Người tiêu dùng ngày càng chuộng sắm đồ thanh lý "ngon bổ rẻ"
Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều cửa hàng đồ cũ ra đời đáp ứng nhu cầu tiết kiệm của người tiêu dùng.
Thị trường đồ thanh lý sôi động
Dạo qua một số cơ sở bán đồ cũ, đồ thanh lý trên khu Đặng Thai Mai, khu Đông Anh hay Từ Liêm ta đều dễ dàng bắt gặp cảnh người mua kẻ bán khá tấp nập. Tại đây, khách hàng có thể tha hồ lựa chọn các mặt hàng từ đồ điện lạnh, điện tử, gia dụng, gia dụng, âm thanh... có xuất xứ từ trong lẫn ngoài nước. Đặc biệt, thời gian gần đây, đồ nội thất thanh lý thu hút rất đông khách tới mua bán để tiết kiệm chi phí, vừa rẻ vừa đẹp.
Trên phố Đặng Thai Mai, dãy cửa hàng chuyên bán đồ gỗ, đồ thanh lý, đồ gia dụng mọc lên trước nhu cầu tiết kiệm của người tiêu dùng. Tại đây, tiểu thương chào bán rất nhiều hàng nội thất gia dụng, văn phòng còn mới khoảng 80-90%, giá rẻ hơn so với giá gốc từ 30-50% tùy từng sản phẩm.
Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều cửa hàng đồ cũ ra đời đáp ứng nhu cầu tiết kiệm của người tiêu dùng. (Ảnh: Nhã Đan)
Trong cửa hàng là hàng trăm nghìn món đồ cũ được xếp dài, rộng cả cây số. Có đủ các thứ đủ chủng loại: Quạt máy, tivi, tủ lạnh, loa, amli, tủ gỗ công nghiệp, gỗ thịt, ghế nhựa, đài, ổ điện, điều hòa, xoong, chảo, bát đĩa, thìa, hộp tăm…
Chị Thanh Nhàn – chủ một cửa hàng cho biết: “Cách đây 3 năm, tôi thuê cái kho này để giao dịch mua đồ cũ từ người không dùng đến và bán đến tay người muốn mua, kho rộng hơn 600m2. Nhưng sau một thời gian ngắn thấy nhu cầu người mua tăng đáng kể, nên gia đình tôi quyết thuê thêm 1 mặt bằng ngay cạnh để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng".
Nhiều cửa hàng còn lập hẳn trang bán hàng online trên mạng thu hút người mua
Thực tế quan sát cho thấy, giá bán những đồ cũ tại đây khá mềm: Tủ lạnh từ 800 - 2,5 triệu đồng/chiếc tùy loại năm sản xuất, cũ mới; lò vi sóng tùy từng loại có mức giá giao động từ 700.000 - 1,3 triệu đồng/chiếc, bộ bàn ghế trẻ em gỗ ép gồm 1 bàn 4 ghế 700.000 đồng, két sắt còn mới 99% là 870.000 đồng/chiếc, loa Nhật cũ 800.000 đồng (tùy loại), máy xay thịt 300.000 đồng, Tivi 52 inchs 2,3 triệu, quạt treo tường 80.000 đồng, giường gỗ thịt 2 triệu đồng, bát đĩa 2000 đồng/chiếc… Tuy nhiên, mức giá mà cửa hàng đồ cũ đưa ra, khách hàng vẫn có thể mặc cả thêm được giá mềm hơn tùy vào trình độ thương thuyết của mình.
Có đủ các thứ đủ chủng loại: Quạt máy, tivi, tủ lạnh, loa, amli, tủ gỗ công nghiệp, gỗ thịt, ghế nhựa, đài, ổ điện, điều hòa, xoong, chảo, bát đĩa, thìa, hộp tăm…
Chị Nhàn chủ cửa hàng chia sẻ thêm, nguồn hàng chủ yếu của cửa hàng chị đó là từ những nhà hàng, gia đình chuyển nhà, hay chuyển hướng kinh doanh.
Chị Trần Thị Tuyết (phố Cầu Giấy, Hà Nội) - một người tiêu dùng chia sẻ: “2 năm trước đây, tôi được bạn dẫn đến đây mua, ban đầu ngại chẳng thích mua đồ cũ nhưng sau tôi lại ‘nghiện’ mới lạ chứ. Càng xem, càng mua, càng dùng và nhận thấy rằng mua đồ cũ đúng là ngon bổ rẻ, nhiều đồ lại độc, cũng khá bền chứ không phải là không. Điển hình như năm ngoái tôi mua một bộ ghế salon ở đây. Nếu mua mới cứng ngoài cửa hàng thì phải lên tới giá chục triệu đồng, nhưng tôi mua ở đây chỉ có gần 2 triệu. Từ năm ngoái tới năm nay, bộ salon nhìn vẫn mới, dùng vẫn êm. Nhiều khách tới nhà còn hỏi thăm tôi mua ở đâu, chắc đắt lắm. Chẳng ai biết mình mua đồ cũ, đồ thanh lý cả”.
Cũng là một người hay mua đồ cũ, anh Bình (Yên Phụ, Hà Nội) nói: “Thời điểm hiện nay đang khó khăn, nếu biết mua đồ cũ, mua chuẩn, chọn kỹ, mình sẽ mua được đồ tốt, dùng bền và đó cũng là một giải pháp chống lạm chi cho gia đình”.
Anh khoe thêm, năm trước anh mua một chiếc loa cũ tại cửa hàng đồ thanh lý quen trên mạn Đông Anh, loa dùng rất tốt, âm thanh nổi, mà giá siêu rẻ, chỉ có gần 1 triệu đồng. Nhưng với chính cái loa đó ở ngoài sẽ bán đắt gấp 7 lần.
Không chỉ người dân đến mua đồ dùng cho gia đình, mà nhiều nhà hàng kinh doanh nhỏ cũng coi đây là thiên đường để mua sắm, lựa chọn đồ đạc nội thất cho chính cửa hàng của họ. Người tiêu dùng chuộng hàng cũ được hỏi đều vui vẻ cho biết họ thường tiết kiệm được một khoản kha khá tiền khi chọn mua những món đồ cũ nhưng vẫn rất đẹp.
Lưu ý khi mua đồ cũ
Chia sẻ về điều này, anh Nguyễn Cường (Ngũ Xã, Hà Nội) – một người “lành nghề” trong việc đi mua đồ cũ cho biết: “Ngay cả mặt hàng mới người mua cũng cần kiểm tra chứ chưa nói đến mua đồ cũ, đồ thanh lý. Nguyên tắc đó là bạn cần phải tinh ý, lựa chọn kỹ sản phẩm, hiểu sản phẩm và tìm hiểu trước khi mua. Ví dụ, mua đồ gỗ phải xem kỹ mặt gỗ, gỗ tốt, gỗ lâu năm thường nặng, cứng cáp. Mua điều hòa phải nhờ thợ đến để kiểm chứng độ tốt, dùng bền của nó...”.
Anh kể kinh nghiệm xương máu của anh, đó là lần đầu đi mua, anh đến một cửa hàng bán đồ cũ khá nổi ở ngoại thành Hà Nội. Vợ chồng anh mê mẩn một bộ bàn ghế học sinh, người bán hàng quả quyết chúng được làm bằng chất liệu gỗ nhân tạo được làm ở Việt Nam, gồm 1 bàn 4 ghế, giá là 1.200.000 đồng. Hí hửng mua về thì một lần tình cờ anh chị phát hiện đây là hàng Trung Quốc, giá mới cứng cựa chỉ có 1300.000 đồng.