Người đàn ông bị say nắng, say nóng, thân nhiệt đạt tới 43,5 độ C, tổn thương não, suýt nguy hiểm tính mạng

TÚ UYÊN,
Chia sẻ

Mặc dù bệnh nhân không phơi nắng ngoài công trình, nhưng do leo cầu thang nóng nực, cộng thêm không bổ sung đủ nước nên bị say nắng, say nóng.

Anh Thanh (40 tuổi) là công nhân sống tại Đài Loan. Vài ngày trước, khi công trình đang thi công, anh Thanh leo cầu thang từ tầng 1 lên tầng 5 để thu dọn phế liệu. Do leo cầu thang nóng nực, cộng thêm uống ít nước, anh Thanh đi đứng lảo đảo, ngất xỉu trên sàn nhà và được anh trai đưa vào khoa cấp cứu.

Bác sĩ Chu Bách Linh, bệnh viện Tri-Service General Hospital Nei-Hu Branch, cho biết: "Khi bệnh nhân đưa đến bệnh viện, nhiệt độ ngoài trời là 36 độ C, độ ẩm tương đối là 70%, nhiệt độ không khí theo cảm nhận (chỉ số nóng bức) là 47 độ C. Chẩn đoán sơ bộ cho thấy thân nhiệt của anh Thanh đạt tới 43,5 độ C, hôn mê cấp độ 3. Mặc dù bệnh nhân không phơi nắng ngoài công trình, nhưng do leo cầu thang nóng nực, cộng thêm không bổ sung đủ nước nên bị say nắng, say nóng".

Người đàn ông bị say nắng, say nóng, thân nhiệt đạt tới 43,5 độ C, tổn thương não, suýt nguy hiểm tính mạng - Ảnh 1.

Chẩn đoán sơ bộ cho thấy thân nhiệt của anh Thanh đạt tới 43,5 độ C, hôn mê cấp độ 3.

Sau khi tiến hành hạ nhiệt khẩn cấp, anh Thanh đã thoát khỏi "quỷ môn quan" trở về. Khi thân nhiệt từ 43,5 độ C giảm xuống 39,5 độ C, anh Thanh đã tỉnh lại nhưng không nhớ rõ sự việc trước khi ngất xỉu.

Người đàn ông bị say nắng, say nóng, thân nhiệt đạt tới 43,5 độ C, tổn thương não, suýt nguy hiểm tính mạng - Ảnh 2.

Khi thân nhiệt từ 43,5 độ C giảm xuống 39,5 độ C, anh Thanh đã tỉnh lại.

Bác sĩ Chu Bách Linh chia sẻ, bệnh nhân say nắng, say nóng hầu hết có biểu hiện mắc hội chứng tiêu cơ vân, nhưng trường hợp anh Thanh nghiêm trọng hơn là suy gan. Sau 4 ngày nhập viện, số lượng tiểu cầu từ 190.000 tế bào giảm xuống còn 20.000. Bác sĩ cứ ngỡ không cứu được, nhưng may mắn đến ngày thứ 5, tình trạng của bệnh nhân chuyển biến tốt.

Tuy nhiên, hiện tại não bộ của anh Thanh đang gặp tổn thương nghiêm trọng sau khi thân nhiệt tăng cao. Anh Thanh luyên thuyên cho rằng bản thân đang là sinh viên học trường Đại học Công giáo Phụ Nhân, có lúc bảo rằng bản thân là nhân viên kinh doanh. Do đó, anh Thanh đã được chuyển sang khoa nội thần kinh điều trị.

Bác sĩ Chu Bách Linh cảnh báo, những người thiếu ngủ, tiêu chảy, uống thuốc điều trị ra mồ hôi nhiều là nhà những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh say nắng, say nóng. Trong thời tiết nắng nóng, bạn nên bổ sung đủ nước, nếu đợi khát nước mới uống thì đã quá muộn.

Nguyên nhân gây say nắng, say nóng

Say nắng

Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.

Như vậy say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.

Say nóng

Là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể. 

Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...), hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)... sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.

Biểu hiện khi bị say nắng, say nóng

Một đặc điểm chung là cả say nóng và say nắng đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. Một yếu tố nguy cơ nữa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh...

Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.

Theo Ettoday

Chia sẻ