Người lao động kêu trời vì bị doanh nghiệp 'ăn quỵt' tiền lương

Theo Người đưa tin,
Chia sẻ

Khủng hoảng kinh tế khiến không ít doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn về tài chính, không ít người lao động chịu cảnh thất nghiệp, không việc làm. Những người lao động vẫn còn trụ được ở nơi làm, cũng không thoát khỏi lao đao, khi không ít doanh nghiệp còn "ăn quỵt" tiền lương của công nhân.

1001 kiểu nợ lương

Những ngày vừa qua, đường dây nóng của báo điện tử Người đưa tin nhận được nhiều cuộc gọi và đơn thư của bạn đọc, phản ánh việc mình bị công ty nơi đang làm việc  không chịu trả lương. Thư của ông Nguyễn Văn H. (ngụ xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh việc con trai ông là anh Nguyễn Thanh H. (SN 1992) bị một doanh nghiệp không chịu trả lương. Theo đó, anh H. là thợ hàn điện tự do. Tháng 11/2012, anh ra tỉnh Bình Thuận để làm việc cho doanh nghiệp có tên DNTN T.H. (có trụ sở ở tỉnh Bình Thuận). Từ khi làm việc ở công ty này cho đến ngày 22/6/2013 thì anh H. không hề nhận được tiền lương, với "điệp khúc" hẹn "tuần sau sẽ có lương".

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên ông Nguyễn Văn H. đã nhiều lần liên hệ với một người tên Đ. (chủ doanh nghiệp) để trình bày, xin doanh nghiệp trả lương cho con trai mình. Ông Đ. trả lời: Có gì cứ hỏi anh C. (người phát lương cho công nhân), còn ông cứ tới tháng là trả lương cho anh em đầy đủ. Đồng thời ông Đ. hứa sẽ cho tiền xe để anh H. về nhà. Ngày 23/6/2013, anh H. về đến nhà, thì nhận được điện của người đàn ông tên C. hẹn một tuần sau sẽ trả lương. Khoảng 8 ngày sau, anh C. có điện hỏi số tài khoản, nhưng sau hai ngày anh H. vẫn không nhận được tiền. Thậm chí gia đình liên lạc với anh C., thì anh C. không bắt máy.

Khác với anh H., 4 nhân viên bảo vệ của công ty Dịch vụ bảo vệ An ninh Tín Nghĩa (có trụ sở tại đường 38, P.12, Q.Gò Vấp lại rơi vào hoàn cảnh bị "ăn chặn" tiền lương khác. Theo đơn khiếu nại, ông Phạm Hồng Kiêm, Nguyễn Hoàng Sang, Trần Văn Đỉnh, Trần Trí Hùng và Lý Hồng Sơn được nhận vào công ty làm việc (không ký hợp đồng lao động). Cả 4 được phân công làm nhiệm vụ trực gác bảo vệ mục tiêu tại HTX số 9 trạm cân Thủ Đức cùng hai người khác. Do công ty Tín Nghĩa tháng nào cũng trả lương chậm so với thông báo 2 - 4 ngày, nên đến ngày 20/4/2013 (là ngày trả lương như thông báo của công ty) nhân viên tại mục tiêu HTX số 9 trạm cân Thủ Đức có gọi điện về công ty hỏi lương. Tuy nhiên, ban giám đốc trả lời đôi ba ngày nữa mới có rồi tắt máy. Vì vậy các nhân viên này đã tiến hành đình công, không tiếp tục nhận tiếp ca trực từ 19h - 7h sáng hôm sau.

Người lao động kêu trời vì bị doanh nghiệp 'ăn quỵt' tiền lương 1
Không ít người lao động lao đao vì doanh nghiệp nợ lương thời khủng hoảng. Ảnh minh họa.

