Người đàn ông 60 tuổi bất ngờ phải chạy thận suốt đời, nguyên nhân đến từ sự chủ quan
Ông Hoàng Tranh ở Đài Loan (Trung Quốc) bất ngờ được chẩn đoán bị suy thận nghiêm trọng. Nguyên nhân là do ông đã chủ quan, không thực hiện 2 điều này từ sớm.
Mới đây, bác sĩ chuyên khoa thận Hồng Vĩnh Tường, làm việc tại Bệnh viện đa khoa Tam Quân, tại Đài Loan, Trung Quốc đã chia sẻ về một trường hợp bệnh nhân nam phải chạy thận suốt đời mà ông tiếp nhận điều trị.
Bệnh nhân tên Hoàng Tranh (60 tuổi) được chẩn đoán mắc tiểu đường loại 2 cách đây 10 năm. Tuy nhiên, do công việc bận rộn và bệnh nhân cho rằng "uống thuốc Tây không tốt cho sức khỏe" nên ông thường bỏ thuốc, không điều trị dứt điểm. Ông Hoàng cũng không theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên và cũng không tái khám.
Khoảng 6 tháng trước, ông Hoàng bắt đầu bị phù chân, nổi các đốm đen ở cẳng chân nhưng do tình trạng này không gây đau đớn nên ông không mấy bận tâm. Gần đây, khi tình trạng phù chân ngày càng nghiêm trọng, kèm theo cơ thể xuất hiện một số triệu chứng bất thường như nhìn mờ, chóng mặt, ông Hoàng mới đến bệnh viện để thăm khám.
Theo bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, kết quả khám và xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu cho thấy hàm lượng protein trong nước tiểu (protein niệu) cao hơn mức cho phép, chỉ số độ lọc cầu thận (GFR) giảm xuống thấp dưới 15. Bác sĩ chẩn đoán ông Hoàng bị suy thận do biến chứng tiểu đường, cần phải chạy thận suốt đời. Ngoài ra, ông Hoàng cũng bị tăng huyết áp, mắc bệnh võng mạc, bệnh thần kinh ngoại biên do biến chứng của tiểu đường.
Sở dĩ, ông Hoàng bị suy thận nặng như trên là do ông không chú trọng điều trị bệnh tiểu đường từ sớm và không đi khám ngay khi cơ thể các dấu hiệu bất thường.
Biến chứng suy thận ở bệnh nhân tiểu đường
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường giải thích: “Về cơ chế gây bệnh, bệnh tiểu đường loại 2 có thể khiến chỉ số đường huyết tăng cao kéo dài. Chỉ số đường huyết tăng cao có thể tạo ra một số chất oxy hóa làm tổn thương các mao mạch và dây thần kinh ở trên cơ thể, trong đó bao gồm cả các mao mạch ở cầu thận.
Ngoài ra, lượng đường trong máu cao quá mức và không được kiểm soát kịp thời có thể khiến thận phải hoạt động nhiều hơn để loại bỏ các chất có hại ra khỏi máu. Tình trạng này kéo dài có thể khiến thận dần bị xơ hóa, gây ra biến chứng suy thận. Lúc này người bệnh sẽ phải chạy thận hoặc ghép thận để điều trị, kéo dài sự sống”.
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cũng chia sẻ thêm dấu hiệu nhận biết biến chứng suy thận do tiểu đường ở giai đoạn đầu thường rất mờ nhạt. Một số bệnh nhân sẽ có cảm giác mệt mỏi, sưng nhẹ ở bàn chân. Khi tình trạng suy thận tiến triển nặng, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng rõ ràng, bao gồm: nước tiểu có bọt, huyết áp tăng cao, đi tiểu nhiều lần trong đêm, ngứa da, da xanh xao, mệt mỏi bất thường, phù bàn chân/cẳng chân, chân xuất hiện nhiều đốm sậm màu, phù mặt, buồn nôn, chán ăn.
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thường xuyên kiểm tra đường huyết và đi khám định kỳ để kiểm soát tốt bệnh và hạn chế nguy cơ gặp biến chứng. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, mọi người cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.