Người yêu muốn cưới trước khi Hồ Duy Trúc bị tử hình
Dù biết Hồ Duy Trúc phải nhận án tử hình, người tình của tướng cướp vẫn muốn được đăng ký kết hôn để có danh phận chính thức và con cô được công nhận có cha.
Đúng 11h15 ngày 24/3, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ trọng án “Hồ Huy Trúc và đồng bọn chặt tay cô gái cướp xe SH” đã chính thức khép lại. TAND tối cao TP.HCM đã bác bỏ kháng cáo và các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Trúc, Luông, Tuyền và Sơn lần lượt bị dẫn giải ra xe đặc chủng. Một khung cảnh thật hỗn loạn. Hàng chục chiến sĩ công an được huy động để ngăn cản người thân bị cáo quá khích có thể gây “đại náo” như sau phiên tòa sơ thẩm lần trước.
Tuy nhiên, điều ấy đã không xảy ra. Khi các bị cáo được dẫn lên xe đặc chủng, hàng chục người thân của họ chỉ biết lặng lẽ nhìn, mắt đổ lệ. Dường như họ đã đoán trước được bản án mà tòa phúc thẩm sẽ tuyên phạt đối với người thân của họ.
Nguyễn Thu Hằng (22 tuổi, ngụ Ninh Thuận) vẫn mong mỏi về một bản án khoan hồng dành cho cha của con trai cô. Tay ôm đứa con nhỏ chưa tròn 8 tháng tuổi đang sốt cao, Hằng khóc nghẹn khi nói về Trúc. Cô cùng đứa con 8 tháng tuổi của Trúc đến đây từ sớm nhưng cũng không được lên phòng xử và cô phải ngồi lặng phía trước tòa nhà thi hành án. Thời điểm Trúc bị dẫn giải ra xe đặc chủng, cô không thể chen lấn để gặp chồng lần cuối vì đứa bé 8 tháng tuổi trên tay chị cứ khóc thét.
Khi chiếc xe đặc chủng chở Trúc đi xa, người phụ nữ này cố chạy với theo nhưng không thể. Vỗ về cháu bé đang khóc thét, người phụ nữ này nghẹn giọng nói: “Con đừng khóc nữa, ba con đã đi rồi, con khóc lớn thì cũng vậy thôi con…”.
Hằng kể do là đồng hương nên khi gặp Trúc với vẻ ngoài hiền lành, đẹp trai, Hằng dễ dàng xiêu lòng. Hằng ngày, Hằng làm việc trong cơ sở sản xuất bao bì, Trúc thì bảo làm nghề điện lạnh. Cô chưa hề thắc mắc về việc người yêu đi sớm về khuya.
“Sống chung nhưng anh Trúc không cho em biết việc anh ra ngoài làm gì. Hỏi thì anh chỉ nói đi làm điện lạnh. Cho đến khi anh bị bắt, em mới biết mình dính bầu được 2 tuần”, cô kể lại.
Thương Trúc, cô đã giữ lại giọt máu mới tượng hình, về quê sống nhờ bên gia đình Trúc, mặc cha mẹ ngăn cản. Tiền bạc eo hẹp nhưng mỗi khi có chút đỉnh, Hằng liền sắp xếp vào TP.HCM thăm Trúc. Lần nào gặp, Trúc cũng động viên cô cố gắng giữ gìn sức khỏe để đợi mình về.
Thế nhưng, tội lỗi của Trúc là quá lớn.
“Em đến tòa chỉ với mong muốn được gặp chồng, cho con gặp cha. Từ lúc con ra đời đến giờ, anh Trúc chỉ mới nhìn thấy con từ xa chứ không được lại gần.
Thay mặt chồng, em gửi lời xin lỗi đến những người bị hại, bà con thành phố. Em biết chồng mình phạm lỗi nhưng xin mọi người hãy cho anh Trúc một con đường sống để về với con, với em”, Hằng chia sẻ.
Cả buổi sáng đội nắng đợi tin, Hằng đã khóc nấc rồi té xỉu khi biết tòa bác kháng cáo, giữ nguyên án tử đối với Hồ Duy Trúc. Chiếc xe đặc chủng lăn bánh, Hằng vật vã, nức nở: “Trúc ơi, anh đi rồi em và con biết sống sao đây?”.
Nghe Hằng kể về hoàn cảnh phải đối mặt trong thời gian tới, luật sư Đỗ Hải Bình - người bào chữa cho Hồ Duy Trúc gợi ý giúp cô làm hồ sơ đăng ký kết hôn. Bởi dẫu sao đó cũng là mong ước bình thường của một người phụ nữ.
Nếu được chấp thuận theo ý nguyện, ngoài việc Hằng trở thành vợ chính thức của Trúc thì con trai cô sẽ có tên cha trên giấy khai sinh.
Nước mắt nghẹn ngào, bà Trần Thị Út và chồng là ông Hồ Huy Tùng (bố mẹ của bị cáo Trúc) cúi gằm mặt xuống, khóc và nói:“Sáng nay lúc Trúc được dẫn giải vào xét xử, cháu quay lại cười với tôi một nụ cười thật tươi sáng như ngày còn bé….”.
Bà Út nói tiếp: “Sáng tôi đi thật sớm để đến xin vào nhưng chắc do hôm trước tôi quậy quá nên các chú công an không cho vào. Nhưng dù sao tôi cũng nhìn được mặt con trai rồi”.
Nhắc lại sự việc trước đó, bà Út tâm sự: “Nghĩ lại tôi thấy xấu hổ lắm, nhưng lúc đó tôi nghĩ rằng Trúc bị tuyên án chỉ khoảng 10, 15 ngày sau là sẽ đem đi xử bắn nên tôi mới hành động như vậy, chứ không biết là mình còn có thể kháng cáo. Trong lúc nóng giận tôi đã không làm chủ được mình, nên có những lời lẽ không hay với HĐXX và một số người khác, tôi mong mọi người bỏ qua cho tôi”.
Đứng bên cạnh bà Út, ông Tùng lặng lẽ không nói lên lời, dù cố gắng kiềm chế nhưng cứ ít phút ông lại trào nước mắt: “Giờ tôi cũng không biết sao, Trúc đã gây ra tội lỗi như vậy xử sao tôi đành chịu. Nhưng tôi chỉ mong HĐXX, Chủ tịch nước xem xét giảm nhẹ hình phạt cho con tôi để nó có cơ hội trở về với gia đình, vợ con. Tuổi đời nó còn trẻ, có già dặn gì đâu. Khi ở nhà Trúc là đứa hiền lành, gia đình cũng cố gắng lo cho cháu ăn học tôi cũng không biết sao nó lại gây ra tội như vậy”.
Trao đổi với gia đình nạn nhân, luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Trúc nói: "Đúng là hành vi gây tội của Trúc quá tàn nhẫn, quá dã man, tuy nhiên em nó còn trẻ, còn có cơ hội làm lại cuộc đời. Cô Út và chú đừng buồn nữa, con đã cố gắng nhưng không thể làm gì hơn. Bây giờ vẫn còn cơ hội để Trúc thoát được án tử hình đó là gia đình làm đơn kính gửi lên Chủ tịch nước để được xin giảm án tử hình cho em ấy”.