Người đàn ông nuôi 12 đứa trẻ mồ côi trên đỉnh núi

,
Chia sẻ

Có một người đàn ông trên 40 tuổi ở An Hảo, An Giang đang nuôi nấng 12 đứa trẻ giữa rừng núi hoang vu.

 

.

Nếu có dịp ghé qua ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, trên chót vót núi cao (Thất Sơn, An Giang), đều được nghe nói về một người đàn ông trên 40 tuổi và một mẹ già 70 tuổi, đang nuôi dưỡng 12 đứa trẻ mồ côi ngay giữa vùng rừng núi hoang vu hiểm trở.

Ngôi nhà của anh Út Bông nằm ở đỉnh Núi Cấm, từ lòng hồ nước ngọt Thuỷ Liêm (ở độ cao trên 600 mét so với mặt nước biển) theo đường mòn núi chừng 3 cây số nữa mới tới.

Vừa bước vào nhà anh, ùa ra một đàn con nít. Đứa lớn nhất cỡ 5-6 tuổi, đứa nhỏ nhất còn nằm ngửa. Thấy có người lạ đến nhà, một bé trai chừng 6 tuổi liền bước ra khoanh tay, thưa: “Con chào chú!”. Lúc đó, từ ngoài vườn nhà cặp sườn núi, một người đàn ông trên 40 tuổi với thân hình gầy gò, trên tay bưng một mớ rau rừng, buồng chuối, bước vào nhà.

Anh Út Bông năm nay 42 tuổi, chưa lập gia đình nhưng nuôi tới 12 “đứa con”. Anh phải làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi những đứa trẻ đang trong độ tuổi thay tã - uống sữa. Anh Bông cho biết: “Má tui đang bị bệnh nằm ở bệnh viện dưới Cần Thơ. Cho nên, một mình tui ở nhà chăm nom trên chục đứa muốn bở hơi luôn”. Anh bảo, má anh - bà Võ Thị Ba - đã 70 tuổi rồi nhưng cưng con nít lắm. “Má ẵm mấy đứa này về săn sóc, còn tui thì lo chuyện mưu sinh ngoài rẫy, kiếm tiền mua sữa mua đồ ăn nuôi tụi nó”.

Câu chuyện bắt đầu từ 5, 6 năm trước. Một lần nọ, anh Bông và bà Ba đi nuôi một người thân đến sinh con ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. Anh chứng kiến một hoàn cảnh thật đau lòng: Một phụ nữ trẻ tuổi sắp sinh con, tay ôm bụng kêu đau trên ghế, nhưng không người thân, không một đồng xu trong túi. Anh và bà Ba thấy thương mới tìm hiểu và cuối cùng hai má con lo luôn miếng ăn nơi nghỉ, chuẩn bị thuốc thang, khăn gói, viện phí cho sản phụ này. Đứa trẻ ra đời, người mẹ trẻ van xin: “Bà và anh nhận nuôi nó giúp con, con đội ơn bà, con không chồng, không nhà cửa... khổ lắm bà ơi!”. Thế là anh Bông và bà Ba nhận đứa trẻ này về nuôi.

“Ban đầu má tui nuôi một đứa thôi. Thỉnh thoảng vài tháng, tui đi rẫy về thấy bà ẵm thêm một đứa, rồi ít lâu sau bà mang về thêm một đứa và một đứa nữa... Hiện tại đã 12 đứa rồi (11 trai, 1 gái) “- anh Bông nói.

Tình thương ở giữa núi rừng

Anh Bông chỉ ra từng “đứa con”: thằng Ngọc, thằng Thanh, thằng Hải, thằng Hương... và cho biết mỗi đứa chào đời trong hoàn cảnh khác nhau; mẹ chúng bị gạt tình, hoặc cha mẹ nghèo đói bỏ con... Má con anh đã đem những đứa trẻ bất hạnh này về nuôi nấng, dạy bảo như chính con cháu ruột của mình.

Có lẽ chính tình thương yêu cao cả ấy mà tất cả mấy đứa trẻ đều gọi anh Bông bằng cha, gọi bà Ba bằng bà nội. Anh đặt tên cho tụi nhỏ có chữ lót đều mang chữ “Sơn” (nghĩa là núi) và đều mang họ của anh là họ Nguyễn. Anh Bông cho biết: “Mấy đứa trẻ này đều bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc lọt lòng và èo ọt lắm. Có đứa tưởng đâu chết rồi...”. Nhưng nhờ anh Bông bà Ba săn sóc bằng cả tấm lòng nên đứa nào đứa nấy đều kháu khỉnh.

Khó khăn nhất là lúc trái gió trở trời. Do cùng trang lứa tuổi mầm, tuổi lá nên một đứa bệnh là cả đám bệnh theo, từ khò khè, khịt mũi cho đến nóng sốt ho hen... Mỗi lần như vậy, anh Út Bông phải nghỉ đi rẫy, xuống Trạm Y tế xã An Hảo ở dưới chân núi, xin toa thuốc và đạp xe ra chợ thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn) cách đó mười mấy cây số để mua về cả bọc thuốc cho bọn nhỏ uống. Cứ vài ba ngày là anh xuống núi mua sữa hộp, thức ăn và tã dán cho bọn trẻ. Gia đình anh Bông cũng như hơn 500 hộ dân trên Núi Cấm chủ yếu sống nhờ rẫy; trên 80% có hoàn cảnh khó khăn. Tới mùa trái cây là bán mít, xoài hay bán rau kiếm vài đồng nuôi thân, nói gì đến là nuôi nhiều miệng ăn. Vậy mà, má con anh Út Bông vẫn dành dụm tất cả tiền bạc để nuôi mười mấy đứa trẻ mồ côi.

Ban ngày, bé nào biết đi thì đùa giỡn vòng vòng nhà. Bé mới biết bò thì ngồi trong nôi (do anh Bông đóng). Đứa biết chạy, biết nói rành thì anh Bông cho tập vẽ, tập đồ chữ trong mấy quyển tập vẽ lớp một mà anh mua ở nhà sách mang về. Anh bảo, “dù khó khăn cỡ nào chúng tôi cũng ráng cho tụi nhỏ đi học đàng hoàng. Chờ cho đường núi làm đến đây xong là tui sẽ đưa tụi nó đi học mẫu giáo”. Tối đến, 12 đứa nhỏ yên giấc trong cái mùng lớn dài khoảng 5 mét. Bà Ba và anh Bông cứ thay phiên thăm chừng, coi có đứa nào lọt ra ngoài mùng bị muỗi cắn, đứa nào ho, nóng sốt hay không...

Ngày nắng cũng như mưa, trước sân nhà anh là bầy trẻ đang độ tuổi mẫu giáo, tranh nhau gọi ba về nghe lảnh lót, ngân vọng vách núi làm khung cảnh ấm áp lên, xua đi nỗi lạnh lẽo của núi rừng.

(Theo Thế Giới Mới/VNEXPRESS)

Chia sẻ