Người đàn ông đam mê “thổi hồn” vào những phiến đá và hành trình thiện nguyện đầy ý nghĩa
Mỗi lần bán được một sản phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ do mình sáng tạo ra, anh Hiếu lại dành ra một khoản nhỏ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn hơn mình.
Thổi hồn vào những phiến đá
Tôi tình cờ gặp anh Trương Ngọc Hiếu (41 tuổi) - chủ cơ sở đá mỹ nghệ Hiếu Ngọc- nằm bên quốc lộ 1A thuộc khối Bắc Mỹ, phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) khi anh đang miệt mài với tác phẩm sắp hoàn thành của mình. Giữa trưa nắng nóng, mặc cho mồ hôi ướt đẫm cả vạt áo, bụi phủ đầy người, anh vẫn đều tay mài duỗi tỉ mỉ từng chi tiết trên đài phun nước được làm bằng đá điêu khắc với tổng cộng 19 con cá heo.
Vừa làm việc, anh Hiếu vừa phấn khởi giới thiệu "đài phun nước cá heo được tạo ra từ một phiến đá màu trắng được tôi mua và vận chuyển từ Yên Bái về. Sản phẩm này được tôi tự thiết kế và hoàn thành trong vòng một tháng. Hàng trăm mặt hàng lớn nhỏ được trưng bày nơi đây đều do tôi tự sáng tạo ra chứ không dựa vào một khuôn mẫu hay thiết kế nào. Chúng đều là tâm hồn của tôi".
Phía trước cơ sở được trưng bày hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ, từ các bức tượng phật, đài phun nước, linh vật, cá chép hóa rồng, đài phun nước cửu long đến các mặt hàng tâm linh theo phong tục tập quán của người Việt… Giá cả của mỗi mặt hàng cũng khác nhau, từ tiền triệu đến hàng chục triệu đồng/sản phẩm. Phía sau cơ sở là nơi làm việc của 5 người thợ, học viên, người sơ chế, cắt, xẻ, người mài, dũa...
Dưới bàn tay tài hoa của người thợ trẻ, các khối đá vô tri, vô giác đã được "thổi hồn" thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao.
Anh Hiếu cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở làng nghề đá mỹ nghệ non nước truyền thống tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Vốn là con nhà nòi, lớn lên, muốn theo nghề nên anh xin vào làm thuê cho một cơ sở gần nhà rồi tự mày mò, học hỏi. Sau nhiều năm học hỏi, thành quả của anh là những sản phẩm đẹp mắt, được nhiều người biết đến, khen ngợi. Vững tay nghề, anh tự đứng ra mở xưởng làm riêng.
"4 năm trước, tôi quyết định mang nghề về quê vợ ở Nghệ An lập nghiệp, hi vọng tìm ra bước đột phá mới. Mới đầu rất khó khăn khi vốn đầu tư thì nhiều, mặt bằng không có, khách hàng chưa quen. Tài sản bấy lâu vợ chồng tích góp được 400 triệu đồng, tôi nhờ người thân bên vợ vay mượn ngân hàng, nặng lãi với tổng cộng hơn 1 tỷ đồng làm vốn lập nghiệp.
Phải mất 2 năm với rất nhiều khó khăn, thử thách, cơ sở của tôi mới dần dần ổn định. Khách hàng gần xa bắt đầu biết đến, những hợp đồng lớn nhỏ đổ về", anh Hiếu chia sẻ.
Vợ chồng anh Hiếu đã vượt qua khó khăn sau 4 năm lập nghiệp ở quê vợ, từng bước phát triển.
Bằng sự nỗ lực, kiên trì và cố gắng không biết mệt mỏi, cơ sở của anh đã bước đầu vượt qua khó khăn. Ngoài việc phát triển thị trường, anh Hiếu còn tìm cách học hỏi, sáng tạo nhằm đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu từng khách hàng.
Chỉ từ những tảng đá thô sơ, bằng ý tưởng sáng tạo, bàn tay tài hoa, điêu luyện cộng thêm sự cần cù, tỉ mỉ trong từng chi tiết, anh đã nhập thân và chạm khắc bằng cả lòng say mê, tâm huyết của mình tạo ra những công trình nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, được khách hàng yêu chuộng.
Tổng doanh thu hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở của anh Hiếu còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động, đào tạo nghề cho nhiều học viên tại địa phương.
Sẻ chia yêu thương
Anh Hiếu không chỉ là một thợ điêu khắc đá mỹ nghệ tài năng mà còn có một tấm lòng nhân ái, luôn đồng cảm, sẻ chia và âm thầm giúp đỡ các hoàn cảnh kém may mắn, bất hạnh xung quanh mình. Mỗi lần bán được một sản phẩm, dù nhỏ hay lớn, anh Hiếu đều dành một khoản nhỏ, cất riêng để làm từ thiện.
"Tôi đi nhiều và cũng từng chứng kiến nhiều cảnh đời còn bất hạnh, khó khăn hơn mình. Tôi từng suy nghĩ sau này nếu bớt khó khăn sẽ làm một việc gì đó giúp đỡ họ. Cũng vì vậy mà mỗi lần bán được một sản phẩm do mình sáng tạo ra, tôi thường dành riêng một khoản nhỏ, đợi khi có một trường hợp nào khó khăn xung quanh mình hoặc được kêu gọi trên mạng xã hội thì âm thầm giúp đỡ. Của ít lòng nhiều nhưng giúp tôi cảm thấy vui hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn và những sản phẩm tôi tạo ra giá trị hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực của nó", anh Hiếu tâm sự.
Dù bận rộn với công việc, nuôi 2 con nhỏ nhưng thi thoảng anh Hiếu cũng dành thời gian thăm hỏi, tặng quà, ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo xung quanh mình.
Ngoài ra, anh Hiếu còn tạo điều kiện cho chị Lê Thị Ngọc (35 tuổi, vợ anh Hiếu) tham gia vào các chuyến thiện nguyện ở các vùng sâu vùng xa, tặng quà cho bà con dân tộc thiểu số, cưu mang, chăm sóc thai nhi xấu số tại nghĩa trang thai nhi…
Chia tay cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của anh Hiếu, ngước nhìn lại vẫn thấy người đàn ông cao to, da rám nắng, bụi bám đầy người miệt mài với công việc hàng ngày của mình.
"Cứ mỗi lần bán được sản phẩm, chia sẻ chút tấm lòng cho những người kém may mắn hơn mình, tôi thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn rất nhiều. Tôi càng yêu nghề hơn và có thêm động lực để gắn bó, phát triển đam mê của mình.
Với tôi, cho đi là còn mãi", anh chia sẻ.