Người đàn ông bệnh tật gọi số khẩn yêu cầu xe cấp cứu, nhưng sau đó anh đã qua đời vì hành động này của nhân viên tiếp điện thoại
Một người đàn ông đã cố gắng gọi 999 để yêu cầu xe cấp cứu nhưng lại không nhận được sự giúp đỡ ngay mà thay vào đó là những quy định rườm rà khiến anh gục ngã và qua đời sau 17 tiếng.
Thi thể của người đàn ông tên Ronald Russell, 49 tuổi đến từ Cumbernauld, Bắc Lanarkshire, Scotland, được hàng xóm tìm thấy sau khi họ nghe tiếng chuông đồng hồ báo thức tại nhà Ronald. Gia đình Ronald đã bức xúc khi xem lại bản ghi chép cuộc gọi của anh với trung tâm cấp cứu 999 để yêu cầu xe, nhưng nhân viên cứ liên tục hỏi về số điện thoại, thậm chí còn hỏi đi hỏi lại về việc có phải anh muốn gọi xe cấp cứu hay không?
Ronald đã cố gọi 999 để yêu cầu xe cấp cứu nhưng anh đã qua đời vì quy định rườm rà của nhân viên. (Ảnh: Internet)
Gia đình Ronald cho biết, họ quyết định công bố bản ghi âm cuộc gọi này để gây áp lực với chính quyền trong việc thay đổi quy định của tổng đài khẩn cấp. Gia đình nói rằng, họ mong muốn câu đầu tiên mà nhân viên hỏi là thông tin địa chỉ của người gọi chứ không phải là số điện thoại. Bản ghi chép cuộc gọi cho thấy Ronald có thể cung cấp địa chỉ của mình trong những giây đầu tiên nhưng anh lại không thể nhớ số điện thoại của mình.
Bản ghi chép cuộc gọi mà gia đình Ronald công bố để gây áp lực với chính quyền. (Ảnh: Internet)
Chị gái của Ronald - Margo Cassidy, 52 tuổi nói: “Thật khủng khiếp khi nhìn thấy bản ghi chép này, tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều tưởng tượng rằng khi bạn gọi xe cấp cứu thì điều đầu tiên họ sẽ hỏi rằng: “Bạn đang ở đâu". Khi chúng tôi gặp dịch vụ xe cấp cứu Scotland, họ đã nói rằng cuộc gọi họ nhận được hoàn toàn im lặng, nhưng khi chúng tôi nghe lại bản ghi âm thì thấy em trai tôi đã có thể nói được thông tin cần thiết. Điều này khiến tôi vô cùng tức giận. Ronald đã chết vì bị thiếu oxy trong não. Bạn thử nghĩ xem, nếu như Ronald được hỏi đang ở đâu trong những giây đầu tiên của cuộc gọi thì sự việc đã không như thế này".
Ông Ronald Russell, người sống một mình và có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã gọi 999 vào lúc 5 giờ 45 phút ngày 4/7/2017 và yêu cầu dịch vụ xe xấp cứu. Nhưng khi nhân viên nhấc máy, họ đã hỏi rằng: “Số điện thoại của anh số mấy?”. Rõ ràng họ đã có số điện thoại của người gọi nhưng vẫn tiếp tục hỏi. Tại một thời điểm, đầu dây bên Ronald bất ngờ xuất hiện âm thanh khó hiểu. Sau đó, nhân viên tiếp tục hỏi: “Xin chào, anh có cần xe cứu thương không?”. Trong suốt 3 phút, nhân viên liên tục nói xin chào mà không nhận được câu trả lời nào. Một số âm thanh được miêu tả như có tiếng động lớn trên nền nhà. Chính nhân viên 999 là người kết thúc cuộc gọi, nhưng sau đó đã cố gọi lại 3 lần nhưng không ai nghe máy, và sau đó lại không có người giám sát để cố gắng định vị cuộc gọi vừa rồi.
Chị gái của Ronald đau lòng khi nhìn thấy bản ghi chép cuộc gọi này. (Ảnh: Internet)
Sau 17 tiếng kết thúc cuộc gọi, người hàng xóm nghe tiếng đồng hồ báo thức liên tục reo bên nhà của Ronald. Họ đến nơi thì phát hiện Ronald nằm bất động trên sàn, ngay lập tức liền gọi xe cấp cứu nhưng Ronald đã không thể qua khỏi, anh bị đột quỵ và chết trong bệnh viện.
Đại diện phát ngôn của Dịch vụ cấp cứu Scotland cho biết: “Chúng tôi đã gặp gia đình để trao đổi vấn đề này và chia sẻ sự chia buồn sâu sắc. Việc yêu cầu số điện thoại khi bắt đầu cuộc gọi là rất quan trọng vì sẽ giúp chúng tôi điều phối công việc và nhanh chóng gọi lại nếu như bị mất kết nối. Tuy nhiên, theo quy định mới, nhân viên tiếp nhận cuộc gọi cố gắng gọi lại 3 lần, nếu như không ai bắt máy sẽ được chuyển cho người giám sát, là những người thực hiện việc tìm kiếm địa chỉ, định vị cuộc gọi vừa gọi và liên hệ với cảnh sát Scotland để được hỗ trợ”.
(Nguồn: Dailymail)