Người đàn ông bất ngờ bị suy thận: Bác sĩ tức giận “thận kiệt quệ vì chủ quan với 1 việc suốt 10 năm"

Mộc Miên,
Chia sẻ

Mới đây, bác sĩ chuyên khoa thận Hồng Vĩnh Tường, tại Bệnh viện đa khoa Tam Quân (Đài Loan, Trung Quốc) đã chia sẻ về trường hợp bệnh nhân nam bị suy thận mà ông từng điều trị.

Người bệnh là ông Vương Vũ (60 tuổi). Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng nửa năm gần đây, ông bắt đầu thấy chân bị sưng phù, kèm theo nhiều vết đốm đen xuất hiện ở vùng cẳng chân.

Tuy nhiên, do không thấy đau đớn nên ông Vương không đến bệnh viện khám. Chỉ đến gần đây, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng rõ rệt như nhìn mờ, chóng mặt kéo dài, ông mới quyết định đi khám.

Theo bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, kết quả khám và xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu cho thấy hàm lượng protein trong nước tiểu (protein niệu) của ông Vương cao hơn mức bình thường. Chỉ số độ lọc cầu thận (GFR) giảm xuống dưới 15.

Bác sĩ chẩn đoán ông Vương bị suy thận, cần phải chạy thận. Ngoài ra, ông Vương cũng mắc thêm tăng huyết áp, bệnh võng mạc, bệnh thần kinh ngoại biên.

Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận. (Ảnh minh họa)

Khi khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ Hồng phát hiện ông Vương từng được chẩn đoán mắc tiểu đường loại 2 từ 10 năm trước. Tuy nhiên, vì cho rằng “thuốc Tây không tốt cho cơ thể”, cộng thêm công việc bận rộn nên ông Vương không sử dụng thuốc điều trị tiểu đường. Bên cạnh đó, ông Vương cũng không theo dõi chỉ số đường huyết và bỏ qua việc tái khám định kỳ.

Trong suốt 10 năm, bệnh nhân chủ quan với việc điều trị bệnh tiểu đường. Bệnh không được điều trị dứt điểm nên đã âm thầm tiến triển, làm tăng gánh nặng cho thận, khiến thận kiệt quệ và gây suy thận”, bác sĩ Hồng tức giận chia sẻ.

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường lý giải, bệnh tiểu đường loại 2 nếu không được kiểm soát tốt sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Đường huyết tăng cao kéo dài tạo ra các chất oxy hóa gây tổn thương mao mạch và hệ thần kinh, trong đó có cả các mao mạch tại cầu thận.

“Ngoài ra, chỉ số đường huyết cao cũng buộc thận phải làm việc liên tục để lọc các chất có hại ra khỏi máu. Lâu dần tình trạng này sẽ khiến mô thận bị tổn thương, xơ hóa và gây biến chứng suy thận. Khi thận đã suy hỏng, bệnh nhân buộc phải chạy thận nhân tạo hoặc chờ ghép thận để duy trì sự sống”, bác sĩ Tường cảnh báo.

Bệnh tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng suy thận. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Hồng nhấn mạnh, người mắc tiểu đường cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần kiểm tra đường huyết thường xuyên và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm biến chứng nguy hiểm.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đi tiểu nhiều lần trong đêm, ngứa da, da xanh xao, mệt mỏi bất thường, phù bàn chân/cẳng chân, chân xuất hiện nhiều đốm sậm màu, phù mặt, buồn nôn, chán ăn,... mọi người cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

(Theo ETToday)

Chia sẻ