Người bình thường theo đuổi cảm giác an toàn, cao thủ lại muốn ôm lấy sự mạo hiểm

Alexx,
Chia sẻ

Bản chất của cuộc sống vốn dĩ là sự không chắc chắn. Từ đầu tới cuối, nó đều chứa đựng vô vàn sự vô thường.

Nhưng đồng thời, bản tính của con người là theo đuổi "tính chắc chắn", chỉ có "chắc chắn" mới khiến chúng ta cảm thấy an toàn, đây dường như là một khuynh hướng vô cùng tự nhiên.

Cứ như vậy, "tính không chắc chắn" của cuộc sống và "tính chắc chắn" mà con người theo đuổi, đã tạo nên một nút thắt khó cởi.

Thực ra, cái gọi là cảm giác an toàn chẳng qua cũng chỉ là ảo tưởng.

Thứ thực sự có thể nâng cao cảm giác an toàn của chúng ta vừa hay chính là khả năng thích nghi với sự không chắc chắn của chúng ta.

Vậy thì, làm sao để nâng cao khả năng thích nghi với sự không chắc chắn, để từ đó có được cảm giác an toàn?

01
Rũ bỏ suy nghĩ của kẻ bị hại, gánh vác trách nhiệm

Có quá nhiều người, khi gặp phải khó khăn, đặc biệt là sau khi trải qua vấp ngã, rất dễ hình thành nên tư tưởng của kẻ bị hại, cảm thấy mình là người chịu tổn thương, đổ trách nhiệm cho thế giới bên ngoài và người khác.

Họ có thói quen ca thán, phàn nàn, có thói quen thể hiện ra ngoài sự bất lực và bi thương, tự xây cho mình một rào cản xung quanh.

Họ vô cùng thiếu đi cảm giác an toàn, luôn xuất hiện trước mặt người khác trong vai một người bị hại.

Chỉ khi buông bỏ tư duy này, gánh lấy trách nhiệm trên vai, khi đó bạn mới nhìn thấy, phát hiện và truyền cảm hứng cho nội lực bên trong của bản thân, trở thành chủ nhân của cuộc sống.

Mấy giờ ngủ dậy, mấy giờ đi ngủ, lúc nào thì làm việc gì, lựa chọn công việc ra sao, yêu người như nào, kết hôn sinh con, kết bạn với những người ra sao, bạn cũng có quyền đưa ra lựa chọn.

Đừng bao giờ lấy "việc đã đến nước này, cực chẳng đã" để làm cái cớ, đời người quan trọng cũng chỉ có ngần đấy lựa chọn, còn bạn thì lại có quyền tự do để lựa chọn.

Người bình thường theo đuổi cảm giác an toàn, cao thủ lại muốn ôm lấy sự mạo hiểm - Ảnh 1.

02
Học cách quan sát, duy trì cảm xúc ổn định

Một người cứ mặc để cho cảm xúc tuôn ra theo ý muốn, nhất định sẽ vô duyên với "nên việc lớn".

Thiếu đi sự kiềm chế và nhẫn nại, bạn sẽ chẳng nên được việc gì.

Đối với cái gọi là "cảm xúc", thứ chúng ta nên làm không phải là "khống chế", ngược lại, chúng ta nên đi quan sát.

Nếu bạn có thể bình tĩnh quan sát xem loại cảm xúc nào đang diễn ra ở mình, "thoát ly" ra khỏi cảm xúc, giống như đang nhìn nhận cảm xúc của một người khác, vậy thì, vấn đề cảm xúc của bạn đã được giải quyết một nửa.

Ngược lại, nếu bạn không thể "thoát ly", mà lại hòa vào làm một với cảm xúc của mình, nó ở đâu bạn ở đó, vậy thì bạn sẽ dần dần bị lún sâu vào trong, không thể thoát ra được.

Người bình thường theo đuổi cảm giác an toàn, cao thủ lại muốn ôm lấy sự mạo hiểm - Ảnh 2.

03
Tạo ra nhiều chỗ dựa cho mình

Điều ngoài ý muốn xảy ra trong một khía cạnh của cuộc sống thường dẫn đến sự mất ổn định bên trong, từ đó ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống của một người.

