Ngực xệ có thể là bệnh

Theo NLĐ,
Chia sẻ

Trường hợp ngực sa trễ nhiều (khoảng cách từ hõm xương ức đến núm vú nhiều hơn 25 cm) kèm phì đại thì được coi là bệnh lý, thường phải phẫu thuật.

Từng rất tự hào vì sở hữu bộ ngực đầy đặn tự nhiên nhưng sau 2 lần sinh nở, P.K.H (34 tuổi, ngụ Hà Nội) không thể ngờ rằng có ngày vòng một của mình lại phình to. Dù khuôn mặt, dáng người vẫn rất đẹp nhưng mỗi khi gần chồng, H. luôn mất tự tin vì bộ ngực quá khổ. Những tưởng sau khi con cai sữa, vòng một sẽ dần gọn lại nhưng sau gần 2 năm rồi mà tình trạng này không cải thiện, nhiều lúc H. còn cảm thấy khó thở, tức ngực.

Phổ biến sau khi sinh

Tại bệnh viện, H. được xác định bị sa trễ ngực khá nặng. Để nâng cấp bộ ngực, các bác sĩ đã phải kết hợp phẫu thuật treo đẩy ngực lên gần với vị trí ban đầu, đặt túi ngực cho bệnh nhân nhằm tạo độ căng, đồng thời thu nhỏ đầu vú quá cỡ để cân đối với bầu ngực.
 
PGS-TS-BS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết tình trạng “tuyết lê” trở nên teo tóp sau khi sinh nở là tương đối phổ biến. Đầu tiên là sự thay đổi vị trí của núm khi vị trí xuống thấp hơn so với ban đầu. Tình trạng ngực sa trễ hoặc chảy xệ cũng thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi do hiện tượng lão hóa dây chằng treo tuyến vú.
 
Phẫu thuật cải tạo vòng một cho bệnh nhân bị bệnh lý ngực phì đại, chảy xệ tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội)
 
Với trường hợp sa trễ nhẹ, thể tích vú bình thường, ít có sự thay đổi da vú, các bác sĩ thường lựa chọn phương pháp đặt túi ngực. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào ngực sa trễ cũng là bất thường. Có tới 90% phụ nữ sa trễ ngực do mang thai, sinh nở, cho con bú cộng thêm sự lão hóa do tuổi tác làm cho tuyến vú dễ bị chảy xệ. Chỉ một số phụ nữ cảm thấy thiếu tự tin với bộ ngực của mình và muốn cải thiện vòng một bằng phẫu thuật nâng ngực.
 
Gây rắc rối mới là bệnh
 
Cũng theo PGS-TS-BS Trần Thiết Sơn, ngực sa trễ được xác định là bệnh lý chỉ khi nó gây ra những rắc rối, khó chịu cho sinh hoạt hằng ngày và làm cho vóc dáng không còn linh hoạt. Đặc biệt với những người có tuyến vú phì đại kèm theo tình trạng sa trễ thì sẽ gây ra cảm giác khó chịu như đau tức hoặc nặng vùng trước ngực; nhiều trường hợp bị gù, gập vai, loét nếp lằn vú, gặp trở ngại khi mặc áo và vận động. Với trường hợp ngực sa trễ nhiều (khoảng cách từ hõm xương ức đến núm vú nhiều hơn 25 cm) kèm phì đại thì được coi là bệnh lý, thường phải phẫu thuật.
 
Tùy theo mức độ chảy xệ và kích thước của ngực mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp treo ngực hay thu nhỏ ngực. Bởi thực tế có những trường hợp không có nhu cầu đặt túi ngực mà chỉ muốn ngực cao và gọn. Với những trường hợp như vậy, bác sĩ thường sử dụng phương pháp phẫu thuật treo để đưa bộ ngực lên trên, vá vào trong, gần về với vị trí ban đầu nhằm tạo sự cân xứng cho cơ thể người phụ nữ. Với những người trẻ tuổi và vẫn còn nhu cầu sinh con, các bác sĩ phải chú trọng việc phẫu thuật nhưng vẫn bảo tồn sự bài tiết sữa của tuyến vú. Chính vì vậy, trong phẫu thuật này, bác sĩ tạo hình phải bảo tồn được hệ thống ống dẫn sữa, giữ được cảm giác của núm vú.
 
TS-BS Nguyễn Huy Thọ, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình và hàm mặt - Bệnh viện 108, cho biết mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng một số phụ nữ sau khi nâng ngực thường có biểu hiện rối loạn cảm giác. Có những trường hợp biểu hiện loạn cảm là tăng mức độ ham muốn tình dục nhưng không ít chị em cũng thổ lộ rằng họ bị giảm ham muốn tình dục. Tình trạng này thường mất đi trong vòng một năm đầu sau khi nâng ngực.

0%-3% biến dạng, méo mó
 
Các chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ cho biết sự cải thiện đáng kể nhất của việc nâng ngực sa trễ là đưa núm vú trở về vị trí gần với ban đầu và bầu ngực đạt sự đầy đặn. Sau khi căn chỉnh sẽ có khoảng cách hợp lý và một khe tự nhiên nhất giữa hai bầu vú.
 
Tuy nhiên, cũng như mọi phẫu thuật khác, quá trình nâng cấp vòng một cũng như cải tạo lại bộ ngực sa trễ luôn có thể gặp những nguy cơ và biến chứng.
 
Ngoài những biến chứng sớm có thể gặp phải như chảy máu, nhiễm trùng, tụ dịch tại nơi đặt túi ngực thì sau phẫu thuật có thể gặp phải phản ứng co bao khiến bầu ngực biến dạng, méo mó. Tỉ lệ biến chứng này là từ 0%-3%.
Chia sẻ