Người nhiễm biến thể Omicron ít có nguy cơ tái nhiễm trong vài ba tháng
Nguy cơ tái mắc COVID-19 ở những người từng nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện không đáng kể, và thấp hơn nhiều so với người nhiễm các biến thể khác.
Đây là ý kiến của các chuyên gia Singapore được đăng trên tờ The Straits Times mới đây, trong đó cũng tái khẳng định vaccine vẫn là cách thức chủ yếu để giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Theo Phó Giáo sư Hsu Li Yang thuộc trường Y tế công Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhìn chung nguy cơ tái nhiễm COVID-19 trong vòng 6 tháng là cực thấp. Ông cũng cho rằng nguy cơ nhiễm lại cùng 1 biến thể là không đáng quan ngại trong năm đầu tiên, dù rằng hiện vẫn cần thêm bằng chứng để chắc chắn về điều này. Nhìn chung, khả năng nhiễm virus trở lại sẽ tăng theo thời gian, khi mức độ kháng thể giảm dần.
Trong khi đó, Giáo sư Dale Fisher, cố vấn cấp cao thuộc Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore, dẫn các nghiên cứu gần đây cho biết nguy cơ tái nhiễm ở người nhiễm biến thể Omicron ít xảy ra trong vòng 2 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ tăng khi bệnh nhân đã nhiễm 1 biến thể khác trước khi nhiễm Omicron, bởi các biến thể mới ít bị ảnh hưởng hơn bởi kháng thể được sinh ra để chống lại các biến thể trước.
Các chuyên gia cho rằng vào thời điểm hiện tại, đa số các ca mắc COVID-19 là do Omicron gây ra và ít có khả năng có một biến thể mới thay thế được, tuy nhiên không thể loại trừ trường hợp Omicron tiếp tục đột biến thành một dạng khác. Dù người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm Omicron, nhưng tiêm chủng vẫn là biện pháp hiệu quả để ngăn bệnh trở nặng - yếu tố quan trọng để đánh giá tình hình dịch hiện tại và trong dài hạn. Phó Giáo sư Hsu dẫn thống kê cho biết tỷ lệ tử vong ở người đã tiêm vaccine thấp hơn từ 8 đến 10 lần so với những người chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 mũi.
Trong bối cảnh biến thể Omicron mới xuất hiện ở Singapore trong 2, 3 tháng trở lại đây, các chuyên gia cho rằng nguy cơ người dân nước này bị tái nhiễm vào thời điểm hiện tại là rất thấp, do đó cần tận dụng khoảng thời gian này để đẩy mạnh các nỗ lực ngăn ngừa virus lây lan.