Người dân "xóm đường tàu" xin được kinh doanh trở lại, Bộ GTVT nói "không"
Các hộ dân tại "xóm đường tàu" cam kết không xâm phạm hành lang đường sắt và đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn như lắp loa cảnh báo, camera để tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, để đảm bảo an toàn giao thông nên Bộ sẽ kiên quyết xóa bỏ tụ điểm trên.
Mới đây, người dân ở "xóm đường tàu" Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã có đơn thư gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT và chính quyền địa phương, nêu ra những khó khăn về mưu sinh kể từ khi xóm cà phê đường tàu bị dẹp bỏ. Những hộ dân sinh sống tại đây mong muốn được kinh doanh trở lại kèm với đó là những đề xuất, giải pháp để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như an ninh đường sắt.
Ngày 18/10, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về vấn đề này, đại diện bộ GTVT cho biết sẽ kiên quyết xử lý, xóa bỏ "phố cà phê đường tàu" này.
"Bộ GTVT luôn nhất quán với quan điểm xóa bỏ tụ điểm cà phê vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Việc xử lý các trường hợp vi phạm này thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội", vị đại diện bộ GTVT khẳng định.
Cũng trong ngày 18/10, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: "Tôi cho rằng đề xuất của các hộ dân muốn được kinh doanh trở lại tại "phố cà phê đường tàu" là thiếu khả thi. Bởi lẽ, việc kinh doanh này không chỉ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông tại khu vực từ đường Trần Phú đến đoạn Phùng Hưng (Hà Nội) mà còn có thể gây ra hệ lụy xấu đối với nhiều địa phương khác có đường sắt chạy qua. Chính vì thế, chúng ta cần phải ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng này ngay từ bây giờ".
Ông Thái nhấn mạnh: "Tại Nghị định số 56/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, hành lang an toàn đường sắt đã nêu rõ quy định về chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt. Do đó, loại hình kinh doanh này có tiềm năng đến mấy thì cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật".
Đại diện cư dân cho biết, từ khi hình ảnh xóm này được đưa lên tạp chí National Geographic về một nét đẹp độc đáo và cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội, khách nước ngoài kéo đến đông và cuộc sống của những người dân ở đây có sự thay đổi tích cực.
Từ những công việc như đạp xích lô, chở hàng... người dân dần chuyển qua việc bán nước, bán đồ giải khát cho khách du lịch. Từ đó, vệ sinh khu phố sạch sẽ hơn, dân trí được nâng cao.
Kiến nghị của các hộ dân ở đây nêu rõ: "Người dân khu vực phố đường tàu tha thiết mong cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp giúp người dân chúng tôi có đời sống ổn định, có cơ hội cải thiện thu nhập, vừa an sinh vừa tạo được điểm nhấn cho du lịch Hà Nội và Việt Nam. Làm sao để khu phố trở thành điểm đến an toàn, thú vị, hấp dẫn chứ không phải là nơi hiểm họa hay nguy cơ tiềm ẩn,...".
Các hộ kinh doanh cũng cam kết sẽ tuân thủ hoạt động trong phạm vi an toàn tối thiểu cách 1,5m tính từ đường ray và chỉ hoạt động trong phạm vi nhà. Đồng thời, lắm đặt Camera giám sát để giám sát người dân trong hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, các hộ dân sẽ lắp đặt các biển cảnh báo song ngữ để du khách ra khỏi phạm vi an toàn, đồng thời lắp loa phát cảnh báo khi tàu đến. Khi tàu chạy qua, du khách được đảm bảo ở trong khu vực kẻ vạch sơn an toàn, có barie bằng inox chặn trước mỗi cửa hàng và nhà dân. Khu vực đường ngang sẽ có barie cứng.
Trước đó, sau đề nghị của Bộ GTVT về việc giải tán các điểm chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội ký văn bản gửi cục Đường sắt Việt Nam, sở GTVT Hà Nội, Công an TP.Hà Nội và UBND một số quận, huyện về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, bàn giao để phối hợp quản lý các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn.
Đến sáng 10/10, tổ công tác liên ngành gồm công an quận Hoàn Kiếm, công an các phường có đường tàu chạy qua, CSGT đường sắt tiến hành dẹp bỏ "phố cà phê đường tàu" do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.