Người nổi tiếng và cạm bẫy của sự "hồn nhiên"
Làm thế nào để nghệ sĩ Việt mỗi khi hợp tác với một thương hiệu nước ngoài - sẽ đủ thấu đáo, đủ hiểu biết - để không hồn nhiên “nhập khẩu” về một chiếc bẫy văn hoá?
Chắc nhiều nghệ sĩ/ KOL đã chán nghe từ này: Trách nhiệm của người nổi tiếng.
Từ những người vô tình (hay rất cố gắng) để được công chúng công nhận và yêu mến thông qua tài năng, chuyên môn (dù là nghệ thuật hàn lâm hay diễn hài), người nổi tiếng bỗng dưng phải chịu quá nhiều thứ soi xét và bị đặt lên vai đủ thứ trách nhiệm vô hình. Một người nổi tiếng hiện đại không chỉ phải nghĩ cách duy trì chất lượng sản phẩm cá nhân, giữ vững độ hot, tình yêu trong lòng khán giả, nói những lời hay ý đẹp,... mà giờ đây, họ còn chịu trách nhiệm cho từng lời họ nói, từng hành động họ làm hay thậm chí là từng sản phẩm họ quảng cáo. Hiếm có một nghề nào kiếm tiền dễ như làm người nổi tiếng, nhưng cũng hiếm có một nghề nào được gán với nhiều thứ trách nhiệm trên trời dưới biển như người nổi tiếng.
Nhưng người nổi tiếng của thời hiện đại đã vượt qua ranh giới của việc tạo ra những giá trị của riêng họ và được mến mộ. Sức ảnh hưởng của họ đã trở thành một thứ quyền lực mềm có sức tác động mạnh mẽ tới công chúng. Trong rất nhiều nền giải trí lớn, người nổi tiếng được coi là "sứ giả" của văn hóa đất nước. Trở thành một người nổi tiếng của thời đại này không còn là câu chuyện vô tư làm nghề và kiếm tiền dựa trên danh tiếng, nó còn là câu chuyện của việc xây dựng hình ảnh, bồi đắp kiến thức xã hội và trở thành một người tốt hơn từ bên trong.

Với sự phát triển mạnh mẽ của nền giải trí, chưa bao giờ showbiz Việt Nam nhiều người nổi tiếng như hiện tại. Và cũng chưa bao giờ, người ta thấy nhiều vấn đề nảy sinh từ việc thiếu kiến thức xã hội của giới nghệ sĩ, người nổi tiếng đến thế. Chỉ trong vài tháng đầu năm, công chúng được trải nghiệm một… đại tiệc drama của người nổi tiếng. Ngày trước, phốt của giới người nổi tiếng quanh quẩn trong tình ái, vỡ nợ hay những phát ngôn thiếu kiểm soát - thì giờ đây, chúng ta được thấy phốt từ quảng cáo sai sự thật, từ thiện thiếu minh bạch cho đến… đi đến họp báo bằng xe cấp cứu.
Đó không chỉ là câu chuyện của sự bất cẩn, đó còn là câu chuyện của sự thiếu ý thức và thiếu kiến thức. Từ trước đến nay, người nổi tiếng ở Việt Nam gần như chỉ tập trung hoạt động đúng với chuyên môn, sản xuất nội dung, chạy show,... và coi đó là một lãnh địa an toàn. Họ cho rằng công chúng chỉ cần được giải trí chứ không quan tâm đến tư duy hay lập trường cá nhân của người nổi tiếng, vậy nên họ càng coi các kiến thức xã hội là thứ xa xôi và không mấy liên quan đến lĩnh vực mình theo đuổi. Chỉ cần làm tốt việc của mình, cư xử một cách khéo léo để không vạ miệng là đủ để yên tâm làm nghề và kiếm tiền. Thiếu kiến thức xã hội ở đây không chỉ là lười tìm tòi, mà còn là hệ quả của cách người nổi tiếng nhìn nhận vai trò của chính mình lẫn đánh giá thấp sự quan tâm của công chúng.

