Người đàn ông cặm cụi đào đất làm hầm chứa khoai tây theo lời vợ, nào ngờ 23 năm sau thành kiệt tác "độc nhất vô nhị" trên thế giới
Ban đầu nó chỉ là một hầm chứa khoai tây, nhưng sau 23 năm miệt mài đào bới, người đàn ông ấy đã làm nên một công trình hoàng tráng dưới lòng đất khiến nhiều người chỉ còn biết ngả mũ bái phục.
Vào năm 1985, khi đó ông Levon Arakelyan đã bước sang tuổi 44, vợ ông yêu cầu ông đào một cái kho chứa khoai tây dưới nền nhà của họ ở ngôi làng Arinj, trong vùng Kotayk của Armenia. Ông Levon chiều theo ý vợ nên sẵn sàng đào một cái hầm để chứa khoai tây sau mỗi vụ thu hoạch.
Điều đáng nói là sau khi đã hoàn thành xong yêu cầu của bà Tosya, ông Levon lại không thể "dừng cán xẻng đào đất của mình". Ông vẫn muốn tiếp tục đào bới đất với mong muốn làm một "dinh thự" độc đáo dưới lòng đất. Vậy là trong suốt 23 năm sau đó, ông miệt mài đào bới, cuốc đất mở rộng cái hầm bé xíu, để rồi khi mọi thứ đã xong xuôi, người ta phải thốt lên kinh ngạc khi bước xuống công trình dưới đất của ông Levon.
Ban đầu chỉ là 1 hầm chứa khoai tây nhưng ông Levon đã biến nó thành một kiệt tác độc nhất vô nhị trên thế giới.
Theo odditycentral, trong suốt 23 năm dài ròng rã, ngày nào ông Levon cũng làm việc cật lực 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Lúc đầu, công việc tiến triển rất chậm nhưng khi ông Levon đào qua lớp đá bazan màu đen rắn chắc, cách mặt đất vài mét, đến lớp đất mềm thì công việc của ông cũng bắt đầu dễ dàng hơn rất nhiều.
Công trình đồ sộ dưới lòng đất của ông Levon có diện tích tổng cộng 280 mét vuông, sâu tới 20 mét dưới lòng đất, bao gồm 7 phòng nối liền với nhau bởi một mạng lưới hành lang và cầu thang được chạm khắc đá vô cùng tỉ mỉ, cẩn thận. Các bức tường được trang trí bằng nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, tranh ghép, thậm chí là cả một bàn thờ nhỏ. Lần đầu tiên nhìn thấy công trình này, gần như không ai tin ông Levon đã làm tất cả mọi thứ bằng tay, với các công cụ thô sơ là búa và đục mà không cần đến bất kỳ sự hỗ trợ nào của các máy móc hiện đại.
Công trình đồ sộ dưới lòng đất của ông Levon có diện tích tổng cộng 280 mét vuông, sâu tới 20 mét dưới lòng đất.
Vợ của ông Levon, bà Tosya Garibyan, cho biết: "Chồng tôi chỉ ngủ 3 đến 4 giờ mỗi đêm và ông ấy đã thực sự đặt cả trái tim lẫn tâm hồn mình vào đó. Nếu không thì ông ấy đã không thể hoàn thành được tác phẩm đồ sộ như thế này".
Trong suốt 23 năm cặm cụi đào đất rồi lại xúc đất, ông Levon đã đưa ra khoảng 450 xe tải đất đá và tất cả đều được ông đưa ra chỉ bằng một chiếc thùng kim loại. Số đất đá đó đã được đưa chở đến một công ty xây dựng của địa phương.
Cho tới ngày qua đời vào năm 2008 ở tuổi 67, ông Levon vẫn không chịu ngừng làm công việc đào bới đất đó. Ông qua đời vì một cơn đau tim nhưng bà Tosya vẫn cho rằng chính công việc nặng nhọc, thiếu thời gian nghỉ ngơi là nguyên nhân khiến ông Levon suy kiệt sức lực.
Ai cũng bị choáng ngợp khi bước vào căn hầm này.
"Ông ấy đã hủy hoại sức khỏe của chính mình vì cái hầm này", bà Tosya nói với phóng viên đài Liberty. Bà nói rằng giờ đây mỗi khi bước xuống căn hầm ấy bà lại cảm thấy buồn vì nhớ đến ông Levon. Nó như lời nhắc nhở bà rằng ông Levon đã không còn ở bên bà nữa, nhưng đồng thời, bà cũng cảm thấy tự hào về những gì ông đã làm được.
"Tôi cảm thấy tự hào về những gì ông ấy đã để lại cho tôi và cho các con cháu của chúng tôi. Đó là một món quà tuyệt vời", bà nói.
Bản đồ căn hầm mà ông Levon đã làm ra.
Giờ đây, công trình đồ sộ dưới lòng đất của ông Levon đã trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút rất nhiều khách du lịch. Tầng đầu tiên của công trình là nơi chứa tất cả những món đồ liên quan tới cuộc đời của ông Levon, bao gồm cả giày, búa, đục, thùng kim loại mà ông đã sử dụng trong suốt nhiều năm.
Ông Levon và bà Tosya có tới 4 người con gái và 12 người cháu nhưng bà Tosya cho biết không ai trong số các con của họ quan tâm tới việc tiếp nối giấc mơ của cha, mở rộng thêm căn hầm ấy.
Công trình dưới lòng đất của ông Levon Arakelyan khiến nhiều người nhớ đến những thành tựu hoành tráng khác như đường hầm dài 636m của William Henry 'Burro' Schmidt mà ông đã mất 32 năm đào bới dưới chân một ngọn núi, hoặc hang động được chạm khắc nghệ thuật của Ra Paulette và cả nhà thờ bên sườn núi là tác phẩm của Aba Defar.
(Nguồn: Oddity central)