Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online có thể đối mặt với hình phạt gì?

Minh Khôi,
Chia sẻ

Hành động của một bộ phận giới trẻ vô ý thức vào lớp học online để quấy rối, chửi bới đã gây ảnh hưởng đến việc học trực tuyến, thậm chí làm ảnh hưởng nặng nề tâm lý của những thành viên trong lớp. Những đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, tương ứng với mức độ vi phạm.

Hiện nay, các trường học ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam đều cho học sinh nghỉ tránh dịch Covid-19. Phương án dạy học online qua các ứng dụng trực tuyến đã được nhiều trường áp dụng nhằm ôn tập và giảng dạy kiến thức mới cho học sinh. Trong đó, Zoom là một trong những ứng dụng phổ biến nhất.

Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online có thể đối mặt với hình phạt gì? - Ảnh 1.

Hình thức học trực tuyến đã được áp dụng tại nhiều địa phương, trường học để tránh cho học sinh bị hổng kiến thức do thời gian nghỉ kéo dài. (Ảnh minh hoạ: Ngọc Dương / Thanh Niên)

Để tham gia một lớp học trực tuyến trên Zoom, người dùng cần ID (mã số phòng) và mật khẩu. Mục đích của mật khẩu là tránh người lạ vào phòng học quấy phá.

Tuy vậy, một số học sinh đã làm lộ những thông tin này trên nhiều group kín Facebook. Thậm chí, có trường hợp còn cố tình kêu gọi người lạ vào phá lớp học dẫn đến các trường hợp những đối tượng "lạ mặt" vào lớp học quấy rối, chửi bới, gây gián đoạn, ảnh hưởng đến bài giảng của cô giáo và học sinh.

Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online có thể đối mặt với hình phạt gì? - Ảnh 2.

Nhiều học sinh kêu gọi người lạ vào quấy phá lớp học trực tuyến trên Zoom.

Cụ thể, có trường hợp khi giáo viên bật micro lên hỏi bài, thì "người lạ" trong lớp học chửi rất tục tĩu cùng lời thách: "Đố đứa nào chặn được tao đấy, lớp này học môn nào tao cũng phá, đừng hòng học được". Nhiều giáo viên đang dạy, bị chửi những lời thô thiển nhưng cô không truy được là từ đâu. Sau những lời lời lẽ khủng khiếp thì cô trò đành phải ngưng tiết học.

Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online có thể đối mặt với hình phạt gì? - Ảnh 3.

Nhiều người lạ vào phá rối lớp học online

Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online có thể đối mặt với hình phạt gì? - Ảnh 4.

Một đối tượng vào phá hoại lớp học online được giáo viên chụp lại.

Giáo viên gặp nhiều nhất là có những tài khoản bằng nhiều cách đã nhảy vào phòng học, sau lấy hình ảnh, clip của dân giang hồ mạng như Huấn hoa hồng, Khá "bảnh"... phá rối lớp học. Đây hầu hết là các đối tượng đều đã bị đi tù hoặc đang trong thời gian cải tạo, cai nghiện. Việc tung hô họ như một hình thức phá lớp lại càng chứng tỏ sự a dua của một lớp người học, ảnh hưởng tư duy và có thể khiến nhiều người đổ xô suy nghĩ theo chiều hướng xấu.

Chưa kể, đang dạy học nhưng cuối cùng, giáo viên lại mất công loại những tài khoản phá hoại ra và cũng mất luôn tinh thần để dạy học.

Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online có thể đối mặt với hình phạt gì? - Ảnh 5.

Chia sẻ khó khăn với giáo viên khi dạy học online bị những kẻ vô ý thức phá rối. Ảnh: Dân trí

Liên quan đến những tình huống bất cập này, nhiều người thắc mắc rằng, vậy việc người lạ xâm nhập trái phép vào lớp học, có những phát ngôn ngông cuồng, tục tĩu gây ảnh hưởng đến giờ học có phải chịu hình phạt gì hay không?

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: "Trong những tình huống oái oăm như trên, ngoài việc cả thầy và trò phải tìm cách khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, khả năng sử dụng phương tiện điện tử, kỹ năng sử dụng công nghệ, kinh nghiệm giảng dạy online..., thì các cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp, hỗ trợ cho hoạt động dạy và học online hiện nay, đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự".

"Các đối tượng truy cập trái phép và phương tiện điện tử của người khác, ở đây là các phương tiện điện tử dạy và học của các thầy cô và các học sinh gây rối, phá hoại hoạt động học tập không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. 

Đây là hành vi vi phạm luật an ninh mạng, xâm phạm đến hoạt động quản lý, an ninh, an toàn mạng. Tùy vào tính chất mức độ mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật", luật sư Cường nhận định.

Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online có thể đối mặt với hình phạt gì? - Ảnh 6.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội

Theo luật sư Cường, những hành vi vi phạm pháp luật mà hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. 

Còn đối với hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng mà hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng hiện sau ngày 15/4/2020 thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP Theo quy định tại Điều 80, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện thì hành vi vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng được quy định như sau: 

 - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng. 

 - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép; Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng. Hình thức xử phạt bổ sung là: Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 80 nghị định này.

Người lạ vào chửi bậy, quấy rối lớp học online có thể đối mặt với hình phạt gì? - Ảnh 7.

Video giang hồ mạng chửi bới được phát trong nhiều lớp học trực tuyến trên Zoom.

Đối với hành vi vi phạm quy định về thu thập sử dụng thông tin cá nhân thì sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP theo Điều 84. Mức phạt sẽ dao động từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, làm gián đoạn, ngưng trễ, không thực hiện được việc học tập theo quy định, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 288 và điều 289 bộ luật hình sự năm 2015. 

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: 

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

 a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này; 

 b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; 

 c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: 

 a) Có tổ chức; 

 b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; 

 c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; 

) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; 

 đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; 

 e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam; 

 g) Dẫn đến biểu tình. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

Điều 289. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác 

1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: 

 a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; 

 c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; 

 đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ Sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia; e) Tái phạm nguy hiểm. 

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: 

 a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh; 

 b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông; 

 c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;  

d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên. 

 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, một lần nữa luật sư Cường khẳng định, pháp luật Việt Nam có đầy đủ các chế tài hành chính và hình sự là công cụ pháp lý quan trọng để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng. 

Chính vì thế, việc dạy và học online của các trường, các lớp trong hoàn cảnh bệnh dịch Covid-19 hiện nay thì ngoài việc cố gắng của các thầy cô và học sinh thì cũng cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng về an ninh, an toàn mạng để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Đối với các hành vi chuyện đưa dữ liệu trái phép, truy cập trái phép vào mạng internet và phương tiện điện tử của người khác gây hậu quả nghiêm trọng thì cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự áp dụng những chế tài nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Đối với những đối tượng truy cập trái phép vào phương tiện điện tử của thầy cô giáo, đánh cắp thông tin mật khẩu, đưa các thông tin, hình ảnh trái pháp luật gây ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, tác động xấu đến tâm lý của học sinh thì cần phải sớm ngăn chặn để đảm bảo việc hoạt động dạy và học được diễn ra một cách thuận lợi nhất!

Chia sẻ