Người trên 65 tuổi có ‘1 kém’ chứng tỏ tuổi thọ suy giảm, các dấu hiệu có thể xuất hiện trước 10 năm
Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) chỉ ra rằng những người trên 65 tuổi có chức năng vận động kém sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn.
Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa chức năng vận động kém và tuổi thọ
Các nhà nghiên cứu phát hiện các dấu hiệu suy giảm khả năng vận động chẳng hạn như khó đứng dậy khỏi ghế hoặc khó mặc quần áo có thể cảnh báo nguy cơ tử vong trước 10 năm.
Nghiên cứu tiến hành theo dõi tình trạng sức khỏe của hơn 6.000 người tham gia để xem xét tác động của các yếu tố xã hội, hành vi, sinh học đối với sức khỏe và tuổi thọ của con người.
Từ năm 2007 đến năm 2016, những người tham gia đã trải qua 3 lần đánh giá chức năng vận động. Các đánh giá bao gồm tốc độ đi bộ, thời gian đứng dậy khỏi ghế, khả năng cầm nắm. Thêm vào đó, người tham gia nghiên cứu cũng tự báo cáo về những khó khăn trong khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như mặc quần áo, sử dụng nhà vệ sinh, nấu ăn và mua hàng tạp hóa.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân của người tham gia đến tháng 10 năm 2019.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ đi bộ, khả năng đứng dậy, sức cầm nắm kém làm tăng nguy cơ tử vong với tỷ lệ lần lượt là 22%, 14% và 15%. Ngoài ra, những người gặp khó khăn trong khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 30%.
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu còn nhận ra rằng các dấu hiệu của tình trạng suy giảm sức khỏe thể chất và khả năng vận động có thể xuất hiện trong khoảng từ 4-10 năm trước khi những người tham gia nghiên cứu tử vong.
Phân tích sâu hơn chỉ ra rằng 10 năm trước khi tử vong, cơ thể sẽ gặp khó khăn khi đứng dậy; 7 năm trước khi tử vong, chức năng vận động của người tham gia suy giảm dần và 4 năm trước khi tử vong, người tham gia gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Theo đó, tốc độ đi bộ có thể phản ánh tình trạng sức khỏe và tuổi thọ của một người. Một nghiên cứu khác trên 475.000 người tham gia vào năm 2019 cũng chỉ ra những người đi bộ nhanh có thể sống thọ hơn 15-20 năm.
Tương tự, khả năng đứng dậy khỏi ghế nhanh hay chậm có thể phản ánh độ linh hoạt của dây chằng khớp chi dưới, sức khỏe của khớp gối và cột sống thắt lưng. Những người gặp vấn đề về cột sống thắt lưng thường khó duy trì cường độ vận động bình thường, có khả năng giữ thăng bằng và phối hợp cơ thể kém. Điều này có thể khiến họ dễ bị ngã và gây bất lợi cho sức khỏe chẳng hạn như gãy xương, bệnh mạch máu não.
Đối với sức cầm nắm, nghiên cứu 140.000 người được đăng tải trên tạp chí The Lancet chỉ ra rằng cứ 5kg lực cầm nắm giảm xuống, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên 16%, nguy cơ đau tim, đột quỵ sẽ tăng lên lần lượt là 7% và 9%.
Cuối cùng, nếu một người gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày như mặc quần áo, đi vệ sinh, nấu ăn, mua đồ,... đó có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng quá trình lão hóa đang diễn ra nhanh chóng, các cơ trong cơ thể đang dần suy yếu.
Chức năng vận động và sức khỏe thể chất thường suy giảm theo tuổi tác, nhưng tốc độ suy giảm sẽ rất khác nhau ở mỗi người. Do đó, các nhà nghiên cứu gợi ý rằng việc phát hiện sớm những thay đổi trong chức năng vận động có thể giúp mọi người sớm phòng ngừa và điều trị các vấn đề sức khỏe kịp thời.
Đề cải thiện sức khỏe thể chất và giảm tốc độ lão hóa của cơ thể, mọi người nên thực hiện 5 điều dưới đây từ sớm.
5 điều nên làm từ sớm để cải thiện sức khỏe thể chất và giảm tốc độ lão hóa
1. Tham gia hoạt động thể chất
GS.TS Leana Wen, Trường Y tế Công cộng Milken trực thuộc Đại học George Washington, Mỹ cho biết, vận động, tập thể dục thường xuyên có thể góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.
PGS.TS Nieca Goldberg của Trường Y khoa Grossman trực thuộc Đại học New York, Hoa Kỳ, cho biết: "Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp duy trì chức năng nhận thức, từ đó góp phần kéo dài tuổi thọ".
2. Duy trì chỉ số BMI cân đối
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, chỉ số khối cơ thể (BMI) là thước đo lượng mỡ trong cơ thể nhằm đánh giá cân nặng và các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn của một người.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy việc duy trì chỉ số BMI trong mức cân đối (thường là từ 18,5 đến 24,9) có thể kéo dài tuổi thọ của bạn hơn một thập kỷ do chỉ số BMI cân đối có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa và ung thư. Để duy trì chỉ số BMI trong mức lành mạnh, bạn có thể tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên và bổ sung dinh dưỡng bằng nhiều loại thực phẩm lành mạnh.
3. Dinh dưỡng hợp lý
PGS Goldberg cho biết các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật cung cấp nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời cho cơ thể và rất tốt cho sức khỏe.
"Quá trình oxy hóa có liên quan đến quá trình lão hóa của cơ thể", PGS Goldberg nói.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Medicine, để ngăn ngừa quá trình oxy hóa và kéo dài tuổi thọ, chúng ta nên chú trọng bổ sung dinh dưỡng hợp lý; ăn ít thịt đỏ và thịt đã qua chế biến; tăng cường ăn các loại trái cây, rau củ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
Nếu bạn xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý từ khi còn trẻ, cơ thể bạn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích hơn. Theo đó, phụ nữ bắt đầu xây dựng chế độ ăn uống hợp lý từ những năm 20 tuổi có thể tăng thêm 10 năm tuổi thọ, trong khi nam giới bắt đầu có chế độ ăn uống hợp lý ở độ tuổi tương tự có thể kéo dài thêm 13 năm tuổi thọ.
Mỗi bữa ăn, hãy dành ra ít nhất một nửa đĩa thức ăn cho trái cây và các loại rau củ, PGS Goldberg nói. Ngoài ra, cách chế biến các món ăn cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, các món nướng hay luộc sẽ tốt hơn so với các món chiên rán.
4. Chú trọng giấc ngủ
PGS Goldberg cho biết những người ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm thường dễ bị căng thẳng, có lượng đường trong máu và huyết áp cao hơn.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn có thể thực hiện một vài mẹo như giữ cho không gian phòng ngủ yên tĩnh, điều chỉnh độ sáng của đèn, điều chỉnh độ ấm của phòng ngủ. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên cũng là một cách giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ.
5. Chăm sóc sức khỏe tinh thần
"Rất nhiều người bỏ quên và không chú trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, sức khỏe tinh thần lại đóng góp rất lớn vào sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống", GS Wen nói.
PGS Goldberg cho biết sức khỏe tinh thần không tốt bao gồm căng thẳng và lo lắng, có thể ảnh hưởng đến huyết áp, giấc ngủ. Do đó, mọi người nên cố gắng giải tỏa căng thẳng bằng cách hít thở sâu, thiền,... để giữ cho tâm trạng thoải mái, thư thái từ đó giúp tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.