Ngữ liệu hay trong đề thi Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Kết thúc môn thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, nhiều giáo viên nhận xét đề thi năm nay sát với thực tế, không có câu hỏi dạng lạ, đánh đố HS.
Ngữ liệu hay trong đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2024
Về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ văn, cô Lê Thị Tình - giáo viên Ngữ văn trường hệ thống giáo dục Alpha – nhận định: Đề thi theo form truyền thống và thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 khá quen thuộc với kết cấu dạng đề thi này.
Phần đọc hiểu đã đưa vào một ngữ liệu rất hay, nhưng cũng khá khó vì thiên về kiến thức lý luận văn học. Từ câu chuyện dòng chảy của con sông, từng giọt nước trong đại dương để liên hệ về lối sống, gợi dẫn cho thí sinh nhiều suy ngẫm về cuộc sống, đặc biệt trong thời đại chủ nghĩa cá nhân đang lên ngôi. Đây là một điểm rất ấn tượng của đề thi Ngữ văn, phần đọc hiểu năm nay.
Phần đoạn văn nghị luận xã hội tiếp tục khai thác vấn đề tôn trọng cá tính. Nếu thí sinh không có tư duy mạch lạc rất dễ bị rơi vào mâu thuẫn lập luận với câu 4 phần I. Bởi lẽ con người vừa phải giữ được cá tính vừa phải là giọt nước hoà vào đại dương bao la. Đó là sự cân bằng của cuộc sống.
Phần nghị luận văn học vào bài thơ Đất nước và đây là phần rất trọng tâm của bài thơ nên thí sinh có thể làm tốt.
Đánh giá chung: Đề thi năm nay vừa sức và phần đọc hiểu, nghị luận xã hội khá hay, học sinh cần thể hiện được tư duy mạch lạc nhất quán xuyên suốt giữa các phần thi.
(Hiếu Nguyễn)
Đề thi không có câu hỏi lạ, độ phân hoá học sinh cao
Theo đánh giá của cô Chu Thị Luyện – giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn), đề thi môn Ngữ văn bám sát cấu trúc đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT.
Cách đặt vấn đề các câu sát với thực tế, không có câu hỏi dạng lạ, đánh đố học sinh mà khá quen thuộc, thậm chí đã ra kiểu câu hỏi như vậy ở nhiều năm trước.
Cụ thể từng phần, đối với đọc hiểu:
Câu 1: không còn hỏi về phương thức biểu đạt chính mà yêu cầu nhận biết về nội dung thông tin trong văn bản. Hàng năm câu một này thường giúp thí sinh "chống liệt" nhưng với cách hỏi năm nay có lẽ một số thí sinh sức học Trung bình sẽ dễ mất điểm ở câu này.
Câu 2: thí sinh có thể làm nhanh chóng không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ
Câu 3: ở mức độ thông hiểu, tuy nhiên từ câu này sẽ có tính phân hoá thí sinh cao.
Câu 4: là một câu hỏi khá mở, dạng câu hỏi như thế này giúp khai thác được quan điểm, thái độ, lập trường, tình cảm, tư tưởng của thí sinh. Tuy nhiên, đề thì mở nhưng đáp án chưa chắc mở, khiến giám khảo khó chấm điểm và thí sinh vẫn phải viết trong một khuôn khổ nhất định mới có điểm trọn vẹn.
Phần nghị luận xã hội, thí sinh có thể phát huy quan điểm cá nhân, đặc biệt đối với thí sinh chuyên văn sẽ có nhiều "đất" viết để thể hiện năng lực ở đoạn văn của mình.
Nghị luận văn học, ngữ liệu được chọn là đoạn đầu của trích đoạn Đất Nước (tác giả Nguyễn Khoa Điềm): đoạn ngữ liệu quen thuộc, khơi gợi được cảm xúc của thí sinh về cội nguồn Đất Nước và có lẽ đúng với dự đoán và mong đợi của nhiều thí sinh năm nay.
Các yêu cầu phân tích và yêu cầu phụ vừa sức, thí sinh có thể đạt điểm cao ở câu này.
Cuối cùng, chúc các sĩ tử 2k6 sẽ có nhiều điểm cao trong môn thi này.
(Ngô Chuyên)
Đề thi Ngữ văn hay, vừa sức học sinh
Theo thầy Cao Xuân Lương, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng): Đề thi năm nay không quá khó. Phần đọc hiểu thí sinh dễ lấy điểm vì các em đã quen với các dạng này.
Bài Nghị luận xã hội rất thú vị khi bàn về tôn trọng cá tính là vấn đề các em rất quan tâm và mong người lớn tôn trọng cá tính của các em. Nhưng đồng thời các em vẫn biết tôn trọng ý kiến của người lớn. Câu này đa số sẽ lấy từ 1,5 điểm.
