Người Việt vẫn thuộc top thấp lùn của thế giới, các trường học có thể làm gì trong cải thiện chiều cao của học sinh?
Hiện nay, chiều cao trung bình của người Việt Nam còn thua kém nhiều so với thế giới, tốc độ tăng chiều cao trung bình của người Việt còn chậm so với kỳ vọng. Nguyên nhân của thực trạng này do nhiều yếu tố, trong đó có việc bổ sung dinh dưỡng chưa đúng và chưa hợp lý theo từng lứa tuổi.
Suy dinh dưỡng và thiếu vi chất khiến người Việt có chiều cao "khiêm tốn"
Từ năm 1990, tỷ lệ Suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi là 56,5%, Chính phủ đã có các Chiến lược can thiệp theo từng giai đoạn, đó là Kế hoạch hành động Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 1995 - 2000 và tiếp đó 3 bản Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010, 2011 - 2020 và 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045.
Việt Nam sau đó đạt được những thành tựu về dinh dưỡng đáng ghi nhận. Tuy nhiên đến nay, theo PGS.TS Trần Thanh Dương (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế) chia sẻ tại Hội thảo quốc tế dinh dưỡng người Việt lần II tổ chức ngày 12/10 vừa qua, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với 4 "gánh nặng" bao gồm: suy dinh dưỡng (gầy còm, thấp còi), thiếu vi chất dinh dưỡng, sự gia tăng nhanh thừa cân, béo phì (đặc biệt ở lứa trẻ 5-19 tuổi) và sự gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Nói riêng về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi, dù đã có sự giảm đáng kể, từ 56,5% vào năm 1990 xuống còn 18,2% vào năm 2023, tuy nhiên, đây vẫn là ngưỡng trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của Tổ chức Y tế Thế giới. Đáng nói, tỷ lệ này ở vùng trung du và miền núi phía Bắc là 24,8% và Tây Nguyên là 29,5%.
Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đặc biệt là thiếu kẽm ở các đối tượng phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ dưới 5 tuổi với tỷ lệ lần lượt là 49,5%, 63,5% và 58,0%; rất cao ở khu vực miền núi với tỷ lệ 69,8%, 83,3% và 70,1%.
Tiếp theo là tình trạng thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 25,6%, nhưng vùng miền núi rất cao: 39,0%. Thiếu máu ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi tỷ lệ rất cao 32,1%, ở miền núi là 45,3%.
Suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Chiều cao trung bình của người Việt hiện là là 159,01cm (nam giới 164,44cm, nữ giới 153,59cm), thuộc top chiều cao trung bình thấp so với thế giới. Số liệu được công bố trên trang Insider, lấy từ bảng xếp hạng chiều cao trung bình bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu y tế năm 2020 của NCD Risk Factor Collaboration, dự án liên kết với Đại học Hoàng gia London (Anh).
Cải thiện dinh dưỡng học đường - "chìa khóa" tăng chiều cao và tầm vóc cho người Việt
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, trong các yếu tố quyết định chiều cao, di truyền chiếm khoảng 23% nhưng dinh dưỡng lại đóng góp đến 32% trong quá trình phát triển của trẻ. Theo đó, chiều cao của bố mẹ sẽ quy định một khoảng chiều cao cho con, nhưng việc tối đa chiều cao cho con lại phụ thuộc chính vào dinh dưỡng, ngoài ra bao gồm thêm các yếu tố khác như chế độ vận động, thể dục thể thao, giấc ngủ,...
Theo các chuyên gia, khoảng 86% chiều cao và thể chất của một đời người phát triển khi đến 12 tuổi. Như vậy, việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng này là vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời.
Do đó, chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này – đặc biệt là dinh dưỡng học đường là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, bữa ăn học đường ở Việt Nam hiện đang tồn tại nhiều vấn đề. Theo ý kiến của một số chuyên gia dinh dưỡng, một bộ thực đơn lý tưởng phải đầy đủ về năng lượng, cân đối protein, glucid và lipid. Bên cạnh đó, chú trọng thức ăn theo mùa và thực phẩm có sẵn ở địa phương để đảm bảo sự tươi ngon. Đồng thời, cần giảm thiểu muối, giảm đường ngọt.
