Người phụ nữ giả mang thai có vi phạm pháp luật hay không?

Theo Công lý,
Chia sẻ

Việc một phụ nữ ở Hòa Bình mang thai giả đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều đáng nói, trong suốt hơn 9 tháng mang thai giả, người này đã 10 lần đi siêu âm đều cho kết quả có thai nhi. Những hành vi liên quan trên sẽ bị xử lý ra sao?.

Áp lực phải có con của người phụ nữ vô sinh

Vào ngày 3/3, một tài khoản trên mạng xã hội facebook chia sẻ việc, chị gái người này có thai 42 tuần tuổi, nhưng chưa có dấu hiệu sinh nên được đưa đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để sinh mổ. Lịch mổ là chiều ngày 2/3.

Sáng hôm đó, sản phụ được chuyển vào phòng sinh để chờ mổ. Tại đây, kết quả siêu âm cho thấy, sản phụ không có thai nhi dù đã mang thai hơn 9 tháng. Đặc biệt, trong hơn 9 tháng mang thai, sản phụ đã 10 lần đi siêu âm và cho ra kết quả có thai nhi trong bụng.


Các kết quả siêu âm thai nhi hoàn toàn có thể được làm giả. Ảnh: Minh họa

Nhận thấy, đây là sự việc bất thường, Bệnh viện đã mời gia đình cùng Công an vào cuộc để làm sáng tỏ. Lúc này, sản phụ mới chịu thú nhận, mình bị vô sinh đã 5 năm, do bị áp lực quá lớn từ gia đình nhà chồng nên chị đã bàn bạc kế hoạch với mẹ đẻ của mình, bí mật giả vờ có thai để giảm bớt áp lực về tinh thần.

PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản TƯ cho hay, khi đưa sản phụ vào siêu âm thì hoàn toàn không thấy sự tồn tại của thai nhi. Khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng, sản phụ mới ngậm ngùi khai nhận sự thật.

Về việc đã nhiều lần sản phụ này đi siêu âm, có thai nhi nặng 4kg, có thể người này đánh tráo kết quả bằng cách nhờ người có bầu thật vào khám rồi khai tên của mình.

Những hành vi giả xoay quanh vụ việc này sẽ bị xử lý ra sao?

Để làm sáng tỏ những hành vi giả dối xoay quanh vụ việc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật gia Vũ Văn Nhất – Giám đốc công ty TNHH Vũ Gia Luật (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

PV: Thưa ông, việc sản phụ giả vờ mang thai trong suốt hơn 9 tháng để qua mặt nhà chồng có bị coi là vi phạm pháp luật hay không?. Nếu có thì chế tài xử lý ra sao?

Luật gia Vũ Văn Nhất: Việc người phụ nữ tạo màn kịch mang thai giả không phải là vấn đề lạ lẫm trong xã hội hiện nay. Họ giả vờ mang thai có thể là để ép đối phương kết hôn, để tống tiền, hoặc để giảm áp lực từ nhà chồng như vấn đề đã nêu trên.

Cụ thể, đối với trường hợp này, tuy rằng có hành vi lừa dối, nhưng mục đích chiếm đoạt tài sản là không có. Nguyên nhân của hành vi cũng không hề liên quan đến lợi ích vật chất.

Hiện, chưa có một văn bản pháp luật nào điều chỉnh về hành vi kể trên. Do vậy, hành vi đó không hề vi phạm pháp luật, trừ khi, người phụ nữ thực hiện hành vi giả mang thai để đạt được mục đích vật chất từ phía chồng và gia đình chồng thì có thể thỏa mãn yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 BLHS.


Luật gia Vũ Văn Nhất

PV: Sản phụ này đã có 10 lần đi siêu âm và đều cho ra kết quả có thai nhi, trong khi sản phụ không hề mang thai. Vậy những cơ sở cung cấp kết quả siêu âm đó có vi phạm pháp luật hay không?.

Luật gia Vũ Văn Nhất: Hiện nay, những cơ sở khám chữa bệnh trá hình, chuyên cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh giả, hoặc làm giả kết quả khám chữa bệnh, mọc lên rất nhiều. Vì thế, việc sản phụ kia đi siêu âm 10 lần đều cho ra kết quả có thai nhi là điều có thể lý giải được. Rõ ràng, hành vi cung cấp kết quả siêu âm không đúng thực tế đó đã vi phạm pháp luật.

Thứ nhất, trong trường hợp này, các cơ sở khám chữa bệnh đó có thể cấu thành tội “Kinh doanh trái phép” theo quy định tại điều 159 BLHS.

Tội “Kinh doanh trái phép” có dấu hiệu đặc trưng là hành vi kinh doanh không đúng theo giấy phép kinh doanh mà trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh không đúng giấy phép kinh doanh. Việc các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp giấy tờ giả mạo, xác nhận sản phụ có thai nhi là hành vi kinh doanh trái phép, không được nhà nước thừa nhận.

Nếu cơ sở đó đã bị xử phạt hành chính thì đủ yếu tố cấu thành tội “Kinh doanh trái phép”. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

Thứ hai, hành vi trên của cơ sở cung cấp kết quả siêu âm nếu chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể phải chịu xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về khám, chữa bệnh theo quy định tại Điều 66 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, mức xử phạt từ 1 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Trong trường hợp này, Điều 66 quy định, vi phạm về lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có người bệnh. Có thể nói, kết quả siêu âm cũng thuộc dạng hồ sơ bệnh án, chẩn đoán kết quả có thai nhi hay không, tình trạng sức khỏe thai nhi như thế nào?. Cụ thể trong trường hợp này, các cơ sở khám chữa bệnh trên đã cho ra kết quả siêu âm (bệnh án) khi không có thai nhi (người bệnh) vì thế đã vi phạm nghiêm trọng điều 66 của nghị định 176/2013/NĐ-CP.

Thứ ba, trong trường hợp, các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp kết quả vì không kiểm tra các đặc điểm nhận dạng của người bệnh dẫn đến cấp nhầm kết quả siêu âm thì các cơ sở đó vẫn vi phạm pháp luật.

Những cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm khám chữa cho người bệnh, lập hồ sơ bệnh án về tình trạng bệnh nhân. Việc nhận dạng đúng người bệnh là trách nhiệm của các cơ sở đó, pháp luật quy định, họ buộc phải nhận dạng đúng bệnh nhân.

Tuy nhiên, nếu mức độ vi phạm nhẹ, không gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ bị xử lý hành chính theo quy định tại nghị định 176/2013/NĐ-CP về hành vi, vi phạm quy định về khám chữa bệnh.

Nếu cơ sở đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà lại tiếp tục vi phạm thì cá nhân liên quan đến việc cung cấp kết quả siêu âm trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo quy định tại Điều 242 BLHS.

Chia sẻ