Nhưng trên thực tế thì cuộc đời của một người tồn tại rất nhiều khía cạnh, gia đình, họ hàng, bạn bè, vui chơi, sự nghiệp, phát triển cá nhân, nghệ thuật, sở thích…

Nếu bạn cứ chỉ tập trung vào một mặt, cứ chỉ quan tâm tới một mặt, vòng tròn cuộc sống của bạn càng nhỏ hẹp, bạn càng dễ bị đả kích, đánh bại.

Nếu tình yêu là toàn bộ của bạn, khi bạn thất tình, bạn rất dễ suy sụp.

Nếu công việc là tất cả của bạn, khi bạn thất nghiệp, bạn rất dễ suy sụp.

Nếu gia đình là tất cả của bạn, khi gia đình xảy ra trục trặc, bạn sẽ vô cùng suy sụp…

Ngược lại, nếu vòng tròn cuộc sống của bạn lớn, tốc độ phục hồi của bạn sẽ càng nhanh hơn.

Khi mà mọi mặt của cuộc sống đều có thể trở thành điểm tựa của bạn, sự linh hoạt và tính ổn định bên trong bạn sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Người bình thường theo đuổi cảm giác an toàn, cao thủ lại muốn ôm lấy sự mạo hiểm - Ảnh 3.

04
Thiết lập cho mình một ngọn hải đăng, xác định rõ đường hướng tương lai

Những người bỗng nhiên gặp phải sự cố ngoài ý muốn, cũng giống như con thuyền ngoài khơi yên ả bỗng nhiên gặp phải sóng lớn, bão bùng.

Đợi sau khi gió ngớt, thuyền ổn định, họ đã không còn xác định được phương hướng mà mình muốn đến, cứ như vậy đơn độc trôi nổi lềnh bềnh trên biển cả mênh mông.

Lúc này, giả sử phái xa xuất hiện một ngọn hải đăng, vậy thì có nghĩa là con đường của họ lại một lần nữa được thắp sáng.

"Ngọn hải đăng" này chính là mục tiêu lâu dài của bạn.

Sự tồn tại của nó là để giúp đỡ bạn, bất kể là đang thuận lợi, hay khó khăn, nó cũng đều giúp bạn xác định được phương hướng của mình, chứ không bỏ mặc bạn khi bão bùng ập tới rồi biến mất trong làn sóng biển mênh mông.

Không chỉ cần ngọn hải đăng, mà bạn còn cần cho mình một ý chí vững bền, ý chí này giúp con thuyền của bạn đứng vững, không dễ bị lật trong sự dao động và không chắc chắn.

Người bình thường theo đuổi cảm giác an toàn, cao thủ lại muốn ôm lấy sự mạo hiểm - Ảnh 4.

05
Đối với việc ngoài tầm kiểm soát, học cách đối mặt một cách tích cực

Có câu, vận mệnh ba phần do trời, 7 phần dựa vào nỗ lực.

Chúng ta thông qua nỗ lực của mình có thể ứng phó từ đó nắm lấy 7 phần không xác định, mà 7 phần an toàn này có thể đủ để giúp chúng ta quên đi quá khứ, mỉm cười đối diện với hiện tại và không sợ hãi tương lai.

3 phần còn lại thực ra là những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, chẳng hạn như tuổi tác, cơ thể, sức lực dần xuống dốc, một vài người quan tâm dần dần rời xa.

Điều chúng ta cần làm là đối mặt với những điều đó một cách tích cực, đồng thời tập trung vào những việc mà mình có thể nắm bắt, và không ngừng điều chỉnh tâm thái của bản thân.

Có người nói:

"Cảm giác an toàn duy nhất tới từ việc trải nghiệm những cảm giác bất an trong cuộc sống."

Con đường đời luôn ngập tràn những điều không chắc chắn, người bình thường mù quáng tìm kiếm và phụ thuộc vào cảm giác an toàn, còn người thông minh lại luôn muốn ôm lấy cảm giác mạo hiểm để từ đó có được cho mình cảm giác an toàn thực sự.

Chia sẻ