Người nông dân 7 năm xây mới, tu sửa 8 cây cầu miễn phí
70 tuổi, ông Đỗ Quang Sản (xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) vẫn không ngừng lao động, mỗi việc làm của ông lại trích một phần để sửa chữa, xây mới cầu cho nhân dân đi lại.
Về xã Khánh Trung hỏi thăm ông Đỗ Quang Sản, ai ai cũng thốt lên câu quen thuộc "Ông Sản xây cầu", rồi họ chỉ chúng tôi đến ngôi nhà mặt đường chất đầy cốp pha phía trước, đây cũng là cửa hàng kinh doanh cốp pha của gia đình ông Sản.
Người nông dân "khùng" xây cầu miễn phí cho nhân dân
Muốn gặp ông Sản, chúng tôi phải hẹn trước, đến nơi những người hàng xóm liền bảo: "Phải gọi điện cho ông ấy, ông ấy đi làm ở các xã không biết lúc nào mới về, vì còn chỉ đạo anh em đội thợ làm việc ở nhiều nơi lắm".
Sau một lúc, ông Sản dáng vóc hao gầy đi chiếc xe máy cà tàng đỗ lại trước cửa đon đả mời chúng tôi ngồi uống chén trà bên bộ bàn ghế đá.
Chưa kịp giới thiệu, ông Sản nói luôn: "Nói về tôi thì nhiều báo đài nói rồi, tôi biết các anh sẽ hỏi chuyện, nhưng đó là việc rất bình thường thôi, không có gì to tát đâu".
Trong câu chuyện chúng tôi nói về rất nhiều mối quan hệ thân quen với ông Sản mà chúng tôi từng tiếp xúc. Ông Sản giật mình hỏi đùa lại: "Lại bảo tôi khùng", ông cười.
Ông Sản là một cựu chiến binh, năm 22 tuổi đi bộ đội. Sau 8 năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, năm 1984, ông xuất ngũ về quê mang theo mình những mảnh đạn còn găm trong người.
Xây dựng gia đình ở tuổi 31 và sinh liền 3 người con trai. Thời gian thấm thoắt cứ trôi đi với biết bao công việc thay đổi để kiếm kế nuôi các con ăn học. Có nhiều lần vợ chồng ông Sản phải thất bại vì làm ăn thua lỗ với đủ thứ nghề.
Hơn chục năm trở lại đây, thấy quê mình đang phát triển với nhu cầu xây dựng ngày một nhiều, ông Sản mạnh dạn mở một cửa hàng cho thuê cốp pha. Còn vợ vẫn cần cù với 8 sào ruộng và phụ giúp chồng.
Chính vì công việc vận chuyển của cửa hàng đến các công trình và bà con nông dân mỗi mùa thu hoạch đến rất khó khăn với những cây cầu bắc tạm bằng hai chiếc cột điện hoặc vài cây luồng, ông Sản quyết định dành một phần tiền thu lời từ việc cho thuê cốp pha rồi sửa hoặc xây mới cầu cho bà con thuận tiện qua lại.
Xây rồi, vẫn muốn mở rộng thêm
Theo ông Sản, cây cầu đầu tiên ông đã chi hàng trăm triệu đồng để xây mới là Thiện Đức (hay còn gọi là cầu Cát), đây là tuyến giao thông nối liền giữa hai xã bên cạnh, trước đó là chợ nên rất thuận tiện cho nhân dân qua lại.
Sau khi đề xuất với chính quyền, đồng thời ông Sản cũng bàn với vợ con dành dụm tiền để xây cầu, may mắn vợ con đều đồng tình, nhưng chưa biết lấy nguồn ở đâu.
"Ban đầu bà xã bảo anh lấy tiền ở đâu, tôi bảo cứ làm, vậy là bớt chút phần lợi nhuận từ việc cho thuê cốp pha kia kìa, rồi đến đâu tính đến đấy".
