Người đàn ông 33 tuổi mang cả mẹ đi hẹn hò, khiến nhà gái về thẳng vì tuyên bố liên quan đến sính lễ
Quan điểm về sính lễ đám cưới của mẹ con nhà họ Lưu khiến cả bà mối lẫn đằng gái khó chấp nhận.
Bình thường, tình yêu là chuyện của hai người. Nam nữ gặp gỡ nhau nếu thấy đối phương thích hợp thì tính toán để về chung một nhà. Lúc đó mới đến phần hai bên gia đình bàn bạc cho hôn lễ.
Tuỳ theo phong tục của từng nơi, từng đất nước mà họ thảo luận tổ chức thế nào, của hồi môn hay sính lễ ra sao.
Mới đây, tờ NetEase (Trung Quốc) đưa tin câu chuyện đi xem mắt hẹn hò của chàng trai tên Lưu Lỗi, 33 tuổi đến từ Giang Tây. Anh là một công nhân đường sắt với mức lương hàng tháng khoảng 5 nghìn NDT (hơn 17 triệu đồng).
Bản thân anh Lưu không có bạn gái. Anh cũng không thể tự mình tìm được cô nào phù hợp nên mới nhờ đến bà mối giúp mình tìm đối tượng.
Tuy nhiên, 2 lần được sắp xếp gặp mặt lần nào anh Lưu cũng mang mẹ mình đi theo cùng. Chỉ cần mẹ nhìn thấy và nói rằng không ổn thì anh sẽ từ bỏ luôn, không trò chuyện cùng cô gái đó nữa.
Đến lần thứ ba, bà mối tìm một cô gái có tên là Lâm Nữ. Ngay khi gặp mặt, mẹ của anh Lưu cảm thấy cũng ổn nên họ mới quyết định ngồi lại nói chuyện với nhau.
Cuộc trò chuyện cũng khá ổn. Họ bàn qua việc cưới xin nếu cả hai đi đến kết quả đó. Cô Lâm cho biết nếu như kết hôn thì gia đình mình sẽ tặng cho hai vợ chồng một chiếc ô tô mới để làm của hồi môn. Nhưng sính lễ gia đình cô muốn nhận sẽ khoảng 120 nghìn NDT (hơn 412 triệu đồng). Nói chung đây là mức sính lễ bình thường, cũng chỉ tương đương với chiếc xe nhà cô Lâm định tặng mà thôi.
Việc nhà trai phải có sính lễ cho nhà gái khi tổ chức lễ cưới là nét truyền thống ở Trung Quốc. Nhiều gia đình thậm chí còn đòi số tiền sính lễ cực kỳ “khủng”, có nhà mới, xe mới thì nhà gái mới gả con gái cho. Ở đây, gia đình cô Lâm cũng yêu cầu mức sính lễ rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên khi nghe đến điều đó, mẹ anh Lưu biến sắc nói thẳng: “Nếu muốn có sính lễ thì đừng bàn bạc gì nữa”.
Bà mối là người thẳng thắn, nghe thấy vậy thì nói luôn: “Bây giờ làm gì có chuyện cưới xin mà không có sính lễ nữa chị”.
Tuy nhiên, mẹ anh Lưu vẫn kiên quyết không muốn bàn thêm. Bản thân Lưu Lỗi cũng kể rằng trước khi phải tính đến chuyện đi nhờ bà mối tìm người anh cũng từng có một mối quan hệ bàn đến việc cưới xin. Tuy nhiên, cuối cùng cả hai đã chia tay vì chuyện sính lễ lúc nói đến việc cưới. Bạn gái lúc đó của anh không đòi hỏi sính lễ cao vì cô yêu anh nên muốn kết hôn.
Thế nhưng mẹ anh Lưu một mực cho rằng nếu bạn gái cũ thực sự yêu con trai mình thì không nên đòi một xu nào cả. Nếu đòi tiền sính lễ thì có nghĩa cô cũng chẳng yêu con mình.
Bà mối nghe xong mà chết lặng, bà cùng Lâm Nữ kiên quyết đứng dậy rời khỏi nhà hàng, chỉ còn lại hai mẹ con nhà họ Lưu ngồi ở đó mà thôi.
Câu chuyện này sau khi đăng tải đã thật sự gây xôn xao dư luận xứ Trung. Nhiều người cho rằng, có khi cuộc đời của anh Lưu không thể có vợ nổi chỉ vì suy nghĩ của mẹ mình.
Thứ nhất, anh thuộc dạng quá phụ thuộc vào mẹ. Mới đi xem mắt, chưa nói chuyện được gì, chưa tính toán xa xôi mà đã đưa mẹ đi cùng. Anh cũng nghe lời mẹ quá đáng, cô nào mẹ không gật đầu là về luôn, chẳng cần chuyện trò.
Như chuyện người yêu cũ cũng như vậy, bàn đến việc cưới rồi nhưng chỉ vì bà không đồng ý bỏ tiền sính lễ mà cuối cùng tan đàn xẻ nghé.
Thứ hai, quan điểm về tiền bạc của hai mẹ con quá chặt chẽ. Việc đám cưới theo truyền thống Trung Quốc cần có sính lễ, dù ít dù nhiều thì vẫn phải có. Nếu cảm thấy quá nhiều thì nên bàn bạc lại chứ không phải phủ định hoàn toàn, thậm chí quyết tâm chấm dứt cuộc trò chuyện chỉ vì bàn đến vấn đề đó.
Từ hai điều trên, người ta cho rằng anh Lưu sẽ còn “ế dài” chứ chẳng thể tìm được vợ trong ngày một ngày hai.
Nói gì thì nói, các bậc phụ huynh cũng chỉ nên là người dẫn dắt, góp ý cho con khi cần trong hành trình tìm vợ, kết hôn chứ không nên ép buộc hoàn toàn. Người đàn ông cũng nên có chính kiến, nghe lời mẹ hoàn toàn thì rất khó để hoà hợp được mối quan hệ giữa mẹ và vợ trong tương lai.