Người đàn ông hoại tử tay, suýt phải cắt cụt chỉ vì mắc 1 sai lầm tai hại khi ăn tôm
Một người đàn ông ở Trung Quốc đã bị hoại tử ở ngón tay sau khi ăn tôm hùm đất cùng bạn bè.
Hoại tử ở ngón tay sau khi ăn tôm
Mới đây, Khoa Chỉnh hình Bệnh viện 3 thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhân bị hoại tử ở ngón tay.
Người đàn ông họ Tạ chia sẻ ông rất thích ăn tôm hùm đất. Khoảng 3 ngày trước, anh Tạ đi ăn khuya với bạn bè. Tuy nhiên trong lúc dùng bữa anh Tạ vô tình bị vỏ tôm hùm đất đâm vào ngón giữa của tay trái và khiến ngón tay này bị thương chảy máu. Anh Tạ không quá bận tâm về vết thương, chỉ lấy khăn giấy thấm máu rồi lại tiếp tục bữa ăn mà không vệ sinh hay băng bó vết thương.
Tôm hùm đất hay còn gọi là tôm hùm đỏ, có tên tiếng Anh là Crawfish, Crayfish,... Tôm hùm đất là động vật ăn tạp, phần lớn sống ở khu vực nước ngọt, thường được tìm thấy ở trong khe suối. Tôm hùm đất có thể mang một số mầm bệnh như virus, ký sinh trùng có hại.
Đến ngày hôm sau, ngón tay bị thương bắt đầu xuất hiện tình trạng đỏ tấy và gây đau đớn. Lúc này anh Tạ mới đến phòng khám tư nhân ở trước nhà để vệ sinh vết thương và bôi thuốc chống nhiễm trùng. Tuy nhiên, tình trạng sưng tấy đau đớn ở ngón tay không thuyên giảm, thậm chí vết thương ở đầu ngón tay giữa bắt đầu chuyển sang màu đen.
Anh Tạ ngay lập tức đến Bệnh viện số 3 để thăm khám. Kết quả chẩn đoán cho thấy anh Tạ bị nhiễm trùng ở ngón giữa tay trái trái, ngón tay bị hoại tử da và mô mềm. Bác sĩ cho biết nếu không được điều trị kịp thời anh Tạ có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng huyết; viêm tủy xương hoặc thậm chí phải cắt cụt ngón tay. Anh Tạ sau đó đã được chỉ định nhập viện để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Lưu Phong, Phó trưởng Khoa chỉnh hình, Bệnh viện số 3 quyết định cắt bỏ phần hoại tử và cấy ghép da cho bệnh nhân để phục hồi chức năng của ngón tay.
Sau khi điều trị tình trạng nhiễm trùng ở ngón giữa của anh Tạ đã thuyên giảm, các chỉ số ổn định, vạt da được cấy ghép ở phần hoại tử có sức sống tốt.
Bác sĩ Lưu Phong lưu ý: “Vỏ tôm hùm đất rất cứng và có các cạnh sắc. Do đó nếu bóc vỏ không đúng cách hoặc dùng lực quá mạnh, vỏ tôm hùm đất có thể đâm vào ngón tay và khiến tay bị thương. Sai lầm của anh Tạ là không vệ sinh và băng bó vết thương ngay sau khi bị vỏ tôm hùm đất đâm chảy máu. Điều này đã tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng, hoại tử ở ngón tay".
Bác sĩ Lưu Phong cho biết để đảm bảo an toàn, khi bóc vỏ tôm hùm đất hoặc các loại hải sản có vỏ như cua ghẹ, mọi người nên đeo găng tay khi ăn giảm tiếp xúc trực tiếp giữa ngón tay và vỏ của các loại thủy hải sản kể trên. Ngoài ra, mọi người cũng nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để bóc vỏ tôm, cua, ghẹ để giảm nguy cơ tay bị thương.
Cuối cùng, bác sĩ Lưu Phong khuyến cáo nếu tay bị thương trong quá trình ăn các loại động vật giáp xác mọi người cần ngay lập tức rửa vết thương dưới vòi nước sạch, tiến hành khử trùng và băng bó vết thương. Khi vết thương xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng như đỏ, sưng, đau,... mọi người nên đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng hơn.