Với sự trợ giúp của công an khu vực, trạm phó trạm cân Thủ Đức, ông Tuấn Anh, phó giám đốc công ty chấp nhận trả lương tháng 3/2013 cho các nhân viên này. Đồng thời ông thông báo chỉ giữ lại hai nhân viên làm việc là ông Lý Hồng Sơn (ca trưởng) và Nguyễn Thế Long. Còn lại 4 anh em muốn nghỉ việc thì viết đơn thôi việc, ông sẽ giải quyết và thanh toán phần lương tháng 4. Ngày 24/4, 4 nhân viên này có đơn thôi việc gửi ông Bùi Văn Kiêm, trưởng phòng nhân sự và được ông này xác nhận. Tuy nhiên, đến 22/5/2013 khi 4 người này có mặt tại công ty Tín Nghĩa nhận nốt phần lương còn lại thì ông Tuấn Anh không trả lương với lý do 4 người này tự ý bỏ việc. Ngày 21/5, phía công ty có ra thông báo xử lý kỷ luật  đối với ông Bùi Văn Khiêm, Lý Hồng Sơn, Phạm Hồng Kiêm, Trần Văn Đỉnh, Nguyễn Hoàng Sang, với hình thức buộc thôi việc, sa thải; đồng thời không giải quyết các chế độ lương thưởng, buộc đền bù thiệt hại gây ra tại mục tiêu các ông từng làm việc...

Cũng trong thời gian này, đường dây nóng của báo nhận được phản ánh của anh T.V.T. (ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) phản ánh sau khi đưa đơn ra tòa khiếu kiện việc công ty  nơi anh làm việc không trả lương, buộc thôi việc trước hợp đồng. Tòa án đã thụ lý, buộc phía công ty phải hoàn trả tiền lương và bồi thường hợp đồng lao động cho anh. Tuy nhiên đã hơn một năm nay, sau nhiều lần lên xuống, phía công ty vẫn không chịu chi trả tiền cho anh.

Có thể khởi kiện doanh nghiệp

Một doanh nghiệp phát triển được đều phải nhờ vào sự góp sức của người lao động. Nếu công ty có sự quan tâm sâu sát đến người lao động và có những chính sách phù hợp chắc chắn sẽ nhận được niềm tin của người lao động. Tuy nhiên, nếu chỉ là những lời hứa hẹn thì chắn chắn sự gắn bó của người lao động dành cho công ty sẽ không còn. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết: "Trong quá trình hành nghề luật sư của mình, tôi cũng đã từng tư vấn và tham gia bảo vệ cho nhiều trường hợp người lao động bị nợ lương. Và nhìn chung, người lao động trong trạng thái yếu thế nên thường nhẫn nhịn khi doanh nghiệp nợ lương. Tôi cho rằng khi ứng tuyển vào doanh nghiệp thì người lao động bên cạnh tìm hiểu môi trường làm việc của doanh nghệp, vị trí, công việc của mình, thì cần phải tìm hiểu về tình hình lương bổng, việc trả lương của doanh nghiệp đó như thế nào để tránh bị nợ lương, quỵt lương".

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm, hiện nay, tình trạng doanh nghiệp nợ lương, quỵt lương người lao động diễn ra khá phổ biến. Khi rơi vào tình trạng này, người lao động cần khiếu nại, yêu cầu doanh nghiệp trả lương đầy đủ và đúng hạn. Trường hợp doanh nghiệp không giải quyết thì người lao động cần khiếu nại tới cơ quan quản lý lao động địa phương để cơ quan này xử lý vi phạm của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và buộc phải trả đầy đủ lương cho người lao động. Khi bị nợ lượng, quỵt lương thì người lao động cũng có thể khởi kiện doanh nghiệp ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án, khi người lao động khởi kiện để đòi tiền lương thì trong trường hợp này người lao động sẽ được miễn toàn bộ tiền án phí.

Đã nợ lương còn nhốt người lao động

Cơ quan CSĐT công an tỉnh Cà Mau cho biết, vừa giải thoát cho một phụ nữ bị nhốt trong nhà ông Nguyễn Hữu Năm, giám đốc công ty TNHH xây dựng Hữu Trí (trụ sở tại Tôn Đức Thắng, P.5, TP. Cà Mau). Trước đó, do gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nên ngày 16/8, chị Hảo bế đứa con 8 tháng tuổi tới trụ sở công ty Hữu Trí gặp ông Năm đòi tiền lương của chồng vì ông Năm thất hứa. Tuy nhiên khi gặp, ông Năm bất ngờ khóa trái cửa nhốt chị Hảo trong nhà và bỏ đi. Nhiều người cho biết, ông Năm đã nợ vợ chồng chị Hảo 30 triệu đồng, nhưng lần nào cũng hứa sẽ trả.

Hộp chỉ chứa chữ. Màu nền, viền, kiểu dáng của chữ hay hộp đều có thể thay đổi.



Chia sẻ