Người Hà Nội phải "cầu cứu" tổng đài, căn giờ thấp điểm để đi đổ xăng

Cảnh Huệ,
Chia sẻ

Mặc dù trong 10 tháng qua, trị giá nhập khẩu của xăng dầu các loại tăng 130,3% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng tình trạng cây xăng nhỏ lẻ treo thông báo “hết xăng, còn dầu” vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại Hà Nội xuất hiện tình trạng người dân gặp khó trong việc đổ xăng.

Cuối tuần qua, một số cây xăn  ở các quận Hà Đông, Tây Hồ (Hà Nội) thông báo “hết xăng, còn dầu”. Theo nhân viên bán hàng, việc hết xăng cục bộ do lượng dự trữ không đủ, xe bồn chở xăng hư hỏng hoặc chưa tới giờ được vào nội đô cấp hàng...

Sáng 31/10, khảo sát của P/V Tiền Phong tại Hà Nội cho thấy, hệ thống cây xăng đã trở lại tương đối bình thường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tại cây xăng của Petrolimex trên địa bàn quận Long Biên như cây xăng phố Sài Đồng, cây xăng tại Nguyễn Văn Cừ, lượng người đến đổ xăng bình thường, không có cảnh xếp hàng.

Người Hà Nội phải "cầu cứu" tổng đài, căn giờ thấp điểm để đi đổ xăng - Ảnh 1.

Cây xăng Nguyễn Văn Cừ (Quận Long Biên, Hà Nội) sáng 31/10.

Tương tự, cây xăng ở quận Hai Bà Trưng như tại đê Nguyễn Khoái, cây xăng tại Trần Nhân Tông; tại quận Hoàn Kiếm như cây xăng ở Trần Hưng Đạo, người dân đổ xăng bình thường.

Chị Nguyễn Lan (trú tại Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho biết, từ giữa tháng 10 tới nay, lượng người đến đổ xăng đông hơn trước kia. Nhiều lần, đổ xăng phải chờ khoảng nửa tiếng mới tới lượt.

“Buổi tối, đồng nghiệp tới gần khu vực nhà tôi, thì xe hết xăng, những cây xăng gần đó đều đóng cửa. Tôi gọi điện lên tổng đài hỏi địa chỉ cửa hàng xăng dầu của Petrolimex gần nhất, được hướng dẫn cây xăng trước đó đã hết, nay mở bán lại. Khan nguồn cung, nhiều cây xăng nhỏ lẻ đóng cửa, người dân đổ dồn về cửa hàng của Petrolimex trong khi dung tích bể chứa chỉ khoảng 15m3, đáp ứng nhu cầu bình thường nên thi thoảng hết xăng cục bộ. Sau 21h, xe téc chở xăng được vào bổ sung nguồn hàng nhập vào, cây xăng tiếp tục mở cửa bán hàng”, chị Lan cho hay.

Người Hà Nội phải "cầu cứu" tổng đài, căn giờ thấp điểm để đi đổ xăng - Ảnh 2.

Cây xăng Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoạt động sáng 31/10.

Sau một vài lần rơi cảnh nguy cơ hết xăng, anh Xuân Tiến (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, trước kia nguồn cung dồi dào, vị trí cây xăng khá dày nên thường đợi xe gần hết xăng mới đổ. Tuy nhiên, gần đây, anh Tiến chủ động đổ xăng vào thời gian rảnh rỗi, lựa chọn cây xăng lớn, vị trí thưa người dù đi xa hơn so với bình thường nhưng không phải gặp cảnh hết xăng giữa chừng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10 giảm so với kỳ 2 tháng 9. Riêng xăng dầu các loại giảm 132 triệu USD, tương ứng giảm 33,8%...

Người Hà Nội phải "cầu cứu" tổng đài, căn giờ thấp điểm để đi đổ xăng - Ảnh 3.

Sáng 31/10, các cây xăng trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tính đầu năm đến hết 15/10, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xăng dầu các loại tăng 4 tỷ USD, tương ứng tăng 130,3%.

Trong báo cáo giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội, ngày 28/10, cho biết, trong tháng 9 và đầu tháng 10, thiên tai, bão lũ xảy ra trên biển và nhiều vùng miền của cả nước làm chậm các chuyến tàu, chuyến xe chở xăng dầu về cung ứng cho các đơn vị bán lẻ. Mặt khác, cũng trong thời điểm này, các lực lượng chức năng cả Trung ương và địa phương đã đấu tranh triệt phá thành công một số vụ buôn lậu, làm giả xăng dầu với số lượng lớn đến hàng chục ngàn m3 nên ít nhiều cũng đã có ảnh hưởng tới phân phối, kinh doanh xăng dầu trên một số địa bàn…

“Khi khan hàng, các thương nhân phân phối quay lại mua hàng để phân phối cho hệ thống bán lẻ của mình đương nhiên sẽ không còn cơ hội và vì thế cũng làm cho sự đứt gãy ở một số nơi”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải.

Chia sẻ