Người đàn bà thầm lặng phía sau Trọng Tấn

,
Chia sẻ

Xinh đẹp và năng động, Thanh Hoa đã tình nguyện ở nhà chăm sóc Tấn Đạt 5 tuổi và Hoa Thảo Nguyên 3 tuổi để chồng chị chuyên tâm phấn đấu trên con đường học vấn và âm nhạc.

Đặng Thị Thanh Hoa sinh năm 1978. Chị tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh ĐH Công Đoàn và khoa Tiếng Anh ĐH Ngoại ngữ.
 
- Có lần trả lời báo chí, Trọng Tấn tiết lộ rằng, với anh thì không ai bằng vợ, chị có cảm thấy vui vì điều đó?

- Tôi vui chứ, có gì hạnh phúc hơn khi nghe điều đó từ chính người chồng của mình

- Và tin?

- Tôi tin và suy nghĩ phải làm gì cho xứng đáng với tình yêu của anh.
 

- Chị có hai bằng đại học, có năng lực và xinh đẹp nhưng chấp nhận “hy sinh” để làm một bà nội trợ. Ban đầu đối với chị quyết định này có khó khăn không?

- Tôi nghĩ sự hy sinh này là cần thiết, như thế mới dung hòa được không khí vui vẻ và đầm ấm trong gia đình. Trước đây, khi sinh cháu thứ hai, tôi cũng đi làm, được một thời gian thì thấy tình hình không ổn lắm, vì công việc anh Tấn phải đi suốt ngày còn hai cháu lại rất nhỏ, hay đau ốm nên anh khuyên tôi nên ở nhà một thời gian khi nào con cái lớn hơn rồi lại đi làm tiếp. Điều đó cũng làm cho tôi suy nghĩ mất một thời gian dài và đó thực sự là một quyết định khó khăn.

- Có lúc nào chị hối tiếc về quyết định đó?

- Cho đến bây giờ thì chưa.

- Nếu không có gì bí mật, chị có thể tiết lộ, anh chị đã “bén duyên” nhau như thế nào?

- Chuyện tình của chúng tôi là một câu chuyện dài. Chúng tôi quen nhau ban đầu bằng những lá thư nhỏ bỏ trong ngăn bàn thời còn học cấp 3 ở Thanh Hóa. Mối tình đầu lãng mạn cũng nên thơ như bao mối tình học trò khác. Chỉ có điều, nếu như mối tình học trò thường dang dở thì chúng tôi đã có duyên phận được lấy nhau. Anh Tấn học trên tôi một lớp, lớp anh học buổi sáng, tôi học buổi chiều. Hồi đó, anh Tấn hay làm thơ tặng tôi và thường để thơ ở dưới ngăn bàn. Những vần thơ học trò tỏ tình ngây ngô nhưng đầy chân thật cộng với giọng hát hay hiếm có thời bấy giờ khiến tôi yêu anh lúc nào không hay biết.

Rồi thời gian cứ thế qua đi, cả hai cùng thi đỗ đại học. Anh Tấn học ở Nhạc viện 8 năm, trong thời gian chờ anh học xong, tôi cũng đã có thời gian học hai bằng đại học. Rồi chúng tôi cưới nhau và đến giờ thì đã có hai mặt con. Là những người ngoại tỉnh, cuộc sống ban đầu cũng đầy khó khăn nhưng rồi tình yêu và sự nỗ lực vươn lên đã giúp cả hai cùng chung vai đi qua khoảng thời gian khốn khó nhất cho đến ngày hôm nay.

- Bây giờ thì hai anh chị đã thực sự có một mái ấm khang trang, nếu như không muốn nói là một gia đình khá giả. Chị đã và đang được hưởng phúc phận của điều mà cha ông vẫn nói: “Gái có công thì chồng chẳng phụ”?

- Có lẽ thế. Tôi luôn cảm thấy những gì mình phải làm cho anh Tấn là chưa đủ. Trong khi anh ấy, bằng sự nỗ lực của mình, đã mang lại cho tôi rất nhiều thứ: tinh thần, vật chất, hai đứa con ngoan...

- Chị yêu Trọng Tấn ở điều gì nhất?

- Sự mộc mạc và giản dị. Anh vẫn luôn như thế từ ngày tôi quen anh cho đến khi đã lên chức bố mẹ. Trọng Tấn, đối với tôi, vẫn luôn là một anh chàng “học trò trường huyện” mà tôi thần tượng từ thưở nhỏ!

- Trọng Tấn là một ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc cách mạng, anh rất đắt “sô” và thường phải đi diễn nhiều nơi. Có bao giờ chị lo ngại, những người hâm mộ lẫn những đồng nghiệp xinh đẹp, đôi lúc, có thể sẽ làm anh xiêu lòng?

- Nếu nói không lo là dối lòng, nhưng chúng tôi luôn tin nhau. Chưa có khó khăn gì mà chúng tôi không vượt qua được và nếu có khúc mắc gì tôi cần “tháo gỡ” thì chúng tôi đều thẳng thắn với nhau để giải quyết mọi nỗi nghi ngại, để ít ra cũng không làm bận lòng cho nhau. Điều đó rất quan trọng trong cuộc sống mỗi gia đình.

- Trên thực tế, mỗi người phụ nữ hiện đại đều muốn “bứt phá” để có sự bình đẳng giới, ít nhất là bình đẳng trong vấn đề công việc, quan hệ xã hội... Là người có học vấn nhưng sẵn sàng chấp nhận làm một “cái bóng” đằng sau sự thành đạt của chồng, có bao giờ chị cảm thấy... chạnh lòng?

- Nếu sự bứt phá đó làm mất đi sự bình yên trong gia đình thì tôi sẽ không bao giờ đánh đổi. Người ta vẫn nói phía sau người đàn ông thành đạt là người phụ nữ đảm đang, tôi chưa dám nhận mình là người phụ nữ đảm đang nhưng rất vui khi được góp một phần sức mạnh vào sự thành công của anh.

Tôi vẫn tâm niệm với câu nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nếu như người đàn bà “xây tổ ấm” thành công thì theo tôi cũng là một thứ hạnh phúc trong cuộc đời. Mặc dù, nếu quan niệm về hạnh phúc, có người cho rằng chỉ cần yêu nhau là đủ, có người lại cho rằng có tiền là có tất cả. Quan niệm của tôi về hạnh phúc là phải cân bằng được giữa hai thứ vật chất và tình yêu ấy. Có lúc anh Tấn đi diễn xa, ở nhà tôi cũng thấy thiếu vắng lắm, nhưng thời gian chăm sóc, chơi đùa với hai con đã quá bận rộn nên tôi cũng không nghĩ ngợi nhiều.

- Là vợ của một ca sĩ, chị có được Trọng Tấn hát dành riêng một ca khúc lãng mạn nào không?

- Có chứ. Đó là ca khúc Khúc hát về em. Thỉnh thoảng để nịnh vợ, anh Tấn vẫn thầm thì: “Đêm đã qua những ngang trái, giữa đời hát về em cho anh không buồn nữa, một lần thương một lần nhớ về kỷ niệm xưa đầy chơi vơi... Anh xin em một góc sân lùa gió, anh mong đêm về anh ngủ tóc em... “. Lời bài hát giản dị nhưng mang đầy ý nghĩa.

- Nếu nói một câu ngắn gọn về chồng, ca sĩ Trọng Tấn, chị sẽ nói gì?

- Anh Tấn là một người say mê công việc và chu toàn với gia đình.

- Cảm ơn chị!
 
Theo An ninh Thế giới
Chia sẻ