Người dân Đông Âu ‘thắt lưng buộc bụng’ trước lễ Giáng sinh
Người tiêu dùng Đông Âu đang phải chi tiêu tiết kiệm để chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng sinh thịnh soạn, giữa bối cảnh lạm phát giá lương thực trong khu vực tăng cao, vượt mức lạm phát của toàn Liên minh châu Âu (EU).
Lạm phát tăng vọt
Theo hãng tin Reuters (Anh), tình trạng lạm phát tăng vọt đã xảy ra ở Hungary và các quốc gia Baltic. Dữ liệu của Eurostat cho biết giá lương thực ở Hungary trong tháng 10 cao đáng kinh ngạc, tăng 45,2% so với một năm trước. Cùng với đó, 10 quốc gia ở phía đông EU cũng đang phải đối mặt với lạm phát giá lương thực tăng hơn 20%. Giá lương thực ở Litva cao hơn 33,3% và ở Latvia cũng tăng 30% so với tháng 10/2021.
Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy lạm phát toàn phần có thể đang đạt đỉnh ở một số quốc gia, nhưng giá lương thực vẫn tăng mạnh, làm gia tăng chi phí sinh hoạt và buộc các ngân hàng trung ương phải duy trì lãi suất cao, ngay cả khi các nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm lại.
Các chuyên gia cho rằng ngoài chi phí năng lượng và phân bón tăng vọt, một số yếu tố khác trong khu vực đang làm trầm trọng thêm xu hướng lạm phát toàn cầu. Các yếu tố đó bao gồm năng suất của ngành thực phẩm ở một số nước Đông Âu còn thấp, nhu cầu hàng hoá nhập khẩu cao.
Tại Hungary, hạn hán nghiêm trọng đã tàn phá vụ ngô và lúa mì năm nay, đồng thời khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt. Trong khi đó, đồng nội tệ forint suy yếu đã làm tăng chi phí nhập khẩu.
Trang trại của Lajos Kander ở Tiszaeszlar, miền đông Hungary, nuôi hơn 2.000 con lợn mangalica lông dài - giống lợn truyền thống cho năng suất thịt cao. Gia đình Kander thường trồng ngô và lúa mì và tự làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng hạn hán đã buộc họ phải mua một phần thức ăn chăn nuôi trên thị trường, ông Kander cho biết giá ngô và lúa mì vụ thu đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2021.
“Năm 2023, chúng tôi sẽ đối mặt với khó khăn nghiêm trọng vì phải mua thức ăn chăn nuôi. Chúng tôi phải cân nhắc mua với mức giá nào để có thể bù lỗ”, ông nói và cho biết thêm rằng chi phí điện, lương và thú y cũng gia tăng.
Nhà Kander chỉ phải trả 29 forint/KWh điện theo hợp đồng hết hạn vào ngày 31/12, sau đó hóa đơn điện sẽ tăng lên 138 forint/KWh. May mắn thay, trang trại đã trang bị một số tấm pin Mặt Trời. Trong khi đó, chi phí tiêm phòng hàng năm cho lợn đã tăng gấp 3 lần lên 4,5 triệu forint.
Trang trại đã tăng giá khoảng 20-25% nhưng ông Kander cho biết việc tăng giá khó có thể giúp họ vượt qua: “Các doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận giá tăng để có thể khắc phục tình trạng này. Chúng tôi có thể muốn bán 2.000 forint cho một kg/thịt, nhưng với mức giá đó, sẽ chẳng có khách hàng nào chấp nhận”.
Lương thực là nguyên nhân chính khiến lạm phát ở Hungary tăng vọt. Theo một số dữ liệu, lạm phát tại quốc gia này đã tăng lên 22,2% trong tháng 11. Các nhà phân tích hy vọng quyết định bãi bỏ giá trần nhiên liệu có thể tạo cú hích cho nền kinh tế trong tương lai.
Trong khi đó, lạm phát toàn phần của Cộng hoà Séc giảm xuống 15,1% nhưng giá lương thực tăng trong tháng 10. Ở Ba Lan, lạm phát lương thực và đồ uống không cồn tăng 22,3% trong tháng 11, cao hơn nhiều so với CPI (chỉ số giá tiêu dùng) chung ở mức 17,4%.
Hôm 5/12, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Hungary Gyorgy Matolcsy cho biết tỉ lệ lạm phát sẽ ở mức trung bình 15-18% trong năm 2023, trong đó thực phẩm chiếm hơn 50% trong số các mức tăng tiếp theo. Ông nói: “Ngành thực phẩm của Hungary hoạt động với năng suất thấp và độc quyền với tỷ trọng nhập khẩu cao và năng lượng đầu vào cao”.
Tại Litva, một trong những quốc gia vùng Baltic có nền kinh tế nhỏ, mở, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường hàng hóa quốc tế, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Gediminas Simkus đã đưa ra một lưu ý lạc quan hơn.
“Thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến lạm phát hàng tháng giảm nhẹ, vì giá năng lượng và lương thực đã đạt đỉnh. Hy vọng điều đó không xảy ra lần nữa”, ông Simkus nói vào tuần trước.
Mùa giáng sinh ảm đạm
Tại Hungary, doanh thu thực phẩm đã giảm 5,6% trong tháng 10, khi giá thịt cá tăng hơn 34%, và nguyên liệu làm bánh mì tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, người tiêu dùng ở Séc phải vật lộn với giá đường tăng 105%. Giá bột mì ở Ba Lan cũng tăng 45,4%.
Tại một khu chợ ở Budapest, bà Eva Racz, 75 tuổi, cho biết bà không đủ tiền mua món ăn truyền thống trong dịp Giáng sinh năm nay, như món cá chép.
“Đây sẽ là một mùa Giáng sinh ảm đạm, vì lương hưu của chúng tôi rất ít ỏi. Chúng tôi còn phải trả tiền điện nước và thuốc men”, bà Racz nói và cho biết bà và chồng sống bằng lương hưu tổng cộng 200.000 forint (khoảng 12 triệu đồng)/tháng. “Chúng tôi sẽ chỉ có canh, bắp cải nhồi, thịt nướng và khoai tây trong dịp Giáng sinh. Tôi cảm thấy tuyệt vọng khi không biết tình trạng này sẽ tiếp diễn trong bao lâu”.
Một cuộc khảo sát của Barometr Providenta cho thấy người Ba Lan sẽ chi trung bình 1.259 zloty (6,7 triệu đồng) vào lễ Giáng sinh năm nay, cao hơn 307 zloty (1,6 triệu đồng) so với một năm trước. Tuy nhiên, gần một nửa số người được khảo sát cho biết họ sẽ mua các sản phẩm rẻ hơn để giảm chi phí.
Lạm phát ở Hungary dự kiến bắt đầu giảm trong nửa đầu năm tới. Song Ngân hàng Goldman Sachs cho biết: “Vẫn chưa có dấu hiệu chắc chắn nào cho thấy động lực lạm phát đang được cải thiện ở quốc gia này”.