Quang Linh Vlog vừa gặp ồn ào phát ngôn sai lệch "1 viên kẹo bằng 1 dĩa rau" trên livestream
Cuộc sống hiện đại kéo theo đầy rẫy những vấn đề từ vi mô đến vĩ mô. Có biết bao nhiêu kiến thức mới được cập nhật mỗi ngày, đòi hỏi từng người trong xã hội cần theo dõi để tự nâng cấp tư duy của bản thân theo dòng chảy thời đại. Vậy mà dường như, chính những người nổi tiếng lại là "lực lượng" thiếu nhạy cảm với những vấn đề của đời sống, xã hội và cộng đồng. Người thì body shaming trên sóng truyền hình, người vô tư xem nhẹ kiến thức của công chúng về dinh dưỡng, người lại hồn nhiên quảng bá cho thương hiệu có chứa hình ảnh đường lưỡi bò.
Việc thiếu hụt kiến thức xã hội khiến người nổi tiếng sảy chân khi những vấn đề phức tạp hơn tìm đến. Công chúng của thời hiện đại không còn là những khán giả thụ động, ngây thơ và đơn giản. Càng ngày, họ càng trở nên sâu sắc, tinh tế và có nền tảng kiến thức vững chắc về mọi mặt của đời sống. Dân trí ngày càng cao khiến khán giả có cái nhìn khắt khe hơn với người nổi tiếng, cũng như giúp khán giả tiếp nhận thông tin một cách đa chiều, sẵn sàng đào sâu tìm hiểu và có tinh thần phản biện cao. Phạm Thoại chắc không bao giờ nghĩ đến những câu hỏi về quy trình phân phối hiệu quả cho khoản tiền, mà chỉ dừng lại ở việc nghĩ đơn thuần: Bao giờ cần tiền thì mình sẽ chuyển khoản. Thùy Tiên chắc cũng chưa bao giờ nghĩ đến những chỉ số dinh dưỡng cơ bản trong kẹo Kera mà mình đứng ra quảng cáo, mà chỉ dừng lại ở những giấy tờ chứng minh kinh doanh, kiểm nghiệm an toàn vệ sinh cơ bản.

Vụ ồn ào quảng cáo lố về kẹo Kera khiến hình ảnh Thuỳ Tiên - Quang Linh và Hằng Du Mục bị ảnh hưởng

Việc chạy theo lợi nhuận ngắn hạn cùng những hợp đồng quảng cáo béo bở rất dễ trở thành cái bẫy có thể đánh đổi cả sự nghiệp của người nổi tiếng. Nhất là khi, họ không kịp trang bị cho mình đủ kiến thức nền về những gì đang diễn ra. Hệ quả của việc thiếu kiến thức xã hội là một quả bom tiềm tàng với bất cứ người nổi tiếng nào. Nó có thể phá hủy danh tiếng của nghệ sĩ, khiến họ mất niềm tin của công chúng và đôi khi còn tước đi sự nghiệp mà họ dày công xây dựng.
Hãy nhớ đến câu chuyện của một số nghệ sĩ Việt khi sang Mỹ biểu diễn, dù vô tình hay cố ý - nhưng một khi đã xuất hiện trên những sân khấu có cờ ba sọc thì dù có xin lỗi, có tỏ ra hối cải, vẫn phải đối diện với sự chỉ trích và tẩy chay mạnh mẽ của khán giả trong nước. Thậm chí, chẳng còn đường quay lại showbiz. Đó mới chỉ là những hệ quả ở bề nổi. Với sức ảnh hưởng sâu rộng của mình, một người nổi tiếng thiếu kiến thức xã hội có thể lan truyền những kiến thức sai lệch, thậm chí vô tình tiếp tay cho những tư tưởng không đúng đắn có cơ hội được cắm rễ.

