Người Việt đổi gu mua ô tô: Sedan giá rẻ dần mất khách vào tay SUV cỡ nhỏ
Khách hàng cá nhân mua sedan cỡ B đang dần chuyển hướng sang SUV cỡ B khiến doanh số phân khúc này tăng trưởng liên tục, tạo bệ phóng cho những mẫu xe thực sự hiểu nhu cầu của khách hàng.
Theo báo cáo bán hàng VAMA và TC Motor, doanh số sedan cỡ B đạt 51.028 xe trong năm 2023, giảm 32,73% so với năm 2022. Ngoài tác động tiêu cực từ nền kinh tế, không thể phủ nhận rằng, sức hút của phân khúc này đang trên đà giảm. Chủ lực gồng gánh doanh số vẫn là các mẫu xe hợp nhu cầu kinh doanh taxi, dịch vụ vận tải như Hyundai Accent, Toyota Vios, còn khách hàng cá nhân không còn mặn mà, thay vào đó chuyển hướng sang các mẫu SUV cỡ nhỏ.
Trong nhóm này, SUV cỡ A lại nhỏ về kích thước, hợp đi phố hơn nhưng khó đáp ứng nhu cầu đi xa của cả gia đình. Nói một cách khác, SUV cỡ A như một chiếc hatchback cỡ A nâng gầm. Do đó, SUV cỡ B vẫn được coi là lựa chọn hài hòa nhất với số đông.
Một tư vấn bán hàng lâu năm cho biết: "Khách hàng tìm đến SUV cỡ A chủ yếu là các bạn trẻ độc thân, hoặc vợ chồng mới cưới sống tại đô thị vì chưa có nhiều nhu cầu với hàng ghế sau. SUV cỡ B đáp ứng được nhiều nhu cầu hơn, đi trong phố không cồng kềnh như SUV cỡ C, cũng không chật chội như SUV cỡ A, tất cả vị trí ngồi đều thoải mái khi đi đường dài".
"Cùng với đó, mức chênh trên dưới 100 triệu đồng giữa SUV cỡ A và SUV cỡ B cũng không phải khoảng cách lớn với hầu hết người đang cân nhắc mua ô tô", tư vấn bán hàng này nói thêm.
SUV cỡ B - nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức
Nhu cầu khách hàng lớn khiến doanh số SUV cỡ B liên tục tăng. Năm 2023, doanh số phân khúc này đạt 28.785 xe. Mẫu xe dẫn đầu là Hyundai Creta với doanh số 10.719 xe, tiếp đến Kia Seltos.
Dù tiềm năng lớn, nhưng cơ hội lại không chia đều. Cặp đôi xe Hàn chiếm lĩnh 70,8% thị phần phân khúc. Những mẫu xe còn lại chia nhau 29,2% còn lại. Nissan Kicks và MG ZS cũng thuộc phân khúc SUV cỡ B nhưng không tạo được tiếng vang, doanh số không đáng kể so với các đối thủ đồng hạng.
Thời gian gần đây, thị trường xuất hiện thêm hai tân binh: Toyota Yaris Cross và Mitsubishi Xforce. Toyota Yaris Cross có lợi thế về thương hiệu, tiện nghi, động cơ hybrid và công nghệ an toàn, nhưng vẫn loay hoay tiếp cận khách hàng vì định giá cao.
Thời điểm ra mắt, mẫu xe này có giá bán 730 - 838 triệu đồng khiến doanh số ảm đạm. Sau đó, xe được áp dụng chương trình giảm giá hơn 100 triệu đồng thông qua đại lý. Đến đầu năm 2024, giá niêm yết của Yaris Cross được điều chỉnh về mức 650 - 765 triệu đồng. Cần nhớ rằng, giảm giá niêm yết gần 100 triệu đồng là điều ít có tiền lệ với Toyota, thương hiệu vốn nổi tiếng về khả năng giữ giá, tính thanh khoản cao.
