Người ướt thì mới có tiền, dân miền Tây bật mí việc cứ 2 ngày lại kiếm được tiền triệu
Đây trở thành nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.
Ở xã Mỹ Thuận - huyện Mỹ Tú thuộc tỉnh Sóc Trăng, nhiều nông dân xem trồng sen lấy ngó là sinh kế. Dù công việc vất vả nhưng bù lại người trồng sen lẫn người làm thuê đều có nguồn thu ổn định giúp trang trải cuộc sống gia đình. Thậm chí, công việc này giúp nhiều hộ gia đình vươn lên mức thu nhập khá.
Theo Báo Cần Thơ, ấp Rạch Rê (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú) đang có đến hơn chục héc-ta trồng sen lấy ngó. Buổi sáng sớm là thời điểm nhộn nhịp nhất trên các ruộng sen.
Cứ cách 2 ngày là ông Bùi Văn Đá (47 tuổi) lại xuống ruộng sen để thu hoạch ngó. Mỗi lần thu hoạch khoảng 25kg, bán được khoảng 500.000 đồng. Nhờ ruộng sen mà ông kiếm được thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình suốt hàng chục năm qua.
"Cây sen cho kinh tế ổn định nhưng mình phải chịu khó lội sình bùn để nhổ. Sáng sớm xuống nước nhổ đến khi nào đủ số lượng thương lái mua thì lên. Dù cực nhưng bù lại có nguồn thu nhập", ông Đá nói.
Bà Trần Ngọc Liên (46 tuổi) cho rằng trồng sen cực nhất là lúc thu hoạch vì phải ngâm mình trong nước nhiều giờ liên tục. Nhưng người ướt thì mới có tiền. Với 1ha trồng sen của gia đình cứ cách 2 ngày có thể thu hoạch 1 lần, kiếm được trên 1 triệu đồng.
"Để lấy được ngó sen người nhổ phải mò mẫm trong bùn, lần tay vuốt từng cọng ngó để nhổ. Sen có nhiều gai nên dễ gây trầy xước tay chân. Sau nhiều giờ nhổ là bàn tay bị vọp rồi sình bùn, mủ sen bám đen hết", bà Liên cho biết.
Việc thu hoạch ngó sen khá vất vả vì phải trầm mình dưới đầm, nhưng bù lại, người trồng sen lẫn người đi nhổ ngó sen thuê đều có nguồn thu đáng kể, trang trải được cuộc sống gia đình. Nhiều lao động nông nhàn cũng tham gia nhổ thuê với mức giá 7.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày cũng kiếm được thu nhập khoảng 200.000 đồng.
Anh Bùi Thanh Hoài (tỉnh Long An) có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng sen lấy ngó cho biết với Báo Sài Gòn Giải Phóng: Trồng sen trên diện tích 1ha tốn khoảng 30 triệu đồng chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công…
Gia đình anh Hoài trồng 2ha sen,vốn bỏ ra khoảng 60 triệu đồng, mà cứ cách ngày lại có thu hoạch từ 150-200kg ngó sen.
"Sau khi trừ chi phí cũng lãi từ 60-80 triệu đồng cho mỗi vụ", anh hào hứng khoe với chúng tôi.
Trồng sen tuy vất vả, ngày ngày gần như phải trầm mình dưới đầm để lấy ngó, lấy củ, nhưng bù lại có nguồn thu kha khá để trang trải cuộc sống gia đình. Tính ra lợi nhuận còn cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích vùng đất phèn, trũng.
Kỹ thuật trồng sen lấy ngó
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, hầu hết các bộ phận của cây sen đều sử dụng được, hoa làm cảnh, hạt để làm thuốc, ngó sen làm rau có tính an thần, tim sen dùng làm trà, lá sen dùng làm trà, dùng để gói. Cây sen được trồng nhiều nơi.
Cây sen hiện có 2 giống phổ biến: Giống dùng lấy hạt có kích thước thân, lá, hoa, gương to hơn, đặc biệt hoa có màu hồng sậm, dân gian thường gọi là "Sen Trâu". Giống trồng lấy ngó ngược lại, thân, lá, hoa, gương nhỏ hơn, hoa có màu hồng phấn.
Cây sen giống đem trồng phải đạt tiêu chuẩn: Có 2 lá mập, khỏe, đường kính lá lớn, không để cây bị dập lá hay gãy cọng hoặc gãy thân ngầm (ngó).
Cách trồng: Cây con sau khi nhổ từ ruộng sen phải được giữ nơi mát, tránh ánh sáng mặt trời bức xạ làm cho cây khô héo, đem cấy ra ruộng cần nhẹ nhàng để tránh gãy ngó. Không nên trồng quá sâu cây lâu bén. Không nên quá cạn cây dễ bị nổi. Khoảng cách trồng 2m x 2m/cây. Mật độ 2.500 cây/ha.
Cần khống chế mực nước trong ruộng 20-25 cm trong thời gian mới trồng, giúp cây mau bén rễ. Sau khoảng 10 ngày sau cần theo dõi và trồng dặm liền. Sau đó, cho mực nước tăng dần theo sự sinh trưởng của cây. Mực nước trong ruộng cần khống chế ở mức 40-50cm là tốt nhất.