Người mẹ cùng con thơ 18 tháng tuổi lấy vỉa hè làm nhà giữa Thủ đô Hà Nội

Theo Kênh 14/ Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Dù phải sống cảnh màn trời, chiếu đất nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi chị Tươi - người phụ nữ lấy hè phố Hà Nội làm nhà suốt bao năm qua.

Đường phố Hà Nội lúc 1h sáng tĩnh lặng và nhuốm màu vàng vọt của ánh đèn cao áp. Những cửa hàng thời trang, trung tâm mua sắm không còn vẻ hào nhoáng như ban ngày, phố xá cũng bớt những tiếng động cơ lao đi vùn vụt…

1h sáng là lúc phần lớn Hà Nội đã chìm vào giấc ngủ sâu sau một ngày dài mệt mỏi, ồn ào nhưng có những người vẫn thức xuyên đêm để tranh thủ mưu sinh, để giữ cho con thơ có giấc ngủ bình yên trên vỉa hè thành phố. Trong một chuyến phượt đêm qua các con phố, chúng tôi tình cờ gặp chị Tươi, một người lấy vỉa hè Hà Nội làm nhà đang ngồi hát ru con trên ghế đá ở vườn hoa Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bé gái con chị vừa bị bỏng, lớp da bị bong tróc đỏ ửng trông rất tội nghiệp.

Người mẹ cùng con thơ 18 tháng tuổi lấy vỉa hè làm nhà giữa Thủ đô Hà Nội 1
Con gái chị Tươi ngủ ngon trong vòng tay mẹ.

Người mẹ cùng con thơ 18 tháng tuổi lấy vỉa hè làm nhà giữa Thủ đô Hà Nội 2
Cánh tay bé bị bỏng, vết thương vẫn chưa lành.

Chị Tươi tên thật là Lê Thị Phúc, quê ở vùng chợ Chanh (Kim Bảng - Hà Nam). Mặc dù phải chịu bao nỗi cơ cực, đắng cay trong cuộc đời nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi chị, thế nên thay vì gọi người phụ nữ vô gia cư ấy bằng tên thật, mọi người thích gọi chị là Tươi hơn.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ già yếu nên hết lớp 8, chị Tươi phải nghỉ học. Những năm tháng lận đận đầy sóng gió trong cuộc đời người con gái chợ Chanh bắt đầu từ đó. Năm 21 tuổi, chị Tươi một mình lên Hà Nội làm thuê, lấy tiền gửi về quê nuôi cha bệnh tật.

Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười khi chị gặp được người đàn ông có cùng hoàn cảnh đến từ vùng quê quan họ Bắc Ninh. Nhưng thói đời vốn bạc bẽo, ăn ở cùng nhau cho đến ngày chị sắp sinh đứa con đầu lòng thì anh chồng hờ cầm hết tiền bỏ đi. Chị Tươi phải vượt cạn trong nỗi đắng cay vì bị lừa cả tình lẫn tiền. Sinh con xong, chị đưa cháu về nhờ bố mẹ đẻ chăm sóc. Ở cùng con được ít ngày, vì gánh nặng áo cơm chị lại phải tiếp tục lên Hà Nội kiếm sống, để con ở nhà với ông bà.

Cũng tại mảnh đất phồn hoa, náo nhiệt này, chị quen người đàn ông thứ hai, kém chị tới 9 tuổi quê ở Nam Định. Dù có với nhau một bé gái nhưng gia đình người chồng thứ hai vẫn không chấp nhận chị, thứ mà chị nhận lại được chỉ là những lời trách móc, những tiếng chì chiết. Mặc dù đau đớn nhưng chị quyết định sẽ nuôi con một mình.

Gần chục năm bươn chải ở thành phố, tài sản duy nhất của chị là hai cô con gái, cháu lớn năm nay 7 tuổi, cháu nhỏ vừa được 18 tháng. Chị bảo đường về quê nhà bây giờ hẹp quá, vì mọi người ai cũng nhìn chị bằng con mắt đầy định kiến.

Người mẹ cùng con thơ 18 tháng tuổi lấy vỉa hè làm nhà giữa Thủ đô Hà Nội 3
Chị Tươi không dám về quê làm ăn vì mọi người nhìn chị bằng con mắt đầy định kiến, không chồng nhưng có tới 2 đứa con.

