Người Sài Gòn "vật lộn" với đợt nắng nóng cao điểm nhất năm
Những ngày nắng nóng như "đổ lửa", cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Thị trường máy điều hòa quá tải, hóa đơn tiền điện cao đến chóng mặt. Các bệnh mùa nóng bắt đầu gia tăng gây hoang mang cho nhiều người...
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình nắng nóng vẫn sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tháng 5 và sẽ dịu bớt vào tháng 6 khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện. Thành phố ngày càng trở nên nóng nực và oi bức, cuộc sống của người dân cũng vì thế bị ảnh hưởng không nhỏ.
Người dân khó chịu vì nắng nóng kéo dài.
Người đàn ông cởi trần ngồi trước cửa nhà vì không thể chịu nổi cái nóng mùa này.
Nhiều gia đình "bấm bụng" lắp máy lạnh cả... nhà bếp và phòng khách
Để đối phó với cơn nóng cả ngày lẫn đêm, chị Thanh Yến, 46 tuổi, ngụ Quận Bình Thạnh, cho biết: "Cứ tan giờ làm là tôi lại chạy nhanh về nhà, vào phòng và bật máy lạnh ngay. Buổi tối dù không nắng nhưng vẫn rất oi bức, khó chịu. Cả nhà tôi có 3 phòng cho vợ chồng, các con và phòng nào cũng bật máy lạnh suốt. Hóa đơn tiền điện tháng này lên đến 3 triệu, nhưng biết làm sao được, để các con chịu nóng, có khi còn dễ bệnh, tiền thuốc thang còn tốn hơn tiền điện nữa".
Chị Yến cũng chia sẻ thêm rằng, sắp tới chị đang suy nghĩ đến việc sẽ lắp máy lạnh cả... nhà bếp và phòng khách nếu tình hình nắng nóng đến "phát bệnh" này vẫn không thuyên giảm.
Chị Yến cho biết những chiếc máy lạnh tại nhà hoạt động hết công suất mùa nắng nóng nên tiền điện tháng vừa qua tăng lên tới 3 triệu.
Gia đình chị Như Ngọc, 36 tuổi, ngụ tại Quận Phú Nhuận cho biết, trước
đây, phòng khách của chị Ngọc có quạt trần, quạt cây nhưng do thời gian
gần đây thời tiết oi bức nên quạt toàn thổi ra... hơi nóng gây khó chịu. Vì thế, vừa để có không khí mát mẻ và do yêu cầu công việc nên gia đình chị thường xuyên tiếp khách nên hai vợ chồng chị quyết định lắp luôn máy lạnh.
Không chỉ vậy, nhiều gia đình ở TP HCM còn đầu tư máy lạnh cả ở... dưới bếp do gia đình thường ăn cơm chung và muốn không khí mát mẻ trong bữa ăn gia đình.
Một phòng khách được lắp máy lạnh để khách đến nhà chơi cảm thấy thoải mái hơn.
Một nhân viên marketing của công ty cơ điện lạnh tại quận Tân Bình cho biết hai tháng gần đây người dân đổ xô đi mua máy lạnh rất nhiều. Công ty cũng phải tuyển thêm nhân viên kỹ thuật do gần đây khách hàng thường được yêu cầu bảo trì máy liên tục do hoạt động quá công suất gây hỏng hóc nhiều.
Ngoài ra, các hệ thống siêu thị điện lạnh trong thành phố cũng phải huy động hết nhân lực để phân phối. lắp đặt và sửa chữa sản phẩm bán ra.
Cafe ngoài trời ế khách - Cafe máy lạnh "lên ngôi"
Các quán cafe sân vườn đang gặp tình trạng vắng khách vào buổi sáng, chỉ được cải thiện khi thời tiết dễ chịu hơn vào buổi tối. Anh Hoàng Tân, chủ quán cafe tại quận 3 cho biết: "Nhiều khách đứng trước cửa quán hỏi bảo vệ có phòng máy lạnh không thì mới vào. Buổi sáng nắng rất gay gắt, dù khuôn viên trong quán cafe có đặt nhiều cây xanh nhưng khách hàng vẫn chọn phòng lạnh để nghỉ ngơi, có khách ngồi suốt từ sáng đến chiều để "hưởng" máy lạnh của quán vì ngại ra đường. Chỉ khi nào phòng lạnh hết chỗ, các khách mới chịu ngồi ngoài sân vườn nhưng cũng không ngồi lâu. Mùa này những người kinh doanh cafe "cóc" khốn khổ vì khách "chê" quán nóng nực không vào rất nhiều".
