Người sở hữu đá quý hiếm "nở" hoa, cực độc, đắt đỏ ở Đắk Lắk
Trong hành trình sưu tầm đá, nhiều nghệ nhân tại Đắk Lắk đã may mắn sở hữu được những phiến đá độc lạ, quý hiếm, rất đắt giá.
Đá “ngậm” hoa, hút được sắt
Mới đây, hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Đắk Lắk đã ghé thăm cơ sở đá phong thủy của ông Lê Phúc Tiếng, Chủ tịch Hội SVC TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Theo ghi nhận của PV, tại cơ sở của ông Tiếng có nhiều sản phẩm đá tự nhiên, đá phong thủy, được những người mua bán sưu tầm đá quý đánh giá có giá trị cao. Đặc biệt, ông Tiếng có lưu giữ nhiều hòn đá… nở hoa trắng muốt rất đẹp, hiếm thấy.
Ông Tiếng cho hay, những bông hoa trong đá là hoàn toàn tự nhiên, được gọi là ''hoa Ưu đàm'', tên khoa học là Aragonit. “Hoa Ưu đàm được hình thành ở điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt. Nhiều người thích sưu tầm hoa Ưu đàm vì vẻ đẹp nhẹ nhàng, tinh khiết và được cho là mang lại may mắn cho gia chủ. Giá của hoa Ưu đàm trên thị trường tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, độ tinh khiết của hoa. Hoa to, độ tinh khiết cao thì có giá trị cao”, ông Tiếng chia sẻ.
Ngoài những viên đá ''ngậm'' hoa quý hiếm, ông Tiếng còn sở hữu một hòn đá năng lượng cực kì đắt giá. Ông Tiếng cho hay, mấy năm trước ông có giao lưu với những nghệ nhân sưu tầm đá quý và may mắn mua được hòn đá năng lượng để bổ sung vào bộ sưu tập đá của mình.
Theo quan sát của PV, hòn đá năng lượng mà ông Tiếng sở hữu cao khoảng 20cm, chiều ngang khoảng 10cm và hút được kim loại. Ông Tiếng cho hay, hiện hòn đá năng lượng mà ông đang sở hữu có giá khoảng 4,5 tỉ đồng.
Đá hình bàn chân
Cũng trong buổi tham quan mới đây, Hội Sinh vật cảnh Đắk Lắk đã ghé thăm bộ sưu tập đá tự nhiên của ông Lê Đình Hiền (TP Buôn Ma Thuột). Trong bộ sưu tập đá của ông Hiền, nổi bật nhất là phiến đá có hình bàn chân người cực kì quý hiếm và lạ mắt, thu hút người xem.
Ông Hiền chia sẻ, trong một lần đến tỉnh Phú Yên, ông tình cờ biết được có người đang sở hữu phiến đá hình bàn chân hoàn toàn tự nhiên nên dò hỏi để chiêm ngưỡng.
Khi tận mắt chứng kiến, ông Hiền ngỏ ý mua lại phiến đá và được chủ nhân đồng ý nhượng lại với giá 5 triệu đồng. “Anh ấy nói tôi có duyên với phiến đá nên bán với giá tượng trưng để nhượng lại cho tôi sở hữu. Giờ tôi coi phiến đá như là kỷ vật nên để trưng bày chứ không bán lại với bất kỳ giá nào”, ông Hiền nói.
Nhận xét về phiến đá có hình giống như bàn chân người nói trên, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk cho hay, dù mang hình thù độc lạ nhưng phiến đá trên hoàn toàn là đá tự nhiên, không qua chỉnh sửa. “Về giá trị thì khó nhận xét nhưng theo tôi, phiến đá này là kiệt tác của tự nhiên, mang hình dạng độc lạ, độc nhất vô nhị ở Việt Nam”, ông Tuyên chia sẻ.