Riêng bài làm văn không khó vì đây là đoạn thơ các em dễ cảm nhận được nội dung vì quá thiết thực, gần gũi với các em và chắc chắn các em sẽ hiểu được nghệ thuật của tác giả thể hiện trong đoạn thơ này. Giáo viên dạy ở lớp cũng ôn tập rất kỹ...
(Quốc Ngữ)
Đề thi năm nay khá dễ, không đánh đố học sinh
Cô Trần Thị Hồng, giáo viên dạy môn Ngữ Văn, Trường THPT huyện Mai Sơn cho biết: "Hơn 22 năm đứng trên bục giảng dạy môn Văn, tôi thấy đề thì khá hay và dễ, không thách đố học sinh.
Từ cuối tháng 4 chúng tôi đã tổ chức ôn luyện cho các em kiến thức môn văn rồi. Chúng tôi đều tư vấn và khuyên các em ôn thi theo diện nắm kiến thức từng tác phẩm văn học, chứ không nên ôn "tủ". Chỉ cần hiểu cốt truyện của tác phẩm và nhân vật trong bài là có thể phân tích bài văn khi bước vào phòng thi".
Theo cô Hồng, với đề thi năm nay, các em chỉ cần tập trung và nhớ lại các kiến thức cơ bản đã được học trong chương trình 12 là có thể triển khai bài viết ổn.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay không khác so với các năm trước về cấu trúc. Cách hỏi cũng không có câu hỏi dạng lạ mà khá quen thuộc, thậm chí đã ra kiểu câu hỏi như vậy ở nhiều năm trước. Đề cũng vừa phải, không dài, gói gọn trên một mặt giấy.
"Tôi rất ấn tượng với câu 1, phần II làm văn. Tôi thấy câu hỏi này hay và phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là đối với các em học sinh khi sắp bước vào đường đời sau này. Câu hỏi này viết về 1 đoạn văn dài 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Ở xã hội này, mỗi con người chúng ta đều có cá tính riêng, cũng phải cân bằng cảm xúc trong cuộc sống hằng ngày, đây là 1 câu hỏi rất thực tế. Nếu các thí sinh tinh tường và hiểu, tôi nghĩ câu này sẽ ẵm trọn 2 điểm".
Còn câu 2 phần Làm văn, phân tích, nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện qua đoạn trích Đất nước (trích trường ca mặt đường khát vọng).
Theo cô Hồng, ở câu hỏi này sẽ làm khó học sinh trung bình và có tính phân loại thí sinh. Nếu học sinh không hiểu bài thì chỉ có thể viết được vài dòng. Ở phần này, các thí sinh phải hiểu sâu về tác phẩm và có kỹ năng khai thác, phân tích đoạn trích mới có thể làm bài tốt được.
Cô Hồng lưu ý, thí sinh muốn phân tích phải hiểu đoạn văn và cả bối cảnh cuộc đấu tranh cách mạng 1945 đến giai đoạn thống nhất đất nước 1975, khi Nam Bắc Sum họp 1 nhà, viết về cảm xúc niềm vui, tình yêu thương đất nước và con người. Bên cạnh đó, thí sinh phải biết so sánh, đối chiếu các tác phẩm cùng đề tài này đã học ở chương trình đã học.
(Hà Hoàng)
Đề Ngữ Văn 'dễ thở'
Theo cô Nguyễn Thị Thư, giáo viên Trường TH - THCS - THPT Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai (Hà Nội), đề Ngữ Văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhìn chung khá dễ thở, cấu trúc đề cơ bản giống đề minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố.
Câu 1 phần đọc hiểu thay vì hỏi về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ… như các đề học sinh thường ôn luyện thì được thay bằng 1 câu khác, tuy nhiên câu hỏi vẫn nằm trong mức độ nhận biết.
Đề đọc hiểu vẫn đảm bảo có sự phân hoá nhưng tôi đánh giá mức độ phân hoá của đề chưa cao.
Nếu học sinh cẩn thận, đọc kĩ ngữ liệu thì không quá khó để giải quyết các câu hỏi ở mức 3, mức 4. Bức thông điệp mà tác giả gửi gắm thông qua đoạn trích cũng khá nổi bật.
Về phần làm văn, đối với câu nghị luận xã hội, yêu cầu của đề được nêu rõ "ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính". Đối với vấn đề nghị luận này, tôi tin là các bạn học sinh sẽ tự tin nêu quan điểm, suy nghĩ của bản thân.
Cùng với kĩ năng làm văn nghị luận xã hội đã được rèn luyện, các bạn sẽ không bị lúng túng khi bắt gặp đề bài này.
Năm nay là năm cuối cùng Kỳ thi tốt nghiệp THPT sử dụng ngữ liệu có trong sách giáo khoa. Và bài Đất Nước cũng là một trong những tác phẩm trọng tâm trong chương trình dạy học và ôn luyện thi.
