Người phụ nữ quyền lực nhất nhì sử Việt, sống qua 10 đời vua Nguyễn?

Kim Nhã/VTC News,
Chia sẻ

Người này là một trong số bà hoàng đức cao vọng trọng, quyền uy bậc nhất triều Nguyễn, cả cuộc đời hết lòng vì sự hưng thịnh của nước nhà.

Người được nhắc đến chính là Hoàng thái hậu Từ Dũ hay Từ Dụ (1810-1902) tên thật là Phạm Thị Hằng, con gái Thượng thư Bộ lễ Phạm Đăng Hưng (người Tân Hòa, Gia Định).

Bà là mẹ ruột của vua Tự Đức và là Quý phi của vua Thiệu Trị, đã sống qua 10/13 đời vua triều Nguyễn, kể từ vua Gia Long là thời gian bà chào đời cho đến lúc bà tạ thế là năm v­ua Thành Thái thứ 13.

Theo sử liệu, thời nhỏ, Phạm Thị Hằng nổi tiếng hiếu hạnh, thông minh, hiền thục, nết na và rất xinh đẹp. Năm 12 tuổi, khi mẹ lâm bệnh nặng, chỉ thích nằm một mình, bà chính là người duy nhất được gần gũi hầu hạ chăm sóc mẹ ngày đêm.

Đến khi mẹ qua đời, dù còn nhỏ nhưng bà vẫn giữ tang như người trưởng thành khiến bên ngoài tấm tắc khen ngợi. Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang, mẹ của vua Minh Mạng hay tin nên triệu bà vào cung để hầu hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) năm 14 tuổi.

Năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, vua Thiệu Trị nối ngôi, phong bà làm Cung tần. Trong suốt chuyến Bắc tuần năm 1842, bà luôn sát cánh, hỗ trợ và đóng góp ý kiến cho nhà vua, khích lệ việc học hỏi và tránh xa cái ác. Bên cạnh vẻ ngoài đoan trang, bà còn có tâm hồn thanh tao, nhân từ, giản dị khiến mọi người trong cung yêu mến và kính trọng.

Người phụ nữ quyền lực nhất nhì sử Việt, sống qua 10 đời vua Nguyễn? - Ảnh 1.

Tượng Hoàng thái hậu Từ Dũ tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.

Sau này, bà được phong làm Nhất giai Quý phi, đứng đầu các tước phi thuộc hàng nhất giai. Dù được vua sủng ái, chức vụ cao song bà hay răn dạy cung phi tiết kiệm, không nên phung phí. Sách “Truyện kể về các Vương phi Hoàng hậu nhà Nguyễn” viết rằng:

“Một trong những đức tính tuyệt vời nhất của bà Phi này là sống giản dị, cần kiệm, đơn sơ như dân dã. Tính cần kiệm của bà được sách chép lại rằng một hôm vua vào cung thấy nơi bà ngồi có cái quạt, vải sờn, nan gãy, còn nhiều thứ đồ dùng như chén bát có cái đã nứt rạn, sứt mẻ mới sai người đem đổi vật dụng mới hơn nhưng bà không cho, bà bảo còn dùng được thì dùng, vứt đi uổng, vả lại cái mới thì qua thời gian cũng phải cũ như thế, có gì mà phải thay đổi cho tốn kém”.

Đầu năm 1847, khi vua Thiệu Trị ốm nặng, bà không ngừng chăm sóc. Trước khi qua đời, vua bày tỏ sự hối tiếc khi không kịp phong bà làm Hoàng hậu, một vị trí mà bà xứng đáng nhận được.

Vua mất, bà hết sức buồn rầu, mỗi ngày thường ra Hoàng Lăng quỳ than khóc. Mỗi năm đến ngày giỗ vua Thiệu Trị, bà đều mặc lễ phục đứng hầu trước điện thờ, trọn đạo làm vợ, thủy chung trọn đời.

Theo di chiếu, Hồng Nhậm được tôn lên kế vị ngai vàng, lấy hiệu là Tự Đức. Sau khi lên ngôi vua Tự Đức phong cho mẹ mình là Hoàng thái hậu, hiệu là Từ Dũ. Hoàng thái hậu Từ Dũ luôn nghiêm khắc trong việc giáo dục vua Tự Đức thông qua việc đọc sách và giảng giải, nhấn mạnh vào việc trị vì đất nước theo cách mà dân chúng yêu mến. Vì vậy mà Tự Đức sau này trở thành vị vua thông minh, hiền hòa.

Nhiều lần vua Tự Đức làm điều gì sai trái, Hoàng thái hậu còn dùng roi để phạt. Suốt 36 năm trên ngai vàng, ngày lẻ thì vua ngự triều, ngày chẵn thì chầu cung. Khi gặp mẹ, vua thường hỏi ý mẹ về việc nước, việc nhà.

Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, triều đình lâm vào cảnh rối ren. Năm 1889, chắt nội của bà, Nguyễn Phúc Bửu Lân lên ngôi, lấy hiệu là Thành Thái. Năm Thành Thái thứ ba, vua phong cho bà là Thái hoàng thái hậu. Năm Thành Thái thứ 13, bà qua đời, thọ 93 tuổi.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Hoàng thái hậu Từ Dũ luôn được mọi người ca ngợi và thán phục. Trong suốt 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn, bà tham gia bàn bạc chính sự, hết lòng hết sức vì dân vì nước, giữ trọn vai trò trọng yếu trong chính sự triều đình nhà Nguyễn vào khoảng nửa thế kỷ XIX.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng có lời ca ngợi lòng nhân ái của Từ Dũ Hoàng thái hậu với dân chúng:

"Ở Huế bà nổi tiếng là thái hậu rất thương dân. Hồi ấy người Pháp cho bắc lại cây cầu Trường Tiền bằng sắt và bắt dân phải nộp thêm thuế, nói là lấy kinh phí làm cầu. Bà Từ Dũ tự nguyện thay mặt cho dân viết một lá đơn xin quan Tây miễn thuế... Trước đây, dân Huế có lưu hành bài vè "Bà Từ Dũ xin thuế cho dân". Nhân đức của bà đã đi vào lòng người là vậy!".

Hiện bệnh viện phụ sản lớn nhất miền Nam - Bệnh viện Từ Dũ chính là mang tên vị Hoàng thái hậu Từ Dũ nhân từ, đức độ thời nhà Nguyễn.

Chia sẻ