Người mẹ trở thành 'nữ anh hùng' thay đổi thế giới vì hai con bị khiếm khuyết
“Dù bạn là ai, bạn đều được yêu mến” là thông điệp từ quán cà phê Bitty and Beau’s Coffee do một người mẹ làm chủ chứa đựng câu chuyện xúc động phía sau.
Bất kỳ người mẹ nào cũng mong muốn con cái mình lớn lên và trưởng thành, vững vàng trong cuộc sống và có sự nghiệp vững chắc trong tương lai. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn thuận lợi đạt được ước mơ ấy.
Amy Wright là người mẹ của hai đứa trẻ mắc hội chứng Down nhưng không vì vậy mà người phụ nữ đầu hàng số phận. Cô đã tìm cách để tạo ra con đường phát triển riêng cho hai con nhỏ và giúp đỡ thêm hàng chục người khiếm khuyết khác.
1. Mẹ sẽ thay đổi thế giới vì con
Cô Amy Wright đến từ Mỹ có con trai Beau và con gái Bitty ngay từ khi sinh ra đã mang khiếm khuyết. Nhưng thay vì từ bỏ các con, cô cùng chồng đồng hành và tìm ra con đường tốt nhất dành cho con của họ.
Chia sẻ với CNN về quãng thời gian khó khăn khi có hai con nhỏ bị khiếm khuyết bẩm sinh, cô Amy Wright kể: "Khi cháu Beau ra đời, chúng tôi bị đẩy vào một thế giới với toàn những nhu cầu đặc biệt. Chúng tôi cố gắng thuyết phục mọi người theo nhiều cách khác nhau và điều đó lại tăng thêm sau khi có cháu Bitty.
Tuy nhiên, thật khó để mọi người thay đổi định kiến nhanh chóng. Chúng tôi cảm thấy như mình đang bơi ngược dòng. Mọi người thường sợ những gì họ không biết, và đó là lý do vì sao chúng tôi quyết định phải chứng tỏ cho mọi người thấy cuộc sống của chúng tôi là như thế nào".
"Khi bạn trở thành cha mẹ của những đứa trẻ đặc biệt, bạn sẽ ngay lập tức muốn trở thành một người hỗ trợ con. Và một khi bạn chấp nhận được sự thật, bạn sẽ có một khả năng tuyệt vời để chiến đấu với mọi thứ", cô Amy Wright cho biết thêm.
Amy Wright sinh năm 1975 ở Houston, Texas. Cô và chồng Ben Wright luôn làm hết sức mình để các con được hòa nhập với xã hội và có điều kiện phát triển tốt hơn.
Vào năm 2013, cô Amy viết một bài hát có tên "It Starts with a Voice" để thúc đẩy sự hòa nhập và đón nhận những người khiếm khuyết. Chồng cô cũng điều hành một công ty tuyển dụng dành cho người khuyết tật vào năm 2015.
Nhưng có lẽ bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời Amy Wright đó là việc cô mở quán Bitty & Beau's Coffee ở bang Bắc Carolina (Mỹ). Tên quán cũng chính là tên hai người con của cô. Điều đặc biệt là nhân viên của quán đều là những người khiếm khuyết.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Amy Wright từng chia sẻ động lực khiến cô mở quán cà phê đặc biệt này: "Mẹ sẽ không thay đổi con vì thế giới nhưng mẹ sẽ thay đổi thế giới vì con".
2. Quán cà phê độc nhất vô nhị
Theo thống kê, gần 70% người khiếm khuyết về trí tuệ và thể chất không tìm được việc làm. Amy Wright, với tư cách mẹ của hai đứa con mắc hội chứng Down, có mong muốn đóng góp một phần sức lực để có thể giảm bớt tỉ lệ này và giúp họ hòa nhập xã hội. Đây cũng là điều cô luôn làm cho hai đứa con của mình.
Cô Amy nhớ lại: "Ý tưởng này đến với tôi như một tia chớp. Tôi thấy rằng đó sẽ là môi trường hoàn hảo để đưa mọi người xích lại gần nhau. Quan sát các nhân viên tiếp nhận yêu cầu, phục vụ cà phê, mọi người sẽ nhận ra họ thực sự có khả năng như thế nào".
Quán cà phê chính thức khai trương vào tháng 1/2016 và ngay lập tức thu hút một lượng khách đông đảo. Và chỉ 6 tháng sau, họ phải chuyển tới một địa điểm rộng rãi hơn để đáp ứng nhu cầu quá lớn của khách hàng.
Tới năm 2017 cửa hàng đã thuê 40 nhân viên là người khuyết tật, cộng thêm hai người quản lý là những người có bằng cấp chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Đội ngũ này đã làm việc thực sự ăn ý. Hiện thương hiệu cà phê này đã có 23 quán nhượng quyền thương mại nằm ở 12 tiểu bang và có hơn 200 người khiếm khuyết về trí tuệ lẫn thể chất làm việc tại những cửa hàng này.
