Người Afghanistan và cơn ác mộng kỳ lạ ở khu tị nạn "sang trọng" nhất thế giới sau khi trốn thoát khỏi Taliban

J.D,
Chia sẻ

Chỉ vài ngày trước họ còn sống trong sự kinh hoàng từ Taliban, những người Afghanistan bất ngờ thấy mình ở giữa khu resort sang trọng, được tận hưởng mọi tiện nghi xa hoa. Chỉ là, những biến cố họ trải qua là quá nhiều.

Tahera, cô sinh viên ngành y trong tình trạng thất thần sau một tuần chịu đựng sự cai trị của Taliban, và 3 ngày chờ đợi trong hoảng loạn tại sân bay Kabul. Cô nhìn ra bên ngoài cửa sổ, ngắm nhìn tượng Nữ thần Tự Do trong ngày đầu tiên đến được với ngôi nhà mới.

"Tôi tưởng như mình đã ở New York" - Tahera cảm thán. Nhưng bức tượng ấy thực ra nhỏ hơn bản gốc, được làm từ thạch cao và nằm ở phía Bắc Albania. Một cách trớ trêu, bức tượng lúc này giống như một vật trang trí đầy châm biếm cho khung cảnh bên dưới - khu nghỉ dưỡng (resort) cao cấp trên bãi biển của Albania, nơi 440 người tị nạn từ Afghanistan đã tới sau khi thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban hôm 15/8.

Người Afghanistan và cơn ác mộng kỳ lạ ở khu tị nạn sang trọng nhất thế giới sau khi trốn thoát khỏi Taliban - Ảnh 1.

Khu nghỉ dưỡng Rafaelo Resort tại Albania, nơi tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn từ Afghanistan

Albania là đất nước xa lạ với Tahera, thậm chí còn chưa nghe tới bao giờ. Trước khi đến đây, cô đã nghĩ mình được tới Mỹ hoặc Anh - nơi có họ hàng cô ở đó. Nhưng khi họ cảnh giác trong việc tiếp nhận người tị nạn, cô được tới trú ẩn ở một nơi có lẽ nên xem là khu tị nạn kỳ lạ và sang trọng bậc nhất thế giới lúc này.

Gặp ác mộng giữa chốn xa hoa

Albania thực ra nằm trong số các nước nghèo nhất châu Âu. Họ cam kết tiếp nhận 4000 người tị nạn từ Afghanistan - nhiều hơn rất nhiều quốc gia khác của châu lục này. Những người đến đây được sống tạm thời ở các khu resort dọc bờ biển Adriatic - một phương thức ứng phó với tình huống khẩn cấp mà Albania đưa ra kể từ sau trận động đất thảm họa năm 2019.

Người tị nạn Afghanistan, họ biết ơn với những tiện nghi được hưởng. Nhưng sự sang trọng quá mức này lại trở thành nỗi ám ảnh kỳ lạ với nhiều người. Parwarish, nhà hoạt động nữ quyền người Afghanistan cho biết bản thân cô thấy xúc động vì lòng tốt của người Albania, nhưng gần như đêm nào cô cũng gặp ác mộng.

Người Afghanistan và cơn ác mộng kỳ lạ ở khu tị nạn sang trọng nhất thế giới sau khi trốn thoát khỏi Taliban - Ảnh 2.

"Tôi thấy gia đình mình trong mơ" - Parwarish kể lại. "Sự xa hoa này sẽ thật tuyệt nếu như có một cõi lòng nhẹ nhõm. Tôi thì không có nó".

Việc chấp nhận đón người tị nạn Afghanistan là điều hiện tại khá bình thường ở Albania - nơi có lịch sử tị nạn khá lâu đời. Thủ tướng Edi Rama cho biết việc cung cấp chỗ ở cho dân tị nạn là "lẽ tự nhiên và nên làm". "Chúng tôi không để họ phải vào các trại tị nạn. Như vậy là phi nhân tính, và là cội nguồn của mọi sự rắc rối. Chúng ta đã từng như họ trong quá khứ. Họ chỉ muốn trốn khỏi địa ngục thôi".

