Người bệnh nhiễm biến thể Delta hay Omicron vẫn có thể diễn biến nặng, BS khuyến cáo việc cần và không được làm để nhanh khỏi

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Bộ Y tế lưu ý không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.

Sáng 5/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho hay số ca mắc COVID-19 liên tục tăng nhanh, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thay thế dần biến thể Delta.

Theo Bộ Y tế, dù số ca mắc tăng nhanh nhưng do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 3/3 là 0,1%), theo Bộ Y tế.

Người bệnh nhiễm biến thể Delta hay Omicron thì vẫn có thể diễn biến nặng, việc điều trị không có khác biệt - Ảnh 1.

Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây

Tại TP HCM, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết qua kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến thể Omicron bằng xét nghiệm RT-PCR từ ngày 10 đến 17/2, trong 92 mẫu bệnh phẩm dương tính thì có đến 70 mẫu là biến thể Omicron, chiếm 76%.

Trong chiều 4/3, TP.HCM có văn bản khẩn cảnh báo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt hiện nay chủng Omicron chiếm ưu thế.

Còn tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, theo nhận định của các chuyên gia, biến thể Omicron đang "song hành" với Delta và có thể đã chiếm đa số, bằng chứng là tốc độ lây lan COVID-19 hiện nay rất nhanh.

Phải tuân thủ hướng dẫn, khuyến cáo cách ly, theo dõi, điều trị

Theo các chuyên gia y tế, trong tình hình gia tăng ca nhiễm COVID-19 như hiện nay, mỗi người, mỗi gia đình cần chuẩn bị một số vật tư, thiết bị y tế thiết yếu phòng tình huống có người dương tính SARS-CoV-2.

BS Đinh Thế Tiến – khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho hay, dù người bệnh nhiễm biến thể Delta hay Omicron thì vẫn có thể diễn biến nặng, việc điều trị không có khác biệt.

Do đó, F0 điều trị tại nhà, đặc biệt là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, chưa tiêm đủ vaccine, càng không nên chủ quan, cần phải cẩn trọng, đảm bảo các quy tắc về cách ly phòng tránh lây nhiễm, điều trị theo hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.

Cùng lời khuyên, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) chia sẻ, F0 điều trị tại nhà không nên quá lo lắng hay bận tâm bản thân nhiễm Omicron hay Delta. Tuy nhiên, người dân cũng không nên chủ quan cho rằng nhiễm Omicron sẽ nhẹ hơn Delta mà không cần chú trọng điều trị, theo dõi.

"Dù nhiễm biến thể gì thì cách điều trị, cách ly, theo dõi vẫn cần theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các thầy thuốc, đặc biệt là theo dõi sát các triệu chứng, diễn biến để báo y tế kịp thời" – BS Hoàng cho hay.

Người bệnh cần chuẩn bị những gì

Theo BS Hoàng, các loại nước nhỏ mắt, mũi; dung dịch súc họng (nước muối sinh lý, nước súc họng thảo dược, súc, xịt họng betadine hoặc chlorhexidine…) cũng cần có trong tủ thuốc gia đình.

Máy đo nồng độ oxy SpO2 và nhiệt kế là hai dụng cụ đầu tiên cần chuẩn bị.

Các loại thuốc cũng cần được chuẩn bị như: Thuốc hạ sốt (cho cả người lớn và trẻ em); các loại bổ phế, giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo dược); một số thuốc long đờm, giảm sưng nề…; Thuốc cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác…

Người bệnh nhiễm biến thể Delta hay Omicron thì vẫn có thể diễn biến nặng, việc điều trị không có khác biệt - Ảnh 2.

Người bệnh nhiễm biến thể Delta hay Omicron thì vẫn có thể diễn biến nặng, việc điều trị không có khác biệt

Ngoài các loại men vi sinh, men tiêu hóa để phòng trường hợp người nhiễm COVID-19 có triệu chứng tiêu chảy, theo TS Trần Thị Hải Ninh - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các thuốc chống dị ứng cũng cần được chuẩn bị. Hiện nay có nhiều thuốc chống dị ứng khác nhau, phổ biến là loại có tên gốc Loratadine hoặc Desloratadin.

Trong hướng dẫn điều trị F0 tại nhà, Bộ Y tế lưu ý người mắc COVID-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái...

Bộ Y tế lưu ý không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.

Chia sẻ