Quan sát các nhân viên làm việc, cô Amy Wright cảm nhận rất rõ niềm tự hào của họ khi được làm việc tại quán như những người bình thường khác và trở thành một phần của cộng đồng. Với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ có một công việc đúng nghĩa.
Cô nói: "Họ tự hào là nhân viên của Bitty & Beau's Coffee. Nó mang lại cho họ mục đích sống và cảm giác mình là người có giá trị".
Matt Dean, anh chàng nhân viên 26 tuổi mắc chứng tự kỉ cho biết: "Công việc rất tuyệt. Tôi thích tất cả các khách hàng tốt bụng, đồng nghiệp của tôi cũng rất thân thiện và làm việc rất tốt. Tôi rất thích được ở xung quanh cùng mọi người".
Quán cà phê của Amy Wright luôn đi ngược lại với hiện thực xã hội. Chỉ có khoảng 20% người khuyết tật làm việc ở Mỹ và khoảng 3% trong số họ (tương đương 195.000 công nhân) đang nhận lương dưới mức tối thiểu. Đây quả thực là một điều không công bằng đối với họ.
Tuy nhiên, vợ chồng cô Amy Wright đang tạo ra sự khác biệt. Họ trả lương cho các nhân viên như những người bình thường khác. Các nhân viên ở đây cũng được tăng lương và nhận tiền thưởng theo đúng công sức mà họ bỏ ra.
"Chúng tôi cố gắng cho các nhân viên thấy rằng họ xứng đáng được trả công như bao người. Và khi có tài chính rồi, họ có quyền được ước mơ xa hơn. Một nhân viên của chúng tôi đã giúp gia đình anh ấy trả một khoản tiền để mua nhà. Một khoản khác là tiết kiệm cho một chiếc xe hơi", cô Amy vui mừng chia sẻ.
Amy Wright cho rằng hơn cả một tách cà phê, cửa hàng của cô đã trở thành nơi để giúp những người có số phận không may mắn được mọi người tôn trọng xứng đáng. "Dù bạn là ai, bạn đều được yêu mến", đó chính là thông điệp từ quán cà phê Bitty and Beau's Coffee gửi đến tất cả mọi người.
Có lẽ vì thế mà khách hàng ở khắp nơi, thậm chí từ nước ngoài đã truyền tai nhau kéo tới quán cà phê đặc biệt này.
3. Nữ anh hùng tuyệt vời
Mọi lợi nhuận thu được từ quán cà phê đều được chuyển vào quỹ của tổ chức phi lợi nhuận Able to Work USA do cô Amy Wright sáng lập. Điều khiến cô tự hào nhất đó chính là đã tạo nên được những cây cầu kết nối trong cộng đồng.
Cô nói: "Việc tạo ra quán cà phê này đã giúp mọi người có một cách để tiếp xúc với những người khuyết tật mà họ chưa bao giờ gặp gỡ trước đó. Đây là nơi an toàn để mọi người có thể trải nghiệm và nhận ra rằng chúng ta giống nhau nhiều hơn là khác biệt. Và đó là điều quan trọng nhất".
Trong kế hoạch, bà mẹ 2 con muốn đưa mô hình hoạt động của quán tới những nơi khác để mọi người biết về họ nhiều hơn. Cô Amy Wright chia sẻ: "Với việc mở một cửa hàng khác tại khu vực đông khách du lịch, quán sẽ thu hút đông đảo người đến hơn. Điều đó sẽ giúp sứ mệnh của chúng tôi nâng lên một tầm mức mới".
Cô Amy Wright cũng khẳng định: "Những người dù mang khiếm khuyết nhưng họ có thể là những nhân viên xuất sắc, có đóng góp tích cực nếu như chúng ta trao cho họ cơ hội. Ngoài ra, họ sẽ có những góc nhìn mới mẻ khác biệt về các vấn đề trong cuộc sống, và điều này giúp tôi cảm thấy làm việc cùng họ là một trong những niềm vui lớn nhất của cuộc đời".
Vào cuối năm 2017, Amy Wright đã được hãng CNN vinh danh với giải thưởng "Người hùng của năm". Phát biểu trong chương trình nhận giải, cô Amy nhấn mạnh: "Những người khuyết tật đã ở trong bóng tối quá lâu. Nhưng giờ đây không còn như thế nữa".
Rõ ràng, tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp cô Amy trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn để đem đến một cuộc sống tốt nhất cho hai người con. Từ tình yêu ấy, cô đã mở rộng lòng trắc ẩn của mình để cứu lấy nhiều mảnh đời bất hạnh khác.
Nguồn: CNN, Rediff