Thế nhưng tại không ít trường học, chất lượng bữa ăn mới chỉ dừng ở mức no và ngon miệng, chưa đáp ứng được các tiêu chí về cân bằng dinh dưỡng hoặc đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu từng lứa tuổi. Ngoài ra, còn tình trạng chưa đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, vẫn xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, ở cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM; hay vẫn còn xảy ra những vụ việc bữa ăn bán trú "lèo tèo", không đủ định lượng,...
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc sớm xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường, chuẩn hóa bữa ăn học đường, đảm bảo việc phát triển toàn diện của trẻ là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Dinh dưỡng góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về dinh dưỡng người Việt (Lần II) - Dinh dưỡng học đường, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, các cơ quan ban ngành cần vào cuộc để hoàn thiện các cơ chế chính sách về dinh dưỡng, nhất là dinh dưỡng học đường.
Về vai trò của việc luật hóa dinh dưỡng học đường trong cải thiện dinh dưỡng cho trẻ, PGS.TS Trần Thanh Dưỡng bày tỏ: "Khi chưa có luật Dinh dưỡng, chúng ta cũng đã có những Nghị định. Tuy nhiên chỉ khi có hành lang pháp lý đủ mạnh thì mới huy động được các cá nhân, tổ chức, đơn vị cùng tham gia đồng hành. Khi đó, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu sớm hơn".
PGS.TS Trần Thanh Dương cũng lấy ví dụ, khi có luật điều chỉnh hành vi của các tổ chức, đơn vị, cá nhân, cũng như sự tham gia của các Bộ ngành, UBND các cấp, sẽ kiểm soát được những thực phẩm bán xung quanh trường học.
Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, một khía cạnh quan trọng của việc cải thiện dinh dưỡng chính là chất lượng dân số, chất lượng giống nòi của dân tộc, tương lai của người Việt.
Cũng trong buổi Hội thảo quốc tế về dinh dưỡng người Việt (Lần II) - Dinh dưỡng học đường, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh về sự cần thiết của luật Dinh dưỡng học đường.
GS.TS Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đưa ra khuyến nghị, Luật hóa/chính sách hóa dinh dưỡng học đường tại nước ta là vấn đề cấp thiết, để có giải pháp bền vững và đồng bộ.
"Luật là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh; Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh", GS.TS Lê Thị Hợp đưa ý kiến.
Trong khi đó, từ thực tiễn mô hình điểm bữa ăn học đường đã được thực hiện hiệu quả tại 10 tỉnh thành trên cả nước, đại diện cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT chỉ ra cần nhân rộng mô hình điểm và xây dựng chính sách, tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường.
Tại Hội thảo Quốc tế Dinh dưỡng người Việt, các chuyên gia nước ngoài cũng chia sẻ nhiều kế sách và kinh nghiệm thành công thực tiễn để giúp người Việt cải thiện tầm vóc. Đáng chú ý nhất là câu chuyện của GS. Nakamura Teiji (Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản, Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Dinh dưỡng châu Á) về sự "thoát lùn" ngoạn mục của người dân nước này. Ngay từ năm 1954, "Luật Bữa trưa học đường" được ban hành tại Nhật. Năm 2005, chính phủ Nhật Bản ban hành "Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng (gọi là Luật Shokuiku). Đến nay, 99% các trường tiểu học và 91,5% các trường trung học cơ sở tại Nhật đã áp dụng chương trình này.
Luật về dinh dưỡng học đường ở Nhật Bản đã ra đời từ sớm và có sự thay đổi theo từng giai đoạn, để phù hợp với tình hình thực tế về tình trạng dinh dưỡng, kinh tế và xã hội. Một trong những kết quả dễ nhìn thấy nhất là tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể, thanh niên Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, với tầm vóc, chiều cao trung bình tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm cách đây 50 năm.