Giới thiệu xong, ông Sản dẫn chúng tôi đến cây cầu được đầu tư khoảng 150 triệu (đây là số tiền hoàn toàn do gia đình ông Sản bỏ ra) rồi chỉ về phía xã bên kia, ông bảo, khi xây dựng cây cầu này ông đã xin ý kiến và bản thiết kế do UBND xã bàn giao.
Mặt cầu hiện tại 3,5 mét, đến nay cây cầu này chưa phải là "lỗi thời" nhưng so với con đường nối liền sang xã Khánh Mậu thì hiện nay chỉ bằng ½ lòng đường, nguyện vọng của ông Sản tới đây muốn mở rộng thêm gần chục mét nữa để hai xe ô tô tránh nhau và nhân dân qua lại được thuận tiện hơn.
"Nếu xã tiếp tục giao cho tôi làm thì chắc chắn còn ngon lành hơn cả bản thiết kế, không lãng phí đi đâu một đồng nào. Vì mình là người làm, người trông coi bảo vệ, vật liệu mình cũng tính toán thì chắc chắn không hao mất đi đâu một đồng".
"Ban đầu nhiều người bảo tôi là khùng"
Tại khu vực cầu Cát, trò chuyện với chúng tôi, một người dân chia sẻ, trước đây chỉ là cây cầu tạm, từ ngày ông Sản làm mới, hai xã qua lại thuận tiện, mọi việc giao thương rất hiệu quả.
"Bà con ai cũng biết ơn muốn gọi đây là cầu ông Sản nhưng ông đấy không đồng ý. Mới đầu cứ nghĩ xong thì phải đóng góp nhưng ông ấy nói là làm, tôi nghĩ hiếm có người sẵn lòng như ông Sản", một người dân chia sẻ.
Sau khi xây dựng cây cầu Thiện Đức (cầu ông Sản),đến nay đã được 8 năm thì cũng đủ 8 cây cầu đã được sửa chữa và xây mới hình thành. Cầu nào sửa chữa thì chi 50- 100 triệu, xây mới thì trên 100 đến hơn 200 triệu đồng.
Con đường liên xã đi qua cầu Cát này đã mở rộng, ông Sản muốn mở rộng cầu cho phù hợp với mật độ dân cư
Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Loan, vợ ông Sản tâm sự: "Ban đầu thấy ông nhà tôi xây cầu cũng có nhiều người ý kiến là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" hay "lại thích khoe mẽ"…Nhưng tôi đều bỏ ngoài tai và ủng hộ ông ấy làm, chỉ mong góp chút ít sức lực của mình cho quê hương ngày càng thêm giàu đẹp".
Ông Đỗ Quang Sản cho biết, tới đây ngoài dự tính mở rộng thêm cây cầu chợ Cát nối hai xã Khánh Trung và Khánh Mậu (huyện Yên Khánh) chi phí theo ông Sản dự tính lên khoảng 250-300 triệu đồng, ông cũng không từ bỏ ý định làm cầu mới nếu thấy khu vực nào ở xã cần thiết.
Trong câu chuyện tâm sự với chúng tôi, ông Sản phấn khởi: "Ban đầu nhiều người bảo tôi là khùng. Cái được lớn nhất của mình là các con thấy bố mẹ vất vả và làm việc lành thế này, chúng rất ngoan, chăm chỉ và cũng đồng cảm. Ngoài ra tôi còn mấy thằng cháu cũng rất hiểu chú, vừa qua mấy cái đèn chiếu sáng trên đường làng muốn thay cho đỡ tốn điện, nó bảo chú cứ làm đi cháu hỗ trợ".
Một cây cầu khác cũng được ông Sản mở rộng
Song ông Sản cũng rất vui vì dù bận rộn nhưng hiện nay ông đang tạo công việc có thu nhập ổn định cho gần chục công nhân.
"Mình làm việc tốt, uy tín nên khách hàng nhiều, công nhân có việc làm, cuối tháng tôi trả tiền công không thiếu một đồng nào", ông Sản tốt bụng.
Với những đóng góp thiết thực của ông Đỗ Quang Sản, năm 2018, ông được nhận bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình vì có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.