Người trẻ mua nhà: Có nên "liều" vay tiền hay chờ tích lũy đủ?
"Bao giờ mới mua được nhà?" không chỉ là câu hỏi mà còn là một khát vọng của nhiều cặp vợ chồng trẻ vẫn đang đau đáu sở hữu một không gian sống thuộc về mình.
Sau hơn 15 năm sống ở Sài Gòn với không biết bao nhiêu lần chuyển nhà, từ căn phòng trọ 12m² thời sinh viên đến căn phòng rộng hơn một chút khi đã lập gia đình, Tết này có lẽ là cái Tết vui nhất với vợ chồng anh KH vì đã kịp hoàn tất thủ tục, sửa sang và chuẩn bị dọn vào nhà mới. Lần này hai vợ chồng không phải dọn vào nhà trọ mà là căn nhà mới mua, đứng tên cả hai vợ chồng hẳn hoi.
Căn hộ hai vợ chồng anh KH mua rộng khoảng 60m² có 2 phòng ngủ, nằm sát bên khu công nghệ cao tại Sài Gòn. Nếu cộng luôn chi phí trang trí nội thất giá căn hộ cũng xấp xỉ 1,3 tỉ đồng. Anh KH kể, quyết định mua nhà đến với vợ chồng anh khá tình cờ, mà cho đến giờ anh vẫn chưa tin mình đã xoay sở mua được.
Với tất cả vốn liếng sau hai năm cưới nhau chỉ 400 triệu đồng, vợ chồng anh KH chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện mua nhà. Thế nhưng một lần tình cờ ghé nhà người anh họ đang ở chung cư này chơi, người anh cho biết hàng xóm đang muốn bán nhà để chuyển sang căn rộng hơn. Cũng chục lần nâng lên hạ xuống, cặp vợ chồng này mới dám quyết định mua nhà sau khi hỏi mượn hai bên gia đình được thêm 300 triệu đồng nữa, số còn lại đi vay.
Trước khi mua được nhà, hai vợ chồng anh KH cũng đã có một thời gian dài tìm thuê những căn phòng trọ ở ngoại thành, thường là nhà cấp 4 lợp mái tôn. Mùa hè bước vào phòng nóng hệt như lò xông hơi, mùa mưa nước ngập bì bõm là chuyện thường. Đó là chưa kể, mỗi lần muốn chuyển phòng, kiếm được nơi an ninh tốt, giá cả vừa phải, phòng ở được cũng không phải dễ dàng. Cứ mỗi lần chuyển trọ, khát khao có nhà lại tăng lên, thôi thúc vợ chồng anh cố gắng dành dụm.
Vợ làm giáo viên, chồng làm kiến trúc sư, thu nhập không thấp, nhưng với những đôi vợ chồng trẻ rời quê hương với hai bàn tay trắng, nuôi con nhỏ, lại phải cáng đáng cả chuyện gia đình thì quả thực dành dụm được số tiền tiết kiệm ấy là một nỗ lực rất lớn.
“Biết sẽ áp lực vì số tiền vay nhưng cứ lần lữa mãi chẳng biết bao giờ mới có được nơi ở tử tế cho con. Đi ở trọ muốn sắm cái bàn học cho con cũng kiếm cái thật nhỏ vì không gian không có nhiều. Con học bài thì ba mẹ không bao giờ dám mở ti vi. Người thân ở quê vào có việc gì lại càng không dám mời đến vì làm gì có chỗ cho khách ngủ”, anh Kh. tâm sự.
Khác với gia đình anh KH, chị MH (34 tuổi), cũng là dân tỉnh lên Sài Gòn lập nghiệp. Chị mua căn nhà đầu tiên trị giá 700 triệu đồng vào năm 28 tuổi khi trong tay chỉ có vỏn vẹn 100 triệu đồng. Đến nay chị cũng đã trả hết nợ tiền nhà và còn “lận lưng” thêm được miếng đất tiền tỉ. Hỏi bí quyết, chị MH chỉ cười xòa nói “đôi lúc cần liều lĩnh thì mới mua được nhà thành phố. Vì giá nhà đất ngày càng tăng nhanh, chậm một bước thì giấc mơ có nhà ngày càng xa tầm với”.
Nhìn lại hành trình mua nhà của chị MH đúng là có phần liều lĩnh. Với 100 triệu đồng từ bán vàng cưới, chị nhờ mẹ chồng ở quê vay thêm 10 cây vàng từ họ hàng với số lãi “tượng trưng” chỉ 200.000 đồng/tháng. Khoản còn lại chị mượn nhà mẹ đẻ và nhờ người cầm cố vay thêm.
Không lâu sau, công việc làm nhân viên môi giới bất động sản của chồng khá thuận lợi, thu nhập tăng cao. Cộng với số tiền mượn từ gia đình mỗi nơi vài chục triệu, chị nhanh chóng trả hết số vàng. Không những vậy, chị còn “lời” vì lúc vay giá vàng cao đỉnh điểm, hơn 40 triệu đồng/lượng, nay trả giá chỉ còn 36 triệu đồng/lượng. Sau 6 năm “thắt lưng buộc bụng”, vợ chồng chị MH đã có căn nhà và mới mua thêm một miếng đất hơn tỉ đồng nữa làm của để dành.
“Mua nhà không nên quá sức, phải cân nhắc khả năng tài chính hợp lý nhất để tránh áp lực quá nặng nề về mặt tâm lý. Ngoài ra phải chọn một căn nhà để cha mẹ đi làm, con cái đi học thuận tiện nhất để tiết kiệm thời gian di chuyển”.
Chị MH cho rằng nếu mua nhà 1,5 tỉ đồng sẽ không ở trung tâm, nhưng phải chọn căn nhà thuận lợi về mặt giao thông để di chuyển dễ dàng. Ngoài ra, căn nhà cũng phải đáp ứng đầy đủ tiện ích cho cuộc sống như siêu thị, nhà hàng, phòng tập, trường học để tiết kiệm nhiều thời gian và an toàn hơn khi không phải di chuyển nhiều.
Câu chuyện của hai cặp vợ chồng nói trên chỉ là điển hình giữa 1001 câu chuyện về nơi “an cư lạc nghiệp” của người trẻ. "Khi nào cưới cưới xong tính mua nhà chưa?" vẫn luôn là câu hỏi thường gặp mà người được hỏi chỉ dám cười xòa thay cho câu trả lời.
Tất nhiều người trẻ khác vẫn chấp nhận đi về những căn phòng trọ ọp ẹp. Nhìn số tiền tiết kiệm trong tài khoản hàng tháng chỉ tăng lên được vài triệu đồng. Nhà đối với họ vẫn là giấc mơ rất xa xỉ. Thế nhưng biết đâu nếu "liều" như chị MH hay gia đình anh Kh cơ hội sở hữu nhà thành phố có lẽ sẽ gần hơn chăng.