Ngược lại, Mitsubishi Xforce có cách tiếp cận đúng từ đầu và nhanh chóng trở thành hiện tượng. Xe có giá bán niêm yết 620 - 699 triệu đồng, và điều chỉnh về mức 599 - 680 triệu đồng trong thời gian hãng chưa bàn giao xe, tức không có bất cứ khách hàng nào phải chịu thiệt. Nước đi của Mitsubishi thậm chí đặt lại giá cho toàn bộ phân khúc vì cuốn theo cả Hyundai và Kia. Hyundai giảm giá Creta về 599 - 699 triệu đồng. Kia ra mắt Seltos 2024 với giá bán mới 599 - 739 triệu đồng.
Như vậy, bản tiêu chuẩn của Mitsubishi Xforce, Hyundai Creta và Kia Seltos đều chung mức giá 599 triệu đồng.
Bản tiêu chuẩn - phiên bản chứng minh nhà sản xuất có thực sự hiểu khách hàng
Thành công của Xpander có lẽ là nền tảng để Mitsubishi hiểu rõ khách hàng mua xe phổ thông thực sự cần gì. Thông thường, điều này thể hiện rõ nhất ở phiên bản tiêu chuẩn - phiên bản mà nhà sản xuất phải nâng lên đặt xuống từng "option" trong một tầm giá hợp lý, dễ tiếp cận. Điều này ngược lại với các phiên bản cao cấp nhất, khi nhà sản xuất có thể phóng tay hơn để chứng minh công nghệ, có chất liệu truyền thông, đồng thời đáp ứng thị hiếu nhóm khách hàng thích hưởng thụ tiện nghi, tài chính dư giả.
Với Xforce GLX (bản tiêu chuẩn), Mitsubishi không thay đổi thiết kế và những trang bị cao cấp ở ngoại hình như hệ thống đèn LED. Trong khi bản tiêu chuẩn của Seltos và Creta chỉ trang bị hệ thống đèn halogen. Thực tế tại Việt Nam, số đông người tiêu dùng vẫn coi ô tô là phương tiện ngoại giao, nên dù mua phiên bản rẻ nhất, người tiêu dùng không muốn một chiếc xe có ngoại hình quá "cơ bản". Do đó, Xforce GLX đương nhiên sẽ có lợi thế.
Hơn nữa, hãng xe Nhật cũng khéo léo bài trí khoang nội thất Xforce GLX không có cảm giác là phiên bản giá rẻ. Điều này có thể thấy qua tính năng khởi động nút bấm, phanh điện tử và hỗ trợ giữ phanh tự động. Cụm chỉnh điều hòa có màn hình riêng. Màn hình trung tâm thậm chí cung cấp nhiều thông số vận hành chuyên sâu như góc nghiêng trước sau, góc nghiêng hai bên, hướng, lực G, lực phanh, góc vô lăng... Những trang bị này vẫn thuộc dạng cao cấp khi so với bản tiêu chuẩn của Creta và Seltos.
Về công nghệ an toàn, Xforce không có cảm biến lùi và cảm biến áp suất lốp như Creta và Seltos, nhưng lại được trang bị 4 túi khí, còn hai mẫu xe Hàn chỉ trang bị 2 túi khí. Tuy nhiên, cần nhớ rằng cảm biến lùi và cảm biến áp suất lốp đều là những trang bị dễ dàng gắn thêm bên ngoài sau khi mua xe.
Với những lợi thế kể trên, Mitsubishi Xforce được coi là tân binh sáng giá nhất chen chân vào cuộc đua giữa Seltos và Creta, tạo thành cuộc đua tam mã trong phân khúc SUV cỡ B năm nay. Và giống như ở mọi phân khúc, sự cạnh tranh của các thương hiệu giúp người tiêu dùng hưởng lợi. Họ ngày càng có nhiều lựa chọn tốt hơn, đáp ứng được nhiều nhu cầu hơn, đi cùng mức giá dễ tiếp cận hơn.