Người bị viêm gan virus cần làm gì trong đại dịch Covid-19?

K. Chi,
Chia sẻ

Theo Thạc sĩ Phan Thế Sang – Khoa tiêu hoá, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, người bị bệnh gan nếu mắc thêm Covid-19 thì sẽ vô cùng nguy hiểm, virus có thể xâm nhập tế bào gan và ống mật.

Nhân viên của siêu thị trực tiếp nhận hàng, giao dịch với F0 là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Khách hàng mua sản phẩm từng được F0 vận chuyển liệu có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2?

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan của một số nhóm dân cư từ 8 - 25% đối với virus viêm gan B và khoảng 2,5 -4,1% với virus viêm gan C, đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện.

Theo bác sĩ Sang virus SARS-CoV-2 gắn kết và xâm nhập vào tế bào đích thông qua men chuyển angiotensin 2 (ACE2) và men này hiện diện ở các tế bào biểu mô gan, tế bào ống mật. Do vậy, virus có thể xâm nhập vào các tế bào gan và ống mật.

Qua thống kê, người ta ghi nhận có tình trạng tăng men gan, trong đó tăng AST và ALT được ghi nhận khoảng 14% đến 83% trường hợp mắc Covid-19 nhưng thường tăng dưới 2 lần mức trên giá trị bình thường. Trong khi đó, tăng phosphatase kiềm và gamma glutamyl transferase (GGT) ít gặp hơn với tỉ lệ lần lượt là 6% và 21%. Ngoài ra, bilirubin toàn phần có thể tăng ở mức độ nhẹ đến vừa.

Người bị viêm gan virus cần làm gì trong đại dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Tăng men gan phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan, có thể do virus trực tiếp gây ra hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, các thuốc được dùng để kiểm soát triệu chứng Covid-19 cũng có thể gây độc cho gan nhưng hiếm khi dẫn đến phải ngừng điều trị. Tỷ lệ của tổn thương gan do thuốc (gồm remdesivir và tocilizumab) ở người bệnh Covid-19 là 25,4%.

Người bệnh Covid-19 có tăng men gan thường nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn so với người bệnh không có tăng men gan. Tuy nhiên, tổn thương gan trong các trường hợp Covid-19 nhẹ thường không cần điều trị đặc hiệu ngoài việc chăm sóc hỗ trợ, nâng đỡ.

Đối với những người bị viêm gan B, viêm gan C, khi mắc thêm virus SARS-CoV-2 có bị ảnh hưởng không, bác sĩ Sang cho biết điều này đến nay chưa rõ hoàn toàn nhưng nếu người nhiễm viêm gan virus trên 65 tuổi mắc thêm các bệnh béo phì, tim mạch, thận, đái tháo đường, viêm phổi mãn tính thì nguy cơ cao biến chứng nặng khi mắc Covid-19.

Vì vậy, trong dịch bệnh, đối với những người đang điều trị viêm gan virus, bác sĩ Sang nhấn mạnh người bệnh cần tuân thủ điều trị, không bỏ thuốc. Khi sử dụng thuốc có các vấn đề khác thì liên hệ bác sĩ để được tư vấn. Tốt nhất nên trang bị đủ thuốc tại nhà để hạn chế các chuyến đi không cần thiết đến dịch vụ y tế hoặc nhà thuốc.

Cách tốt nhất để tránh Covid-19 là tránh phơi nhiễm với virus gây bệnh, tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, tránh đám đông và những nơi thông gió kém. Ngoài ra, cố gắng duy trì các thói quen lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, hít thở không khí trong lành, ăn thực phẩm lành mạnh, ngủ đều đặn, tránh uống rượu bia... Đây vẫn là các biện pháp phòng bệnh rất quan trọng trong thời kỳ đại dịch.

Theo bác sĩ Sang việc tiêm ngừa vắc xin Covid-19 sẽ giúp bảo vệ người bệnh viêm gan không bị nhiễm bệnh Covid-19 nặng.

Thời gian qua bác sĩ cũng gặp nhiều ý kiến của người bệnh về việc có nên tiêm vắc xin khi đang mắc bệnh gan hay không? BS Sang cho rằng tất cả những người bệnh mắc bệnh gan mạn tính đều phải được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19, ngay cả những người bệnh bị xơ gan mất bù, ung thư gan....

Đối với những người bệnh ghép gan vẫn có chỉ định tiêm chủng ngừa vắc xin Covid-19 khi tình trạng chức năng gan ổn định sau ghép, chỉ trì hoãn tiêm ngừa khi người bệnh đang trong giai đoạn thải ghép cấp.

Không nên từ chối hoặc trì hoãn tiêm vắc xin Covid-19 vì lo ngại về hiệu quả hay tính an toàn của vắc xin khi mắc bệnh gan mà ngược lại qua các dữ liệu cho thấy khi người bệnh gan mạn tính mà bị nhiễm thêm Covid-19 sẽ làm cho bệnh gan tiến triển nặng hơn, dễ tử vong hơn. Trước khi tiêm vắc xin, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị bệnh gan của mình.

Các hướng dẫn hiện nay khuyên người bệnh nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19, cách các loại vắc xin khác ít nhất 2 tuần. Khi có các biểu hiện ho, sốt cần liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn hỗ trợ.

Chia sẻ