Thuỳ Tiên nhiều lần phải lên tiếng xin lỗi, cho biết chỉ nhận kiến thức qua nhà sản xuất
Hãy thử đối chiếu "lời đe dọa" này với những câu chuyện mới xảy ra gần đây.
Đầu tháng 3, thương hiệu búp bê Baby Three bị cáo buộc có chứa hình ảnh đường lưỡi bò trên sản phẩm mới của mình. Trước khi thông tin này được đưa ra, Baby Three đang là cơn sốt đồ chơi nghệ thuật được cả người lớn lẫn trẻ em Việt Nam phát cuồng.
Giữa tháng 3, thương hiệu trà sữa Chagee thông báo sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam. Dĩ nhiên là người trẻ Việt đứng ngồi không yên với tin tức này. Cho đến khi ứng dụng Chagee xuất hiện bản đồ có chứa đường lưỡi bò. Thương hiệu này đối mặt với sự tẩy chay diện rộng của toàn bộ người Việt và buộc phải tạm ngưng kế hoạch khai trương.
Những sự việc trên đều có một điểm chung: Đó là sự trà trộn khéo léo hình ảnh đường lưỡi bò vào những sản phẩm đời sống, giải trí. Nếu người nổi tiếng bất cẩn trong việc kiểm tra thông tin khi làm việc cùng các thương hiệu này, và để lọt các sản phẩm có chứa đường lưỡi bò vào Việt Nam thì sẽ để lại hệ quả tiêu cực đến thế nào tới nhận thức của đám đông? Càng ngày, những bẫy văn hóa càng trở nên tinh vi và phức tạp. Nó không còn là câu chuyện của trắng và đen, nó còn len lỏi trong những vùng xám, lẩn khuất trong từng khía cạnh của đời sống như phim ảnh, đồ chơi và… ẩm thực, thách thức kiến thức xã hội và sự nhạy cảm trước thông tin của người nổi tiếng.

Với sức ảnh hưởng của mình, nghệ sĩ và người nổi tiếng không còn có thể tự đặt mình bên ngoài guồng quay của trách nhiệm xã hội. Mỗi người cần ý thức được lời nói, hành động của mình có tác động mạnh mẽ thế nào tới khán giả, và thay đổi tư duy của chính mình với các vấn đề trong cuộc sống. Đọc tin tức, tham khảo các góc nhìn khác nhau, nhạy cảm với những thay đổi mang tính thời sự diễn ra mỗi ngày, làm việc chặt chẽ với các bên liên quan về hình ảnh, chất lượng sản phẩm… đó là những việc có vẻ rất chán đối với người làm ngành nghệ thuật, giải trí, nhưng lại rất cần thiết khi bạn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới công chúng.
Để đối mặt với những cạm bẫy văn hóa và tự tin bước ra thế giới, người Việt nào cũng cần có một nền tảng kiến thức vững vàng và sự tỉnh táo để nhận định đúng mọi vấn đề trong cuộc sống, có một tâm hồn giàu bản sắc khi luôn đặt tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền và văn hóa Việt. Trách nhiệm này cần đến từ tất cả những người trẻ, đặc biệt là những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng tới cộng đồng.
Thay vì chỉ quan tâm đến độ nổi tiếng của thương hiệu, giá trị của hình ảnh hay giá trị kinh tế của bản thân, thứ mà người nổi tiếng cần quan tâm trước tiên là liệu thương hiệu này, nhãn hàng này - có thể hiện đủ sự tôn trọng văn hoá, con người, hay những giá trị thiêng liêng của đất nước Việt Nam- hay không? Dù là một ly trà sữa, một con búp bê nhỏ cho đến một chiếc ô tô to, một bộ phim lớn - chỉ khi đặt giá trị, bản sắc của người Việt mình lên vị trí ưu tiên, mỗi người mới có sự đánh giá kỹ lưỡng nhất khi lựa chọn những dự án hợp tác và quảng bá sản phẩm với quốc tế.

Thương hiệu trà sữa vừa vào Việt Nam đã vướng tranh cãi dữ dội vì những thông tin liên quan đến chủ quyền Việt Nam
Làm người nổi tiếng không chỉ là chăm chăm ra sản phẩm và kiếm tiền, đó còn là công việc toàn thời gian để trở thành một người tốt hơn, hiểu biết hơn, sâu sắc và ý thức hơn. Việc nghiêm túc bổ sung kiến thức xã hội không chỉ giúp người nổi tiếng bảo vệ sự nghiệp và hình ảnh của mình, mà còn thật sự biến họ trở thành những công dân tốt, những con người đã xứng đáng với gánh nặng trách nhiệm mà danh tiếng mang tới.