Người phụ nữ đứng sau Thành Cát Tư Hãn: Một tay cai quản hậu phương, 45 tuổi trở thành Hoàng hậu cả đại đế chế
Kết hôn vào năm 17 tuổi, Börte đã sớm trở thành hậu phương đắc lực cho Thành Cát Tư Hãn trên con đường chinh phục thế giới của ông ta.
Năm 1178, trên những thảo nguyên bát ngát của Mông Cổ, một cô gái 17 tuổi kết hôn với người đàn ông cô gần như chẳng quen biết. Trong khi chồng mình đi chinh phạt khắp thế giới, người phụ nữ ấy ở lại hậu phương và cai quản mọi mặt của một xã hội du mục.
Từ việc nhận báo cáo của các chỉ huy đến những nông dân bình thường, hay điều phối sự di cư bộ tộc hàng nghìn người và gia súc, bà làm tất cả để đảm bảo một hậu phương vững mạnh. 45 tuổi, bà trở thành Khả đôn đầu tiên của đế chế Mông Cổ. Tên người phụ nữ ấy là Börte, hay Bột Nhi Thiếp.
Trong suốt thời trung cổ, đa phần các xã hội phụ quyền đều coi trọng vai trò của đàn ông hơn và vì thế, phụ nữ được khuyên không nên can dự vào việc lớn. Tuy nhiên, ở Mông Cổ thế kỷ 12, đó lại là một câu chuyện khác.
Họ cũng chăn nuôi gia súc, cưỡi ngựa và bắn cung ngang hàng với đàn ông. Lấy ví dụ, mẫu thân của Thành Cát Tư Hãn - Ha Ngạch Luân, còn được mệnh danh là "mergen" trong ngôn ngữ Đột Quyết cổ, có nghĩa "cung thủ giỏi".
Theo quy tắc cổ xưa của các bộ lạc du mục, những nhà cai trị có rất nhiều vợ hoặc thê thiếp. Tuy nhiên, như quy luật, người chính thất luôn có một vai trò đặc biệt. Bột Nhi Thiếp là vợ đầu tiên của Thành Cát Tư Hãn và là quân sư suốt cuộc đời ông. Bà cũng trở thành chỗ dựa tin cậy nhất cho Thiết Mộc Chân vào những thời điểm khó khăn nhất khi gia đình, bạn bè đồng tộc quay lưng, đến cả khi ông giành chiến thắng đầu tiên trên con đường thiết lập đế chế.
Nhờ vào tài năng và di sản, bà cũng hạ sinh những người con trai và hậu duệ xuất sắc để thừa kế một trong những đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Thuở thiếu thời và vươn lên thành người phụ nữ quyền lực nhất đế chế
Sử sách ghi chép, Bột Nhi Thiếp - con gái của Dai-Sechen đã đính hôn với Thiết Mộc Chân - con trai của Dã Tốc Cai, khi bà 10 tuổi còn ông mới 9 tuổi. Thiết Mộc Chân ở lại với gia đình bà một thời gian, cho tới khi ông được gọi trở về giúp đỡ mẹ và các em do cha bị ám hại.
Năm 1178, Thiết Mộc Chân xuôi dòng Kelüren để tìm lại Bột Nhi Thiếp. Khi thấy ông, cha bà đã đồng ý cho cả hai nên duyên vợ chồng. Vị tổ phụ đế chế Mông Cổ tương lai đã đưa người vợ đầu cùng mẹ bà trở về với yurt của gia đình mình ngay sau đó.
Một sự kiện quan trọng mà các sử gia cho là đã định hình tham vọng chinh phục của Thành Cát Tư Hãn tương lai là việc vợ ông bị bắt cóc không lâu sau đám cưới.
Để trả thù cho việc Dã Tốc Cai bắt cóc Ha Ngạch Luân trước đây, các bộ tộc Merkit bất ngờ tấn công trại của Thiết Mộc Chân và bắt cóc vợ ông. Theo giai thoại, suốt 8 tháng vợ bị giam giữ, ông đã "đau khổ như xé toang lồng ngực" và quyết tâm cứu bà trở về.
Không có nhiều thông tin ghi lại về chi tiết cuộc đời hay chân dung Bột Nhi Thiếp, nhưng một số nguồn nói rằng bà vô cùng xinh đẹp, thường bận váy lụa trắng, đeo những đồng tiền vàng trên tóc và cưỡi bạch mã.
Vì là chính thất, khi Thiết Mộc Chân hoàn thiện việc thống nhất toàn bộ các bộ lạc trên thảo nguyên Mông Cổ và được suy tôn làm Đại Hãn với hiệu Thành Cát Tư Hãn, bà cũng trở thành Khả Đôn, tương đương Hoàng hậu của đế chế.
Công lao với một trong những đế chế vĩ đại nhất
Trong khi người chồng Thành Cát Tư Hãn hay Thiết Mộc Chân giành được mọi vinh quang trong việc thành lập đế chế có lãnh thổ liên tục lớn nhất thế giới, công lao âm thầm đằng sau của Bột Nhi Thiếp gần như bị lãng quên hoàn toàn.
Suốt thời kỳ đàn ông Mông Cổ chinh chiến ở khắp các dải đất xa xôi, Bột Nhi Thiếp và những người phụ nữ khác đã trở thành xương sống cho hậu phương của đế chế. Theo học giả về Trung Á Anne Broadbridge, vai trò của những người phụ nữ như Bột Nhi Thiếp là sống còn với quốc gia du mục này.
"Tôi nghĩ vai trò chính của những người phụ nữ trong đế chế nằm ở việc quản lý. Lấy ví dụ, chính thất Thành Cát Tư Hãn là Bột Nhi Thiếp chịu trách nhiệm cho các khu trại hay yurt - nhà của họ".
Bà cũng nuôi dạy những đứa trẻ, tiếp đón khách khứa và thương nhân, hoặc coi sóc công việc chăn nuôi. Đó là chưa kể hàng nghìn việc không tên, lông gà vỏ tỏi hàng ngày như chuẩn bị thức ăn, trang phục, lo liệu lễ nghi, giải trí, hòa giải, gặp gỡ mọi người.
Hơn nữa, khi các bộ tộc du mục di chuyển nơi cư trú theo mùa trên thảo nguyên, mọi việc sẽ được những người phụ nữ như Bột Nhi Thiếp đảm nhận. Thậm chí, họ cũng làm cả các công việc chân tay như sắp xếp, điều khiển xe hàng. Khi tới nơi, họ là những người dựng trại, thiết lập yurt.
Vì lý do đó, họ trở thành một phần thiết yếu cho sự sống còn của đế chế và là gốc rễ với mọi chiến dịch quân sự tiếng tăm suốt lịch sử Mông Cổ.
Ngoài vai trò hậu phương, Bột Nhi Thiếp cũng đóng là quân sư đằng sau nhiều quyết định quan trọng bởi Thành Cát Tư Hãn để bảo đảm tương lai của đế chế. Lấy ví dụ, bà đã khuyên ông tách bỏ liên minh với Trát Mộc Hợp và gián tiếp cứu mạng ông sau này.
Sau Bột Nhi Thiếp, nhiều người phụ nữ khác của đế chế Mông Cổ tiếp tục vươn lên đỉnh cao quyền lực hoặc lưu danh sử sách. Nổi bật trong số đó là Töregene - Khả đôn thứ 2 và nhiếp chính cả đế chế từ 1241 đến 1246, hay Khutulun - cháu 5 đời của Thành Cát Tư Hãn, nữ chiến binh dũng mãnh nhất lịch sử Mông Cổ.
Nguồn: Tổng hợp