Yêu cầu phụ của đề cũng không quá khó, giúp học sinh đánh giá được giá trị nghệ thuật của đoạn trích nói riêng và đặc điểm phong cách của tác giả nói chung.
Tuy nhiên, ngữ liệu văn bản hơi dài, học sinh sẽ khá khó khăn trong việc cân bằng thời gian và bố cục bài làm.
Tổng quan đề văn hay, học sinh không khó để đạt được mức 6 – 7,5 điểm. Tuy nhiên để đạt điểm cao, học sinh sẽ phải có những phần phân tích, bàn luận sâu cũng như liên hệ, mở rộng nâng cao, tô sáng bài làm của mình giữa muôn vàn bài thi như thế!
(Ngô Chuyên)
Đề thi Ngữ văn: Ngữ liệu giàu tính thẩm mỹ
Sáng nay, ngày 27/6/2024, các thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. Đề thi năm nay hứa hẹn sẽ có những bài viết lay cảm trái tim giám bởi ngữ liệu Đọc hiểu gợi mối quan hệ cá nhân trong dòng chảy lịch sử, mối quan hệ của sự sáng tạo nghệ thuật hôm nay với mạch nguồn của dòng sông nghệ thuật. Phần nghị luận văn học chạm đến đề tài không bao giờ cũ: Đất nước và ý thức của mỗi cá nhân về cội nguồn đất nước.
Đánh giá cụ thể về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ văn, cô Đình Thị Thủy, giáo viên Phenikaa School nhận định, về cấu trúc đề có 2 phần.
Phần I. Đọc hiểu: 3 điểm (trong đó có câu 1, 2 thuộc mức độ nhận biết, câu 3 thuộc mức độ thông hiểu, câu 4 thuộc mức độ Vận dụng)
Phần 2 Làm văn (7 điểm): Nghị luận xã hội (2 điểm), nghị luận văn học (5 điểm).
Về phạm vi kiến thức, phần đọc hiểu: Đề thi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (trích đoạn Dòng sông và những thế hệ của nước của nhà văn Nguyễn Quang Thiều). Ngữ liệu giàu tính thẩm mỹ, khơi gợi nhận thức của người đọc về lịch sử sáng tạo nghệ thuật. Nguyễn Quang Thiều đặt sự sáng tạo nghệ thuật trong dòng chảy lịch sử của nó dùng nghệ thuật liên tưởng với giọt nước và dòng sông, dòng chảy của sông.
Ở phần này, câu 1, 2 các em hoàn toàn có thể trả lời trọn vẹn nếu đọc kỹ văn bản
Câu 1. Thế hệ nghệ sĩ này tiếp thế hệ nghệ sĩ khác tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại.
Câu 2. Nếu không có những thế hệ nghệ sĩ trước đó thì các nghệ sĩ của thế hệ tiếp theo sẽ không có nguồn lực để sáng tạo và khai phá.
Câu 3, 4 cần khả năng hiểu, vận dụng để thể hiện kĩ năng đọc văn bản có yếu tố nghệ thuật và năng lực, vốn sống, phẩm chất công dân, phẩm chất xã hội của các em.
Cơ bản câu 3 các em có thể triển khai theo hướng: Sự liên tưởng dòng chảy con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật để:
- Nhấn mạnh những sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng là sự tiếp nối những giá trị của thành tựu trước đó, những sáng tạo nghệ thuật trong lịch sử là động lực, là bước đệm cho những sáng tạo hôm nay có giá trị. Ngược lại, những sáng tạo hôm nay như một sự nối tiếp dòng chảy nghệ thuật hôm qua và đưa dòng chảy ấy vươn xa tới đại dương của cái đẹp...
- Khiến cho nội dung phản ánh giàu hình ảnh, cảm xúc, khẳng định tính quy luật của sáng tạo nghệ thuật.
- Thể hiện thái độ trân trọng thành quả sáng tạo nghệ thuật trong lịch sử của tác giả, đánh thức trách nhiệm và sự nỗ lực sáng tạo cho thế hệ nghệ sĩ hiện tại.
Câu 4. Học sinh chủ động trong bày tỏ lối sống của bản thân, trong đó chú trọng đến lối sống biết trân trọng quá khứ, gắn kết với cộng đồng và không ngừng nỗ lực sáng tạo, khảng định bản thân, đóp góp cho điều tích cực cho cộng đồng.
Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề : Ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Đề không "đánh đố" với các em học sinh. Thậm chí, vấn đề đặt ra khá gần gũi với quan niệm sống của con người hiện đại, nó cũng là kỳ vọng của nhiều bạn trẻ trong văn hóa sống.
