Người bị tai nạn giao thông sẽ được BHYT chi trả mọi chi phí?
Vi phạm Luật An toàn giao thông bị tai nạn; bị các tật về mắt phải phẫu thuật… sẽ được bảo hiểm thanh toán. Đây là điểm đáng chú ý tại Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi.
Giúp thêm nhiều người
Chị Triệu Thị Bích (người Dao) ở huyện Bát Xát, Lào Cai, có con gái 5 tuổi bị lác từ nhỏ. Hai mắt lác rất nặng nên bé nhìn các vật không chính xác. Đã thế, thị lực của bé còn kém đến mức mẹ đứng cách xa 20-30 bước chân cũng không nhìn thấy. Tuy nhiên, nhà nghèo nên chị Bích không đưa con đi khám bệnh.
Tháng 2.2014, đoàn bác sĩ trẻ tình nguyện về khám bệnh tại xã đã phát hiện con chị Bích bị lác nặng nên khuyên chị đưa cháu đi mổ, nếu không sẽ có nguy cơ bị mù. Tuy nhiên, nghe các bác sĩ nói viện phí khoảng 3-4 triệu đồng, chưa kể tiền đi lại, ăn ở trên tỉnh, chị Bích thở dài: “Đành phó mặc cháu cho số phận thôi, chứ bằng đấy tiền cả gia đình kiếm cả năm mới được”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Huy- khoa Mắt trẻ em (Bệnh viện Mắt T.Ư) cho biết, khi đi tình nguyện khám chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa, anh gặp rất nhiều hoàn cảnh như con chị Bích, bị lác hoặc tật khúc xạ nhưng không có tiền để chữa trị.
Theo điều tra chưa đầy đủ của Bệnh viện Mắt T.Ư, có khoảng 5-7% trẻ em bị lác bẩm sinh và tỷ lệ trẻ em không được điều trị là rất lớn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Hiện mỗi tháng, khoa Mắt trẻ em cũng phẫu thuật khoảng 100 ca mắt bị lác.
“Xưa nay, BHYT không thanh toán cho điều trị mổ lác mắt vì cho rằng mổ phẫu thuật điều trị lệch trục nhãn cầu, chỉnh thị là mổ thẩm mỹ. Tuy nhiên, đó là quan niệm hoàn toàn sai vì lác là một bệnh lý, nếu không được mổ để điều chỉnh lác thì sẽ dẫn đến nguy cơ mắt bị nhược thị, rối loạn thị giác hai mắt, mắt kém, thậm chí mù lòa. Tôi cho rằng BHYT bổ sung thanh toán cho loại bệnh này là rất phù hợp, cứu được hàng ngàn đôi mắt cho trẻ” – bác sĩ Huy cho biết.
Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, các chuyên gia y tế đã xác định điều trị, phẫu thuật chỉnh thị của mắt lác, cận thị và tật khúc xạ không phải là “thẩm mỹ”, do đó Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi thanh toán đối với loại bệnh này. Trẻ dưới 6 tuổi sẽ được thanh toán 100% khi điều trị cận thị, lác và tật khúc xạ như các loại bệnh khác.
Khó xác minh đành “mở”
Ngoài ra, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi cũng “mở” đối với mọi bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) cho dù có vi phạm luật hay không. Lý giải về việc mở rộng này, bà Hương phân tích, theo Thông tư 39 do Liên Bộ Y tế và Tài chính ban hành năm 2011, những người bị TNGT nếu xác định là vi phạm Luật An toàn giao thông thì sẽ không được BHYT thanh toán, còn nếu không vi phạm thì sẽ được thanh toán BHYT.
Bệnh nhân bị TNGT nào vào viện vẫn được hưởng chế độ BHYT theo quy định. Để xác định người bị nạn có vi phạm luật hay không, cán bộ bảo hiểm xã hội phải gửi văn bản đến cơ quan cảnh sát giao thông hoặc cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội nơi xảy ra vụ tai nạn đề nghị xác minh hành vi của người bị TNGT.
“Thông tư hướng dẫn đầy đủ, phía công an cũng phối hợp nhiệt tình nhưng TNGT thường xảy ra trong đêm, không có người làm chứng… dẫn đến khó xác định người đó có vi phạm Luật An toàn giao thông hay không. Quỹ BHYT vẫn phải thanh toán mà còn tốn kém rất nhiều công sức, công văn giấy tờ để điều tra. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi sẽ mở rộng phạm vi thanh toán cho mọi đối tượng bị TNGT” – bà Hương cho biết.
Theo bà Hương, “đã mở thì mở cả”, do đó, các trường hợp tự tử, tự gây thương tích và chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra cũng được đề xuất thanh toán BHYT.
Nói về khả năng thanh toán của Quỹ BHYT, bà Hương cho biết, trước đây do số người tham gia BHYT ít, mức đóng thấp nên Luật BHYT chỉ chú trọng vào đối tượng khám chữa bệnh thông thường, “chừa” ra một số đối tượng vi phạm pháp luật, các kỹ thuật cao quá tốn kém. Hiện nay, tỷ lệ đóng BHYT nhiều hơn.
“Việc mở rộng chi trả sẽ tiếp tục khuyến khích người dân tham gia BHYT, đồng thời nâng cao quyền lợi của người bệnh” - bà Hương khẳng định.
Dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5 tới.
Ý nghĩa xã hội lớn Bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội phân tích: “Hiện nay, tỷ lệ trẻ em bị các tật khúc xạ lên đến gần 40%. Các bệnh về mắt càng được điều trị sớm càng tránh được nguy cơ mù lòa của trẻ. Trong khi đó, nhiều loại bệnh thì BHYT không thanh toán, nhiều gia đình không có điều kiện chữa trị cho trẻ. Nếu 30-40% số trẻ lớn lên mắt kém sẽ ảnh hưởng đến khả năng lao động, là gánh nặng cho xã hội. Do đó, việc sớm đưa các bệnh về mắt của trẻ dưới 6 tuổi vào danh mục bệnh thanh toán BHYT sẽ không chỉ giúp đỡ một cá nhân mà còn có ý nghĩa xã hội lớn”. |