Người đàn ông 40 tuổi có phổi trắng xóa, nguyên nhân đến từ một thứ rất quen mặt
Vốn là người có thể trạng khỏe mạnh nhưng anh Nam không ngờ có ngày mình phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch bởi 1 căn bệnh mà anh coi là "bệnh xoàng".
Nguy kịch vì mắc cúm B
Anh Nam 40 tuổi quê tại Thanh Hóa chia sẻ anh là người có thể trạng khỏe mạnh. 5 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, ăn uống kém. Khi thấy đau tức ngực vùng xương ức, khó thở tăng dần, ho khạc đờm xanh, bệnh nhân đã tới bệnh viện gần nhà để test cúm B. Kết quả khám và chụp cắt lớp cho thấy hình ảnh tổn thương phổi bên phải (phổi trắng xóa). Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, cúm B.
Bệnh nhân ngay lập tức được thở oxy qua mặt nạ và chuyển đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở và tức ngực nhiều. Bệnh nhân sau đó được đặt ống thở máy. Hiện tại, bệnh nhân đã được đặt ECMO (tim phổi nhân tạo).
Tương tự như trường hợp anh Nam, một bệnh nhân nữ khác (30 tuổi ở Hải Hậu, Nam Định) đột ngột sốt cao, kèm theo đau tức ngực và khó thở tăng dần. Bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế gần nhà khám và kê đơn điều trị ngoại trú 2 ngày. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện mà xuất hiện suy hô hấp nặng. Bệnh nhân lại nhập viện để điều trị, kết quả xét nghiệm dương tính với cúm B. Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi - Suy hô hấp - Cúm B. Sau 2 ngày điều trị tình trạng khó thở tăng dần bệnh nhân đã được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, bệnh nhân được đặt ống thở máy nhưng đáp ứng kém, bệnh nhân được chỉ định can thiệp ECMO.
Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ khi mắc cúm B cũng có thể gặp biến chứng nặng. Mới đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận trường hợp trẻ 19 tháng tuổi đến viện trong tình trạng sốt cao liên tục (39 đến 40 độ C). Trước khi nhập viện, bệnh nhi đã điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, được làm xét nghiệm và có kết quả dương tính với cúm B.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi vẫn sốt cao liên tục, ho, mệt nhiều, ăn kém, nôn, đi ngoài phân lỏng và có dấu hiệu suy hô hấp nên đã được chuyển tuyến lên khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhi được chẩn đoán: Viêm phổi nặng, cúm B, nhiễm khuẩn huyết. Sau khi nhập viện, bệnh nhi vẫn sốt cao liên tục, mệt tăng dần, phải thở oxy. Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhi phải chuyển sang thở HFNC (oxy dòng cao).
Dấu hiệu mắc cúm B
Cúm B là một loại cúm mùa (có 4 type A, B, C, D), virus cúm B thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau đại dịch Covid-19, các nghiên cứu chỉ ra rằng cúm B chiếm khoảng 40% các trường hợp cúm mùa, trong khi đó cúm A chiếm 60% trường hợp mắc cúm. Cúm C, D thường rất hiếm gặp.
Virus cúm B không được phân chia thành nhóm, nhưng gồm có 2 dòng đó là: B/Yamagata và B/Victoria. Nhìn chung, các đặc tính di truyền và kháng nguyên của virus cúm B rất ít thay đổi và thay đổi chậm hơn so với virus cúm A.
Tương tự như cúm A, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ (có chứa virus cúm) trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
BS. TS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm B là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp. Bệnh cúm thường nặng hơn cảm lạnh đơn thuần. Bệnh có thể gây ra triệu chứng nhẹ hoặc biến chứng nặng như viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.
Các trường hợp mắc bệnh nặng thường gặp ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh mạn tính như: bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng nặng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào và có thể xảy ra ở cả những người vốn có thể trạng sức khỏe tốt.
Qua những trường hợp bệnh nhân mắc cúm B nặng phải can thiệp thở máy, Ths. BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, nghi ngờ mắc cúm B tiến triển nặng, người bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được điều trị chuyên sâu, theo dõi biến chứng và nguy cơ bội nhiễm.
Chuyên gia cũng lưu ý rằng hiện nay, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm là tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm. Vắc xin ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ bệnh tiến triển nặng.