Được biết, lượng khách kéo đến những quán cafe máy lạnh đang tăng đáng kể, doanh thu tăng gấp rưỡi so với những ngày thời tiết dịu mát. Phần lớn các khách hàng ngồi lâu thường gọi thêm món, đồ ăn và sử dụng các dịch vụ khác trong quán.
Có quán phải tính thêm tiền phụ thu từ 10.000 -20.000 đồng đối với khách ngồi trên 3 tiếng, hoặc phụ thu từ 20.000 đồng trở lên nếu khách tới quán mà không gọi món.
Các chủ quán cho biết họ phải áp dụng hình thức này vì chi phí điện mùa này rất cao do máy lạnh trong quán phải mở suốt ngày nhưng nhiều khách đến chỉ để trốn nóng chứ không muốn gọi đồ uống.
Cafe bệt ngày thường luôn đông đúc nhưng vì thời tiết nắng nóng nên lượng khách ban ngày giảm đáng kể...
... Trong khi đó, cafe, trà sữa máy lạnh luôn đông khách từ sáng đến tối.
Không bật máy nóng lạnh, nước tắm vẫn... nóng
Các hộ gia đình cho, sinh viên sống tại các khu trọ cho biết do thời tiết nắng nóng nên nước tắm cũng chuyển thành nước... nóng dù không có bình nóng lạnh.
"Buổi trưa đi học về, trời nóng nên em đi tắm cho mát mẻ nhưng nước cũng nóng theo nhiệt độ bên ngoài, không biết làm sao để bớt nóng hơn. Do tắm nước nóng nên phòng tắm càng ngột ngạt hơi" - Một sinh viên tại nhà trọ khu vực quận Gò Vấp cho biết.
Không có bình nóng lạnh nhưng nước tắm trong những ngày này vẫn nóng, buổi tối nước ấm hơn do thời tiết bên ngoài giảm nhiệt.
Chị Ngọc Lan, 28 tuổi, ngụ Quận Bình Tân, mang bầu được 7 tháng, chia sẻ: "Tôi có cảm giác năm nay mùa nóng kéo dài và gay gắt hơn năm ngoái nhiều. Mang thai trong mùa này mệt lắm, người lúc nào cũng ra mồ hôi, nóng bức, khó chịu. Đi tắm thì nước nóng muốn bỏng da, mà tắm buổi tối thì không tốt cho thai nhi. Bây giờ chỉ mong mùa nóng sớm kết thúc để mọi người cảm thấy dễ chịu hơn thôi."
Dịch bệnh mùa nóng có chiều hướng tăng, phòng bệnh quá tải
Ngày 12/5, Sở Y tế TPHCM cho biết số bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) nhập viện tăng đột biến, lên tới 2.943 người. Trong số này, khoảng gần 50% là người bệnh từ các tỉnh chuyển đến và dự kiến số người mắc SXH sẽ tăng do mùa mưa đang đến gần.
Về bệnh tay chân miệng (TCM), từ đầu năm 2014 đến nay, tuần cao điểm nhất đã có gần 260 người nhập viện, so với năm 2013 thì có tăng (năm 2013, tuần cao điểm có 250 người bệnh), nhưng cũng đã có 200 người bệnh TCM xuất viện.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh tại BV Nhi đồng 1 cho biết mùa này phòng bệnh thường quá tải, các bệnh nhi phải chịu cảnh nằm vật vờ dọc hành lang là điều thường thấy. Nhưng khi mùa nóng qua đi thì tình trạng này sẽ giảm bớt.
Tuy nhiên, nhiều gia đình có con em chữa trị tại bệnh viện đều không cảm thấy khó chịu khi không còn giường bệnh trong phòng. "Phòng chật lắm, lại nóng và ngộp như cái lò nung vậy, một giường thì năm 2-3 đứa, tôi thấy nằm ngoài hành lang vậy mà thoáng hơn, con tôi cũng ngủ ngon hơn." - Anh Hưng có con đang điều trị tại khoa Hô hấp tại đây, cho biết.
Các
hàng lang trở thành nơi tạm trú cho nhiều gia đình và bệnh nhi vì số
lượng bệnh nhân tăng đáng kể nhưng cơ sở vật chất tại các bệnh viện
không thể đáp ứng đủ.