Người đàn ông nhặt được gần 800 triệu đồng liền đem trả lại cho người mất, vài ngày sau bỗng bị tòa án gửi giấy triệu tập
Người đàn ông Trung Quốc bỗng vướng vào rắc rối khi “nhặt được của rơi, trả người đánh mất”.
Rắc rối từ khoản tiền “trên trời rơi xuống”
Vào tháng 6 năm 2022, anh Lý ở Chiết Giang, Trung Quốc đang đi trên đường thì nhặt được một túi tiền chứa tổng cộng 220.000 NDT (khoảng 774 triệu đồng) tiền mặt bên đường. Trước vận may bất ngờ, người đàn ông này không chút do dự mà chọn báo sự việc cho cảnh sát.
Bằng cách kiểm tra camera xung quanh khu vực đó, cảnh sát đã thành công tìm ra chủ nhân của số tiền nói trên. Đó là một tiểu thương đang điều hành một cơ sở kinh doanh nhỏ gần đó. Nhận được tin, người này lập tức đến đồn cảnh sát để nhận lại số tiền, đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành đến người nhặt được của rơi.
Không những vậy, vì cảm kích trước hành động của anh Lý, tiểu thương này còn đề nghị hậu tạ cho anh một số tiền nhưng anh đã lịch sự từ chối. Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ kết thúc êm đẹp ở đó, thế nhưng tất cả chỉ mới là khởi đầu cho chuỗi ngày kiện tụng ở tòa sau này của 2 bên.
Theo Toutiao, 1 ngày sau cuộc gặp ở đồn cảnh sát, chủ nhân của số tiền 774 triệu đồng bất ngờ tìm đến tận nhà anh Lý. Nói về sự xuất hiện đường đột của mình, người này cho biết số tiền anh làm rơi hôm qua bị thiếu khoảng 500 NDT (hơn 1,7 triệu đồng) và yêu cầu anh Lý hoàn trả.
Ngạc nhiên vì bị đòi số tiền “trên trời rơi xuống”, anh Lý khăng khăng bản thân chỉ nhặt được đúng số tiền đã trả. Tuy nhiên, đối phương không tin lời của anh nên sau đó đã kiện anh ra tòa. Ngay sau đó, giấy triệu tập của tòa án được gửi tới nhà anh Lý. Cả hai đã có màn tranh cãi gay gắt trước tòa để chứng minh mình đúng.
Ai đúng, ai sai ?
Theo Điều 314 Bộ luật dân sự Trung Quốc, người tìm thấy tài sản bị mất phải trả lại cho người bị mất hoặc giao nộp cho cơ quan chức năng liên quan. Trong trường hợp này, khi nhặt được số tiền mà tiểu thương đánh rơi, anh Lý đã lập tức gọi điện và giao số tiền lại cho cảnh sát. Điều này cho thấy anh Lý hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật.
Cũng theo Điều 67 Luật Tố tụng Dân sự Trung Quốc, trong trường hợp trên, nếu chủ nhân số tiền cho rằng mình bị mất 500 NDT và muốn bị cáo là anh Lý bồi thường thì người này phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh đối phương đã gây thiệt hại cho tài sản của mình.
Tuy nhiên trước tòa, phía nguyên đơn là tiểu thương kia chỉ cung cấp video trích xuất từ camera chứng minh việc anh ta rút tiền từ ngân hàng để chứng minh mình là chủ nhân của số tiền bị mất. Điều đó có nghĩa là người này không có đủ bằng chứng để chứng minh số tiền anh Lý nhặt được là bao nhiêu cũng như không chứng minh được anh Lý chính là “thủ phạm” đã làm thất thoát 500 NDT của mình. Vì vậy, tòa án đã ra phán quyết bác bỏ yêu cầu khởi kiện của tiểu thương này.
Câu chuyện này sau khi được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của dư luận Trung Quốc, đồng thời cũng gây ra những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, số đông đều cho rằng trong vụ việc này không thể biết được cả 2 bên có thật sự thành thật hay không, thế nhưng khi làm việc tốt lại bị kiện ngược lại thì cũng khó để người khác tiếp tục hành động đúng đắn, tử tế. Sau vụ việc này, nhiều người có thể e sợ “làm ơn mắc oán”.
(Theo Toutiao)