Người dân TP Thủ Đức có thể đặt hàng "đi chợ hộ" trên Grab từ chiều 28-8
Một số công ty công nghệ vừa đề xuất tham gia chia sẻ hạ tầng, nguồn lực miễn phí hỗ trợ lực lượng cung ứng hàng hóa thiết yếu của TP HCM
Ngày 28-8, Công ty CP Be Group đã gửi công văn đến Sở Công Thương TP HCM đề xuất sở cho phép Be Group triển khai thực hiện việc "đi chợ hộ" cho người dân trên địa bàn TP HCM thông qua ứng dụng Be nhằm tạo điều kiện cho người dân được đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo Be Group, công ty này đang vận hành một đội ngũ hơn 3.000 tài xế xe 2 bánh đã được tiêm vắc-xin mũi 1, bảo đảm đủ sức khỏe và điều kiện hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, tính năng "đi chợ hộ" đã được triển khai trên ứng dụng Be hơn 1 năm nay, mang lại sự quen thuộc, dễ thao tác cho khách hàng.
Hãng này cũng đề xuất phương án "đi chợ hộ". Theo đó, người dân sẽ tải ứng dụng công nghệ về điện thoại thông minh và tạo tài khoản người dùng; sau đó vào danh mục Đi chợ trên ứng dụng, nhập địa chỉ cư trú là địa chỉ cần giao hàng, lựa chọn tên đơn vị cung ứng, các mặt hàng và số lượng cần mua.
Người dùng sẽ chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng hàng hóa theo danh sách do UBND quy định trước và đã có ký kết hợp đồng với ứng dụng công nghệ để bảo đảm bình ổn giá cho người dân.
Lực lượng quân đội tại nhiều quận, huyện tại TP HCM đang thực hiện đi chợ hộ người dân
Hàng hóa sẽ được sắp xếp theo dạng theo gói combo (ví dụ combo thực phẩm và hàng thiết yếu). Khi người dùng đặt hàng trên ứng dụng, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ chuẩn bị hàng hóa theo chủng loại, số lượng được đặt và giao ngay tới tài xế để giao tới tận tay người dân.
"Để bảo đảm việc cung cấp đủ nhu yếu phẩm, mỗi tài khoản người dùng chỉ được đặt hàng 1 ngày lần trong khung giờ từ 6 - 17 giờ. Đơn vị cung cấp ứng dụng có thể thay đổi số lẫn đặt hàng của mỗi người dùng dựa trên năng lực cung cấp và nhu cầu thực tế của người dùng" - Be Group thông tin rõ.
Theo doanh nghiệp này, mô hình trên bảo đảm bảo được các yếu tố: ghi nhận nhanh chóng yêu cầu của người dân; thanh toán trực tuyến không tiền mặt 100% bảo đảm không tiếp xúc; tài xế chỉ di chuyển trong nội quân, mọi rủi ro về vận hành đều có giải pháp giải quyết, mọi thắc mắc của người dân đều được ghi nhận và hỗ trợ qua tổng đài; tận dụng được lực lượng tài xế...
Trước Be, Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) cũng đã đề xuất với các cơ quan chức năng TP, cho biết sẵn sàng cung cấp miễn phí hạ tầng, lực lượng đi chợ thay bằng cách tạo tài khoản Người đi chợ thay theo mỗi tổ công tác đặc biệt của phường/xã.
Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, cán bộ đi chợ thay sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng, rồi giao cho người đặt theo đúng địa chỉ trên ứng dụng.
Người dùng chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng hàng hóa trong khu vực sinh sống của mình và được khuyến khích chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng để giảm thiểu tiếp xúc vật lý.
Grab cho biết sẽ ưu tiên tạo tài khoản, kích hoạt đặt hàng và miễn toàn bộ chi phí sử dụng ứng dụng đối với các đơn vị cung ứng hàng hóa và người dùng.
Trước đề xuất của Grab, chiều 27-8, Sở Công Thương TP HCM đã làm việc với các quận, huyện, TP Thủ Đức và các doanh nghiệp phân phối để phổ biến. Một số địa phương và quận huyện đã rất quan tâm và liên hệ triển khai.
Theo đó, TP Thủ Đức quyết định sẽ bắt đầu phối hợp với Grab đi chợ hộ người dân trên địa bàn từ 17 giờ chiều 28-8.
Tiki đề xuất bán sách giao khoa cho người dân
Liên quan đến hoạt động cung ứng sách giáo khoa và văn phòng phẩm phục vụ cho nhu cầu học tập của các em học sinh trong năm học mới, Công ty CP Ti Ki kiến nghị Sở Công Thương TP HCM cho phép nhân viên Công ty TNHH Tikinow Snart Logistics – là đơn vị vận chuyển hàng hóa của Ti Ki được phép hoạt động vận chuyển sách giáo khoa và văn phòng phẩm cho người dân TP HCM.
TiKi cam kết tuân thủ các quy định và nguyên tắc phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, miễn phí vận chuyển trong địa bàn TP và bán hàng bình ổn giữ để chung sức cùng người dân vượt qua đại dịch.