Tahera ở chung phòng với một phụ nữ Afghanistan đã mất cả 2 tay sau một vụ nổ bom. Trong khu resort sang trọng có 3 bể bơi và một bãi biển tuyệt đẹp, cô bắt đầu muốn học bơi để giải tỏa vết thương lòng. Cô muốn tập đi xe đạp - một việc phụ nữ bị cấm làm ở Afghanistan. Và để tiếp tục sự nghiệp y khoa, cô theo học một lớp sơ cứu do bác sĩ người Afghanistan đến từ London đào tạo.

Tại khu nghỉ dưỡng Rafaelo - một tổ hợp các khách sạn 4 - 5 sao ở thị trấn Lezhe, người tị nạn Afghanistan được ăn uống tách biệt tại các nhà hàng phục vụ thực phẩm cho người Hồi giáo, rồi tụ tập lại bể bơi cùng du khách - chủ yếu là người từ Kosovo. Sự xuất hiện của họ khiến các du khách ngạc nhiên, nhưng chẳng mấy ai phiền lòng.

Người Afghanistan và cơn ác mộng kỳ lạ ở khu tị nạn sang trọng nhất thế giới sau khi trốn thoát khỏi Taliban - Ảnh 3.

Thủ tướng Edi Rama

"Tôi hơi bất ngờ khi có quá nhiều người Afghanistan sống tại đây, nhưng họ không khiến tôi phiền" - Besnik Zeqiri, một người Albania từ Kosovo cho biết. "Họ cũng là con người và cần được bảo vệ".

Liri Gezon, một du khách khác thì cho biết anh đã xem TV và nhìn thấy những người Afghanistan hoảng sợ như thế nào ở sân bay Kabul. Anh thấy vui vì họ được an toàn.

"Họ không gây vấn đề gì và xứng đáng được sống" - Gezon cho biết, đồng thời nhắc đến việc từng có hàng trăm ngàn người Albania trốn khỏi Kosovo để đi tị nạn tại Serbia hồi cuối thập niên 1990. Anh hiểu cảm giác đó là như thế nào.

Cuộc sống mới

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Olta Xhacka cho biết ban đầu, họ dự định để người tị nạn Afghanistan sống ở đây khoảng vài tháng trong lúc chờ thị thực tới Mỹ được thông qua. "Nhưng giờ chúng tôi đang làm việc để họ sống được ở đây ít nhất 1 năm, hoặc hơn" - bà chia sẻ, đồng thời khẳng định bất kỳ ai không thể xin thị thực đến nơi khác sẽ được chào đón ở lại Albania.

Wahab, một phóng viên từng làm việc cho tờ báo của Mỹ chia sẻ anh đã rất bất ngờ với sự tiếp đón này. Sau ngày 15/8, anh rời khỏi Afghanistan với vợ và 3 con, vì lo sợ nguy hiểm đến tính mạng.

"Chúng tôi là những người tị nạn xa hoa" - Wahab hóm hỉnh. "Chúng tôi ăn rồi ngủ, ngủ rồi ra biển. Với nhiều người, đây là một thiên đường".

Nhưng tâm hồn của họ thì không yên ổn. Wahab không thể ngừng nghĩ đến 8 binh sĩ Taliban đã chặn chiếc xe bus chở anh và gia đình từ Herat đến Kabul, hay nhớ lại cảnh tượng thủ đô của đất nước khi chuyến bay tị nạn cất cánh. Kabul, ở thời điểm bị Taliban chiếm đóng, "trông thật âm u và tăm tối" - Wahab cảm thán.

Như Tahera, bản thân cô sinh viên chưa bao giờ có kế hoạch rời Afghanistan cả. Nhưng với thân phận phụ nữ, lại vừa là thành viên của dân tộc thiểu số Hazara vốn đã thường xuyên bị đàn áp, cô hiểu rằng sẽ không có bất kỳ tương lai nào cho mình dưới sự cai trị của Taliban.

"Tôi đã luôn nói với bạn bè và người thân rằng mình 'không bao giờ rời bỏ đất nước này'" - cô gái trẻ cho biết. Nhưng rồi chính cha cô thúc giục cô phải trốn chạy ngay khi thấy có cơ hội, dù điều đó có nghĩa cô phải bỏ lại cha mẹ, 5 chị em và một cậu em trai sơ sinh.

"Tôi nhớ nhà, nhớ trường, nhớ Afghanistan" - Tahera buồn bã nói. Họ của cô gái không được tiết lộ khi trả lời phỏng vấn, để bảo vệ cho gia đình cô vẫn đang sống tại Afghanistan.

Nguồn: NY Times
Chia sẻ