Chiếc xe đạp cà tàng đằng sau buộc hai thùng xốp có lẽ là tài sản giá trị nhất của mẹ con chị Tươi suốt bao năm qua. Trên chiếc xe ấy, chị đưa đứa con gái nhỏ xíu đi đến tận cùng những ngõ ngách của Hà Nội để thu lượm giấy vụn, vỏ lon, vỏ chai bán lấy tiền.

“Nếu hôm nào thu gom được nhiều, em mang bán cho hàng ve chai cũng được tầm 70 nghìn đồng. Nhiều hôm có người tốt bụng gọi đi dọn dẹp nhà cửa cho họ nữa, mỗi tiếng làm như vậy cũng được trả 30 nghìn đồng” – chị Tươi thật thà tâm sự.

Bằng một giọng rất tếu táo, chị cho chúng tôi biết: “Mẹ con em ngủ ngoài vỉa hè thế này thôi nhưng cũng ăn sang lắm đấy. Ngày nào kiếm được tiền là đều đặn hai bữa cơm, em và cháu ăn chung một suất 15 nghìn đồng. Hôm nào không nhăt được nhiều vỏ lon, vỏ chai thì đành ăn mỳ tôm, uống nước lã. Cháu mới được 18 tháng thôi nên hôm nào cũng phải cố kiếm cái gì bỏ vào bụng còn có sữa cho con bú”.

Người mẹ cùng con thơ 18 tháng tuổi lấy vỉa hè làm nhà giữa Thủ đô Hà Nội 4
Chiếc xe đạp cà tàng này là tài sản có giá trị nhất đối với chị Tươi.

Sống cực khổ là thế nhưng chị Tươi luôn quan niệm phải biết san sẻ, giúp đỡ người khác. Mỗi khi được cho tiền và quà bánh, chị đều chia cho những người sống lang thang trên hè phố như mình.

Người phụ nữ vô gia cư nói: “Cha ông mình khuyên là lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Em cũng không biết mình là lá rách ít hay rách nhiều nữa nhưng sống là phải luôn biết chia sẻ, giúp đỡ. Hôm nay mình có cho họ sau này họ giúp lại con mình gấp nhiều lần ấy chứ”.

Trong câu chuyện của mình về những năm tháng sống trên hè phố Hà Nội, chị Tươi nhiều lần nhắc đến những mảnh đời lang thang khác nhưng nay đã thay đổi. Chính chị là người đã giúp họ nhận ra lối sống sai lầm của mình để quay trở lại với thế giới của những người lương thiện.

Người mẹ cùng con thơ 18 tháng tuổi lấy vỉa hè làm nhà giữa Thủ đô Hà Nội 5
Mặc dù phải sống lang thang, cực khổ nhưng người phụ nữ vô gia cư này luôn quan niệm phải biết san sẻ, giúp đỡ người khác.

“Chính xác là 12 người đã về quê làm ăn lương thiện sau khi được em khuyên bảo. Nhiều thanh niên trẻ chỉ vì chót sa đà ăn chơi hay giận cha, giận mẹ mà bỏ lên Hà Nội nói là đi làm thuê kiếm tiền nhưng vô tình rơi vào cảnh trộm cắp, nghiện ngập. Em đã bảo họ là nên về quê, làm lụng tuy vất vả nhưng được làm người tử tế, sau này còn lấy vợ, sinh con chứ lang thang trên này tương lai rồi không biết đi về đâu. Họ nghe em nay thành người cả rồi, có người còn tìm lên tận Hà Nội để nói lời cảm ơn” – người phụ nữ vô gia cư hào hứng kể về những việc làm ý nghĩa của mình.

Gương mặt hốc hác, nước da đen sạm nhưng chị Tươi luôn nở nụ cười lạc quan mỗi khi nói chuyện với người khác. Câu nói của chị khiến chúng tôi không ngừng suy ngẫm: “Số kiếp đã bắt mình phải sống thế này rồi thì phải cố sống cho thật tốt, không được quay ra ăn vạ ai cả, phải sống tốt để tích đức cho hai đứa con sau này”.

Chia sẻ