Người đàn ông nhiễm liên cầu khuẩn nguy kịch sau mổ lợn chết

D. Thu,
Chia sẻ

Nhà hàng xóm có lợn ốm, chết, người đàn ông ở Bắc Giang đã tham gia mổ lợn. Sau đó, ông bất ngờ bị sốt và rối loạn ý thức nặng, hôn mê do nhiễm liên cầu khuẩn.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết tại đây đang điều trị cho một nam bệnh nhân ở tỉnh Bắc Giang vào cấp cứu, nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Người đàn ông này có tiền sử khỏe mạnh nhưng có lạm dụng rượu.

Gần 1 tuần trước khi nhập viện, nhà hàng xóm có lợn ốm, chết, ông tham gia mổ lợn để lấy thịt cho cá ăn. Hai ngày sau đó ông bất ngờ bị sốt và rối loạn ý thức nặng, được đưa tới cơ sở y tế gần nhà cấp cứu.

Người đàn ông nhiễm liên cầu khuẩn nguy kịch sau mổ lợn chết - Ảnh 1.

Một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn được điều trị tại cơ sở y tế. Ảnh: Ngọc Dương

Do tình trạng quá nặng, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại đây, ông vẫn sốt cao, rối loạn ý thức, rơi vào hôn mê, có xuất huyết tại tay và chân. Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy.

Sau 4 ngày điều trị tích cực ông được rút ống nội khí quản, tỉnh táo nhưng ý thức chưa trở lại bình thường. Theo bác sĩ điều trị, nếu sức khỏe tiến triển tốt khoảng 10 ngày nữa ông mới có thể xuất viện.

Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua… Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy gần 70% bệnh nhân liên cầu khuẩn lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.... Bệnh có diễn biến nhanh và nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị tốn hàng trăm triệu đồng mỗi ca nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể qua khỏi hoặc qua khỏi nhưng gặp biến chứng nặng nề.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến nhanh chóng, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng.

Người đàn ông nhiễm liên cầu khuẩn nguy kịch sau mổ lợn chết - Ảnh 2.

Biểu hiện của một bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn bao gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp bị nặng ngay từ ban đầu.

Thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn trên người là từ vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn.

Mắc liên cầu lợn, bệnh nhân có thể gặp biểu hiện, bệnh cảnh viêm màng não như: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.

Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá: Sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.

Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

Bệnh gây tử vong nếu điều trị muộn với tỉ lệ tử vong khoảng 7%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỉ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% (thông thường là điếc không hồi phục).

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Vì thế, để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay, nên đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống; rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.
Chia sẻ