Người Việt có 1 loại cây ‘toàn năng’, mọi bộ phận đều là thuốc quý nhưng chưa được dùng nhiều

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Mọi bộ phận của loại cây này đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, tuy nhiên người Việt thường chỉ sử dụng quả để làm gia vị khi nấu ăn.

Nội dung chính

Mọi bộ phận trên cây ớt đều có thể dùng làm thuốc.

Bài thuốc hay từ các bộ phận trên cây ớt.

Lưu ý khi dùng ớt.

Nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho hay, ớt được biết đến như một loại gia vị truyền thống, rất đặc trưng và thường xuyên có mặt trong các bữa ăn của người Việt Nam. Tuy nhiên, mọi người thường sử dụng trái ớt như một loại gia vị và ít ai biết đến những công dụng chữa bệnh của các bộ phận khác trên cây ớt.

Ớt có tên gọi khác là hột cay, ớt cựa gà, mak ướt (tiếng Thái), mak phết (tiếng Tày), phiên tiêu. Tên khoa học là Capsicum frutescens L.(C.annuum L.). Họ Cà - Solanaceae.

Ớt có nhiều loại như: ớt sừng trâu, ớt chỉ thiên, ớt mọi, ớt hiểm, ớt ím, ớt cà, ớt ngọt…

Người dân thường trồng ớt làm gia vị trong nấu ăn và dùng làm thuốc. Trong đó, loại ớt được dùng làm thuốc chủ yếu là ớt chỉ thiên.

Theo Y học cổ truyền, ớt có vị cay, nóng, công dụng tiêu đờm, hạ khí, sát trùng, giúp chóng tiêu các chất tanh, chữa tiêu hóa kém và hỗ trợ chữa các vấn đề về đau xương khớp với liều dùng: 6-12g/ngày. Những người tạng nhiệt, máu nóng được khuyến cáo không nên dùng ớt cay để trị bệnh.

Hơn thế nữa, rất nhiều nghiên cứu của Y học hiện đại đã cho thấy trong trái ớt có chứa một số hoạt chất như capsaicin – chất này bốc hơi ở nhiệt độ cao, gây hắt hơi mạnh, có thể hỗ trợ kiểm soát nồng độ insulin trong máu.

Người Việt có 1 loại cây ‘toàn năng’, mọi bộ phận đều là thuốc quý nhưng chưa được dùng nhiều - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Mọi bộ phận trên cây ớt đều có thể làm thuốc

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, mọi bộ phận trên cây ớt đều có thể dùng làm thuốc. Ông Sáng cho biết quả ớt ngoài được dùng làm gia vị thì còn là thuốc kích thích tiêu hóa. Người dân có thể dùng trực tiếp quả ớt trong bữa ăn hằng ngày với lượng vừa đủ để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, quả ớt chín cũng có thể chữa đau khớp, đau lưng rất hiệu quả. Cách làm thuốc như sau: ớt chín 15 quả, lá đu đủ 3 lá, rễ cây chỉ thiên 80g. Giã nhuyễn các nguyên liệu, ngâm cồn (tỷ lệ 1/2) để xoa bóp.

Hạt ớt có thể phối hợp với một số vị thuốc khác nấu thành cao để chữa phong tê thấp hoặc tán thành bột mịn, dùng 1-2g/lần để chữa nôn ói, hàn tả.

Rễ ớt kết hợp với rễ chanh, rễ quýt là bài thuốc chữa đau bụng kinh niên hiệu quả. Cách dùng: các nguyên liệu trên mỗi thứ 10g, sao vàng, sắc lấy nước uống.

Không chỉ quả, hạt, rễ ớt mà lá ớt cũng có tác dụng chữa bệnh đáng kinh ngạc. Dưới đây, lương y Sáng giới thiệu thêm một số bài thuốc từ lá ớt:

- Lá ớt chữa sốt rét cơn: Lá ớt 30g. Giã nát, pha thêm nước sôi rồi để nguội, vắt lấy nước cốt, lấy 01 bát uống trước khi lên cơn sốt 2 giờ. Uống ngày 1 lần, liệu trình 5-7 ngày liên tục.

- Chữa ho đờm khi cảm lạnh, rắn rết cắn: Lá ớt 30g, dùng ngậm chữa ho đờm khi cảm lạnh và giã đắp khi bị rắn, rết cắn.

- Chữa quai bị: Lá ớt tươi 30g, giã đắp, đồng thời sắc uống.

- Chữa bệnh chàm: lá ớt 1 nắm, mẻ chua lượng vừa đủ. Giã nhuyễn, đắp nơi bị chàm sau khi đã rửa sạch bằng nước muối.

- Chữa trúng phong (răng cắn chặt): lá ớt 1 nắm, muối và nước lượng vừa đủ. Giã nhỏ lá ớt, hòa nước và muối, lấy nước đổ vào miệng người bệnh.

- Chữa mụn nhọt: lá ớt 50g, bồ công anh 50g, búp na 50g, muối ăn vừa đủ. Dùng đắp vào nhọt đang mưng mủ sẽ bớt đau nhức, nhanh lành.

- Chữa vảy nến: 1 nắm lá ớt sao vàng, 1 bát vỏ cây trà đồng, 5-7 lá lá bỏng, 300g thiên niên kiện, 2 lít nước. Vỏ cây trà đồng cạo từ dưới lên lấy một bát nhỏ, sắc cùng với các vị thuốc trên, lấy nước đặc, chia ra uống.

- Chữa khản cổ, khản tiếng: Lá ớt 30g sắc lấy nước đặc, ngậm nuốt.

Lưu ý khi dùng ớt

Ông Sáng cho biết, capsaicin trong ớt sẽ làm tăng tuần hoàn máu, khiến tim đập nhanh hơn. Do vậy, những người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và mạch máu não, viêm phế quản mạn tính, cao huyết áp không nên sử dụng ớt.

Người mắc bệnh viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày, viêm túi mật mạn tính, sỏi mật, trĩ, đau mắt đỏ, viêm giác mạc… cũng không nên ăn ớt.

Khi sử dụng quả ớt làm thuốc, người dân cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để hạn chế gặp phải các tác dụng phụ.

Chia sẻ