Người xây nhà được lợi gì khi 10 loại công trình xây dựng được miễn cấp giấy phép?
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nếu miễn cấp giấy phép xây dựng, sẽ rất thuận lợi cho người dân, ngành xây dựng cũng hạn chế nhiều tiêu cực, tuy nhiên, để quản lý, giám sát thì các thành phố cần có sự đồng bộ về mặt quy hoạch.
Luật Xây dựng sửa đổi với nhiều điều chỉnh trong việc cấp giấy phép xây dựng vừa được Quốc hội thông qua.
Một trong những điểm sáng của quy định mới này là từ ngày 01/1/2021, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn dưới 7 tầng mà không vướng quy hoạch sẽ được miễn cấp giấy phép xây dựng.
Ngoài ra, có 9 trường hợp khác cũng được miễn cấp giấy phép xây dựng và đều có hiệu lực từ ngày 01/1/2021.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nếu luật Xây dựng sửa đổi được áp dụng, người dân sẽ được lợi, ngành xây dựng cũng hạn chế nhiều tiêu cực. Ảnh: Bảo Loan
Đánh giá vấn đề ở góc độ quản lý, một Thanh tra xây dựng tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (xin được giấu tên) cho rằng, hiện tại, riêng đối với công trình xây dựng nhà ở thì thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo quy định 15 ngày đối với 1 hồ sơ có đầy đủ bản vẽ được phê duyệt, bản vẽ mặt bằng định vị công trình, bản vẽ kiến trúc, bản vẽ mặt bằng mặt cắt…
Tuy nhiên, nếu các bản vẽ này có một sai sót hoặc những bản vẽ không theo quy hoạch thì thời gian cấp phép sẽ lâu hơn rất nhiều.
Vì vậy, luật Xây dựng sửa đổi thực thi vào cuộc sống thì người dân sẽ được lợi rất nhiều, rất thuận lợi cho người dân, nhất là loại bỏ được thời gian chờ đợi cấp phép để được xây dựng. Bởi thực tế, những khu vực nào được xây như thế nào, xây bao nhiêu tầng, màu sắc của công trình đó ra sao… thì đều đã được quy định chi tiết tại quy hoạch phân khu, thiết kế cảnh quan đô thị mà thành phố đã phê duyệt.
Vị thanh tra xây dựng này cho hay: "Luật Xây dựng sửa đổi đưa vào cuộc sống thì người dân chỉ cần lên cấp quận/huyện "soi" quy hoạch thì về triển khai các bản vẽ. Tuy nhiên, xét ở góc độ quản lý thì tôi cho rằng, ngoài những cam kết của chủ công trình thì cơ quan quản lý nhà nước phải làm chặt chẽ hơn, sát sao hơn, cẩn thận ngay từ khâu khảo sát các hộ liền kề. Đơn cử như việc ép cọc, ép cừ khi công trình thi công. Bởi phần này rất ảnh hưởng đến những công trình xung quanh như chồi đất, nứt vách các công trình xung quanh khi ép cọc, ép cừ…".
Một công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn quận Tây Hồ.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), với Luật Xây dựng sửa đổi, người dân chỉ cần hoàn thiện hồ sơ, đăng ký xây dựng dựa trên những chỉ tiêu quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch hoặc thiết kế đô thị đã công bố. Nếu đạt yêu cầu chất lượng, đúng quy định, người dân có thể triển khai xây dựng mà không nhất thiết phải xin giấy phép xây dựng.
Cũng theo HoREA, quy định mới này sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực trong xây dựng. Tuy nhiên, để quản lý, giám sát việc xây dựng nhà ở riêng lẻ mà không cần giấy phép xây dựng, thì thành phố cần có sự đồng bộ về mặt quy hoạch.
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng, đây là một điểm sáng trong việc cải cách thủ tục hành chính, cụ thể là thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền trao đổi với phóng viên.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết, việc giảm bớt thủ tục hành chính sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh tốt hơn.
Ngoài ra là giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục hành chính, loại bỏ thủ tục độc lập, tích hợp trong một thủ tục. Ví dụ như giảm bớt bước thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở của các công trình xây dựng trong dự án nhà ở. Thay vào đó, bước này được tích hợp khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Không chỉ vậy, việc miễn cấp giấy phép xây dựng còn thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, dễ theo dõi và giám sát các bước trong quy trình do thời gian thực hiện ngắn hơn, loại bỏ được thời gian chờ đợi của chủ đầu tư và tránh được tình trạng cửa quyền
Tuy nhiên, luật sư Truyền cũng thẳng thắn, các trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng cũng tạo ra sự khó khăn trong công tác quản lý, giám sát. Đầu tiên là đối với những công trình xây dựng cấp bách sẽ được xác định như thế nào là cấp bách? Với những công trình cần phải thực hiện các thủ tục hành chính có bị "vin" vào luật Xây dựng sửa đổi này để miễn xin cấp GPXD hay không? Hơn nữa, chưa có quy định cụ thể việc tích hợp thủ tục vào làm một có phát sinh thêm những "thủ tục nhỏ"?
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, tại điểm b mục 16 Chương III, Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP của Chính phủ quy định, Bộ xây dựng: "Tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện trực tuyến các thủ tục cấp phép xây dựng (bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng) để giảm chi phí, nhất là chi phí không chính thức".