Người phụ nữ hơn 10 năm phải chịu nhiều biến chứng của căn bệnh nguy hiểm
Các bác sĩ nhiều chuyên khoa của Bệnh viện E vừa cùng điều trị thành công cho một người bệnh mắc bệnh viêm tủy thị thần kinh.
Bệnh nhân nữ (44 tuổi, trú tại Hải Hòa, Hải Hậu, Nam Định) nhập viện với lý do yếu tái phát 2 chi dưới, rối loạn đại tiểu tiện, mắt nhìn mờ...
Khai thác tiền sử bệnh án, bệnh nhân được chẩn đoán mắc lupus ban đỏ và viêm tủy thị thần kinh cách đây 10 năm nhưng không điều trị thường xuyên, khiến bệnh tái phát nhiều lần. Điển hình, căn bệnh đã từng gây ra các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi.
Theo người nhà bệnh nhân chia sẻ, cách đây 6 tháng, bệnh nhân tiếp tục khởi phát bệnh với những biểu hiện tê 2 chân lên đến rốn, yếu dần 2 chân. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu và điều trị ở bệnh viện tuyến huyện nhưng không đỡ, sau đó, được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị tiếp.
Khoảng 2 tuần sau, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng liệt 2 chân không cử động được, nhìn mờ, bí tiểu... và được chuyển lên Bệnh viện E.
Tại đây, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Phẫu thuật thần kinh, các bác sĩ chỉ định các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết. Sau khi loại trừ các nguyên nhân do mắc khối u hoặc do chấn thương, các bác sĩ nghĩ đến bệnh nhân mắc một loại bệnh tự miễn nào đó gây nên tổn thương này.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn với các bác sĩ của Khoa Dị ứng miễn dịch và Da liễu, xác định, bệnh nhân mắc căn bệnh viêm tủy thị thần kinh trên nền bệnh lý lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để lọc máu và điều trị corticoid liều cao.
Sau 1 tuần, bệnh nhân cải thiện, được chuyển xuống Khoa Dị ứng miễn dịch và Da liễu tiếp tục điều trị theo phác đồ của căn bệnh viêm tủy thị thần kinh và tiến hành phục hồi chức năng.
ThS.BS Nguyễn Lê Hà, Khoa Dị ứng miễn dịch và Da liễu giải thích: Viêm tủy thị thần kinh hay các rối loạn phổ viêm tủy thị thần kinh là bệnh tự miễn gây viêm hủy myelin của hệ thần kinh trung ương, thường tổn thương dây thần kinh thị giác và tủy sống. Bệnh tiến triển từng đợt với nhiều di chứng nặng nề về cảm giác, vận động, thị lực, rối loạn đại tiểu tiện tích lũy theo thời gian, gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống và có thể gây suy hô hấp, tử vong.
Theo bác sĩ Hà, trong đợt cấp, triệu chứng tiến triển nhanh đạt đỉnh trong vài ngày, sau đó chỉ có 1/3 bệnh nhân phục hồi hoàn toàn. Bệnh nhân này còn được chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống. Sự phối hợp 2 bệnh lý viêm tủy thị thần kinh và lupus trên cùng một bệnh nhân rất hiếm gặp (tỷ lệ khoảng 1/5 triệu người).
Triệu chứng đặc trưng của viêm tủy thị thần kinh là viêm thị thần kinh hoặc viêm tủy. Viêm thị thần kinh là viêm dây thần kinh thị giác, gây đau nhức trong mắt, đau tăng khi cử động mắt và thường tiến triển nhanh tới giảm thị lực hoặc mù lòa. Triệu chứng thông thường khởi phát từ 1 mắt, tuy nhiên cũng có thể xảy ra đồng thời cả 2 mắt hoặc tiến triển từ một bên sang 2 bên. Rất khó để phân biệt viêm thị thần kinh trong bệnh viêm tủy thị thần kinh với viêm thị thần kinh trong bệnh xơ cứng rải rác, hoặc viêm thị thần kinh vô căn.
Viêm tủy thường gây ra triệu chứng về vận động, cảm giác hoặc triệu chứng thần kinh tự động ở phần cơ thể dưới mức tổn thương. Bệnh nhân có thể đau lưng, liệt 2 chân hoặc liệt tứ chi, kèm tê bì giảm cảm giác hoặc đau các chi, bí tiểu, bí đại tiện. Buồn nôn, nôn hoặc nấc, có thể kéo dài, đôi khi là những triệu chứng đầu tiên của bệnh.
"Để việc điều trị đạt được hiệu quả, thời gian phát hiện bệnh sớm rất quan trọng. Điều quan trọng nữa là bệnh lý này có thể tái phát ở một số bệnh nhân nên việc điều trị dự phòng là rất cần thiết" - bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Đến nay, sau 1 thời gian điều trị tại Bệnh viện E, từ người liệt 2 chi dưới, mắt mờ do biến chứng của căn bệnh quái ác viêm tủy thị thần kinh gây nên, bệnh nhân đã có thể đi lại được, mắt nhìn thấy được và tự chăm sóc bản thân.