Người đau đớn nhất trong vụ chìm tàu Dìn Ký

Theo Vietnamnet,
Chia sẻ

"Chuyến này Quách về quê cũng có đại gia đình! Nhưng chỉ toàn là nước mắt. Đau đớn quá."

Tàu bị chìm được xác định là tàu mang số hiệu BD 0913, đây là một trong 2 chiếc tàu du lịch của KDL Xanh Dìn Ký.

Theo một nạn nhân, vào ngày 20/5, họ tổ chức một buổi tiệc sinh nhật với 50 khách trên tàu của Khu du lịch xanh Dìn Ký (thuộc ấp Bình Thuận, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Khoảng 7g, du thuyền nhổ neo, chạy ra hướng sông Sài Gòn. Khi tàu cách bờ 100m thì gặp mưa to, gió lớn, tàu chao và lật nghiêng. Nhiều người rơi xuống sông, một số bơi được vào bờ.

Có tổng số 16 người thiệt mạng trong vụ chìm tàu này, trong đó có một gia đình gồm 9 thành viên. Hiện công tác trục vớt thi thể và xác tàu đã hoàn thành. Cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ nguyên nhân cũng như những sai phạm mà đơn vị tổ chức du lịch Dìn Ký mắc phải.


Khi 6 xe tang rời nhà đại thể bệnh viện, Quách có với nói lại với nhiều người đến vĩnh biệt bằng một giọng tiếng Việt lơ lớ...

Nghị lực phi thường của Quách
 
Chiều hôm ấy (chiều 21/5), 11/15 thi thể của các nạn nhân trong vụ chìm tàu nhà hàng nổi Dìn Ký được đưa về nhà đại thể của bệnh viện thị xã Thuận An. Quách Lương Tài – Người đàn ông đau đớn nhất trong vụ tai nạn chìm tàu du lịch đêm 20/5 – dường như đã khóc cạn nước mắt.

Ở đây ai cũng nhìn Quách (tên thường gọi của ông Quách Lương Tài) với một ánh mắt thương xót đến tội nghiệp. Rất nhiều người, dù lạ hay quen, vẫn đến ôm, bắt tay chia buồn cũng nỗi đau với Quách. Đáp lại ân tình, người đàn ông Trung Quốc này chỉ biết nói bằng giọng tiếng Việt lơ lớ: “Cảm ơn! Cảm ơn nhiều!”

Khi tôi tiếp xúc, lúc ấy Quách đã khá bình tĩnh. Quách nói rằng:“chắc vợ con mình cũng không muốn nhìn mình ngã gục như thế này! Phải cố sống.” Đó là sau gần 1 ngày xảy ra vụ tai nạn. Quách phờ phạc. Đã từng có lúc Quách đau đớn tột cùng, toan đập đầu vào gốc cây tự vẫn nhiều lần...

 
Thế nhưng khi đưa thi thể vợ, là Trần Thị Tương (SN 1980) và 2 con gồm: Quách Lan Anh (SN 2006) và Quách Hồng Đạt (SN 2008) vào quan tài thì Quách có lúc đứng không nổi, dựa hẳn người vào tường của nhà đại thể, chân như quỵ xuống.

Có lúc cố bình tĩnh được, anh cũng phụ thêm một tay với nhân viên nhà đại thể, rồi tự tay dùng khăn lau những giọt máu rơi ra từ miệng vợ và cháu Đạt .

Lúc ấy tôi thấy, những giọt nước mắt của Quách nhỏ giọt vào thi thể vợ con.
 
Thậm chí có lúc Quách hốt hoảng, la lớn bằng giọng tiếng Việt chưa chuẩn: “lấy ngay dùm cái vòng tay! Cái vòng tay ấy.” Những người thân, đa số là gia đình phía vợ, bạn bè và những nhân viên làm cùng công ty không ai hiểu Quách nói gì.

Khi ấy Quách chạy như hốt hoảng, nháo nhào giữa bệnh viện để lấy 1 cái vòng tay, mà bé Quách Hồng Đạt rất thích đeo, mà chỉ có người cha gần gũi con mới biết được điều đó.

