm ra sản phẩm độc đáo.

Người “biến hình” cho bìa giấy carton - Ảnh 2.

Anh Hải đang làm khung sườn con vật bằng bìa giấy carton.

Để “biến” bìa giấy carton thành con vật, đồ dùng, anh Hải đã tìm tòi nghiên cứu tạo độ cứng cho khung sườn rồi đến bột đắp. Đối với những bức tượng, đồ vật dùng để trang trí, anh chỉ cần làm khung chắc chắn bằng bìa carton sau đó đắp bột, còn vật dụng để sử dụng thì phải thêm gỗ để tạo độ cứng. Bột đắp được anh sử dụng bằng bột giấy trộn chung với keo sữa, bột trét tường, bột năng đã nấu chín. Sau khi đắp xong, anh điêu khắc tạo chi tiết và để sản phẩm khô tự nhiên, hoặc phơi dưới nắng nhẹ. Cuối cùng, anh Hải sẽ xịt sơn PU để cho tác phẩm bóng đẹp.

Nói về độ bền, anh Hải khẳng định, sản phẩm không bị mối, mọt như gỗ vì giấy bìa carton và bột giấy đã được xử lí kỹ trước khi làm. Hơn nữa, sản phẩm không bị hỏng khi gặp nước bởi được kết dính từ những nguyên liệu chống nước.

Người “biến hình” cho bìa giấy carton - Ảnh 3.

Bột giấy trộn keo sữa, bột năng, bột trét để chuẩn bị đắp lên các khung sườn.

Người “biến hình” cho bìa giấy carton - Ảnh 4.

Hai cha con anh Hải chuẩn bị đắp bột giấy lên khung sườn mang hình thù chuột mickey

Anh Hải chia sẻ, với mong muốn tái chế rác thải bảo vệ môi trường nên đã gắn bó với công việc này, tuy nhiên để làm ra sản phẩm là cả một quá trình: “Cái khó nhất là xây dựng cái cốt (khung sườn) để vừa chắc chắn, vừa thẩm mỹ trước khi đắp bột thành sản phẩm. Để cái cốt chắc chắn thì phải liên kết những giấy bìa carton với nhau, xây dựng như tổ ong, liên kết đan thành khối” .

Mỗi sản phẩm ra đời với anh Hải là cả một tâm huyết và sự sáng tạo. Anh tính toán tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết để mô hình của mình luôn hoàn hảo nhất, dù chưa từng học qua trường lớp hay bộ môn mỹ thuật, điêu khắc nào.

Sẵn sàng truyền nghề

Trong suốt 4 năm theo cái nghề "độc, lạ" này, điều làm anh Hải hạnh phúc nhất là luôn có sự động viên, hỗ trợ của gia đình. Ông Nguyễn Văn Phát, ba anh Hải cho biết: “Gia đình cũng đồng tình hỗ trợ tinh thần cho con. Gia đình chỉ hỗ trợ khâu đơn giản như phơi, chà nhám chứ những cái khác không thể làm được. Nhìn thì thấy đơn giản nhưng bắt đầu làm thì rất khó. Để làm ra sản phẩm phải thích và đam mê”.

Người “biến hình” cho bìa giấy carton - Ảnh 5.

Anh tạo hình các con vật thành ghế ngồi.

Người “biến hình” cho bìa giấy carton - Ảnh 6.

Một chiếc ghế hình con cua.

Tiếng lành đồn xa nên ngày càng nhiều người biết đến sản phẩm của Hải và tìm đến đặt hàng. Đến nay anh đã làm hàng trăm sản phẩm với mức giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy theo kích thước, độ phức tạp. Không giữ niềm đam mê cho riêng mình, Hải luôn mong muốn tìm được những người cùng chung sở thích nghệ thuật tạo hình từ bìa carton và sẵn sàng chia sẻ tất cả bí kíp, truyền nghề.

Người “biến hình” cho bìa giấy carton - Ảnh 7.

Anh Hải đang làm tượng cho đôi vợ chồng ở TP.HCM.

Người “biến hình” cho bìa giấy carton - Ảnh 8.

Con vật anh tạo ra từ bìa giấy và bột giấy.

Anh Lã Quý Tiệp, một người theo học nghề cho biết, anh Hải hướng dẫn rất nhiệt tình, dễ hiểu. Sau khi học nghề, Tiệp sẽ làm ra nhiều tác phẩm và cũng sẽ hướng dẫn lại cho mọi người để cùng phát triển nhiều hơn sản phẩm từ chất liệu này. Đây cũng là cách chung tay bảo vệ môi trường.

“Khi học được nghề, mình sẽ làm sản phẩm ứng dụng tốt trong cuộc sống, sau đó nâng lên tạo cửa hàng, gian hàng bán đồ lưu niệm, đồ trang trí. Tận dụng giấy thừa rẻ thì sản phẩm làm ra rẻ nên sức cạnh tranh sẽ tốt hơn”- anh Tiệp nói.

Hiện nay, khi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường thì cách làm của anh Hải đã và đang truyền cảm hứng cho những người có khả năng sáng tạo, khuyến khích dùng vật liệu tái chế./.

Chia sẻ