Như cố không đụng chạm đến nỗi đau xảy ra trong đêm kinh hoàng ấy, nên khi trò chuyện với Quách, tôi cố gắng không nhắc lại. Thế nhưng Quách quệt nước mặt, khơi lại trong đau đớn: “cô ấy (tức chị Tương, vợ Quách – P.V) chết tức tưởi, khi người ta tìm thấy xác thì thấy cô ấy ôm chặt con (tức cháu Quách Hồng Đạt – P.V). Ôm chặt lắm, người ta gỡ hoài mới tách được 2 mẹ con ra.”

Quách nói rằng: “sau khi về quê vợ, an táng vợ con và những người bên gia đình cô ấy, mình sẽ về Trung Quốc.”

Được biết, trong vụ tai nạn chìm tàu đêm 20/5, còn có 2 người anh ruột và 2 người bạn thân thiết của Quách.

Nhiều người thấy cứ Quách chạy đôn chạy đáo giữa 2 phòng của nhà đại thể bệnh viện. Nhưng khi ấy, dù làm gì Quách cứ ôm khu khư trên tay 1 gói ni-lon màu vàng chứa 2 di ảnh của 2 đứa con.

Giọt nước mắt tiễn biệt

Khi hay tin vụ đắm tàu, ông Vũ Đình Tiếp (SN 1945, ngụ tỉnh Ninh Bình) mua vé máy bay vào Nam ngay trong buổi sáng 21/5. Mặc dù khi hay tin con trai của mình là Vũ Văn Hưng (SN 1982, là trợ lý của Quách) đã thoát chết hi hữu, nhưng ông già này vẫn vào để chia buồn cùng đại gia đình của Quách.

Mãi đến chiều 21/5, ông Tiếp mới gặp được Quách, khi thi thể của 11 người, là “đại gia đình” của Quách được đưa về nhà đại thể của bệnh viện. Khi ấy ông Tiếp chỉ biết ôm Quách, bắt tay Quách thật chặt mà khóc nức nở. Còn riêng Quách không dám đối mặt, có lẽ sợ nhìn thấy nước mắt sẽ khóc theo.
2 thi thể của nạn nhân trong vụ chùm tàu, là nhân viên của công ty Lan Anh ở tại Bình Dương đã nhanh chóng được người thân chuyển về nhà để lo hậu sự.

Tôi nhớ khi đưa thi thể các nạn nhân lên xe để chuyển về quê (Hà Tĩnh) để mai táng, Quách xin cho gia đình mình gồm: thi thể chị Tương, thi thể 2 đứa con và Quách đi cùng một chuyến xe. Thế nhưng vì không thể đưa 3 cỗ quan lại 1 chiếc xe nên chỉ có cháu Hồng Đạt được gần bố mẹ trên hành trình về quê.

Cảnh tụng kinh, niệm Phật diễn ra ngay trước nhà đại thể của bệnh viện. Lần lượt từng người lạ có, quen có tiến đến gần các cỗ quan đang xếp thành hàng để thắp nhang.

Thế nhưng khi ôm và nhìn thấy nước mắt chia buồn của nhiều người, Quách đã khóc rống lên. Những giọt nước mắt tột cùng của nỗi đau.


Khi 6 xe tang rời nhà đại thể bệnh viện Thị xã Thuận An để mang 9 thi thể về với đất mẹ của họ, tận vùng đất Hà Tĩnh xa xôi, Quách có nói lại với nhiều người đến vĩnh biệt bằng một giọng tiếng Việt lơ lớ: “chuyến này Quách về quê cũng có đại gia đình! Nhưng chỉ toàn là nước mắt. Đau đớn quá!”

Đối với Quách, có lẽ hành trình về quê vợ trong lần này xa xôi, ngập tràn nước mặt và nỗi đau xé lòng dọc Nam ra Bắc. Còn những người ở lại, nhìn theo dòng xe nối đuôi nhau lăn bánh, mà chỉ biết lặng lẽ, ôm nhau khóc.

Đó là nước mắt của nỗi đau và của một cuộc chia ly mãi mãi.

Chia sẻ