Các em chỉ cần chú trọng cấu trúc bài làm có Mở đoạn – Thân đoạn – Kết đoạn. Đoạn văn cần xác lập rõ: Việc tôn trọng cá tính sẽ phát huy năng lực, thế mạnh của mỗi cá nhân, là động lực để mỗi cá nhân sống tự tin, hạnh phúc. Việc tôn trọng cá tính còn tạo cho cộng đồng, xã hội phát triển, có những sáng tạo đột phá, nó cũng là biểu hiện lối sống nhân văn, phù hợp với xu thế thời đại.
Đoạn văn ngắn nên các em cần trình bày chặt chẽ, logic, có dẫn chứng, có thể dùng tư duy phản biện: Tôn trọng cá tính không đồng nghĩa với việc ta cổ súy cho những biểu hiện "lập dị", thiếu kết nối với cộng đồng, đi ngược với giá trị đạo đức và quy định của pháp luật
Câu nghị luận văn học: Không quá ngỡ ngàng với giáo viên và học sinh. Các tác phẩm trong chương trình SGK Ngữ Văn lớp 12 các em học sinh đều được giáo viên dạy và hướng dẫn ôn tập kĩ. Trong đó, Đoạn trích Đất nước (trích Trường ca Mặt đường khát vọng) cũng được xem là đoạn trích trọng tâm. (Năm 2020 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đã gọi tên đoạn trích này nhưng là phần cuối của đoạn trích).
Năm nay, sau bốn năm, đề thi cụ thể vào phần đầu tiên của đoạn trích Đất nước, đây là một trong những phần hay nhất, kết tinh giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của toàn đoạn nói riêng, của trường ca Mặt đường khát vọng nói chung.
Với câu nghị luận văn học này, học sinh chú trọng phân tích để thấy Nguyễn Khoa Điềm lý giải về cội nguồn đất nước: Đất nước có từ lâu đời, Đất nước bắt nguồn từ những điều giản dị, gắn với những giá trị văn hóa, với truyền thống lịch sử, với đời sống thường ngày của lớp lớp người dân lao động. Từ đó "anh", "em" nhận thức được Đất nước là tất cả những gì gắn bó với "anh", với "em" với tất cả chúng ta.
Trong quá trình phân tích, các em phải đảm bảo khai thác từ các yếu tố nghệ thuật để ra nội dung. Bài làm của các em phải hoàn chỉnh về bố cục, cấu trúc, có đủ Mở bài (Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề nghị luận), Thân bài (Khái quát hoàn cảnh, xuất xứ, giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn trích Đất nước; Phân tích từng câu/cặp câu thơ; nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư trong của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ)
Có thể nói, câu nghị luận văn học không thách thức, đánh đố với học sinh, quan trọng là các em triển khai hệ thống ý đầy đủ, viết bài có cảm xúc chân thành, tinh tế; nhận xét yêu cầu nâng cao chỉn chu (Cảm xúc và suy tư được thể hiện trong cách chọn thể loại thơ, trong từ ngữ, hình ảnh thơ, trong giọng điệu tâm tình của đoạn thơ...)
Với đề thi Ngữ văn năm 2024, cá nhân người viết có niềm tin các em học sinh khóa thi năm 2023-2024 sẽ hoàn thành nhiệm vụ và chắc chắn sẽ có những bài viết thực sự thuyết phục, chạm đến rung cảm của giám khảo.
(Hiếu Nguyễn)
Đề thi đã chạm đến cảm xúc của nhiều người
Nhận xét đề thi Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cô Nguyễn Thị Duyên – Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) đánh giá, đề thi khá cơ bản, đáp ứng tiêu chí xét tốt nghiệp THPT.
Đề bám sát kiến thức sách giáo khoa. Các ngữ liệu văn học dễ hiểu, tường minh. Ở phần đọc hiểu, thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt tối đa (3 điểm). Tuy nhiên, so với đề thi năm ngoái, phần đọc hiểu có sự phân hóa hơn.
Câu 4 ở phần I và câu 1 phần II của đề thi khá hay khi đề cập đến bài học về lẽ sống cho bản thân và tôn trọng cá tính. Câu hỏi vừa có tính chất thời sự, vừa bao hàm yếu tố giáo dục. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều bạn trẻ có lối sống buông thả, quá đề cao cái tôi cá nhân, chưa chuẩn mực và chưa nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống. Do đó, bàn luận về lẽ sống cũng là cách để học sinh nhìn nhận lại bản thân, có lẽ sống tốt đẹp và là người tử tế.
"Tôi cho rằng, 2 câu trên của đề thi đã chạm đến cảm xúc của nhiều người và là cơ hội để thí sinh thể hiện khả năng viết lách và bày tỏ quan điểm cá nhân về ý nghĩa của cuộc sống. Đây cũng là câu có nhiều "đất diễn" cho thí sinh" – cô Duyên nhìn nhận.
Sang phần làm văn (Phần II), đoạn trích trong bài thơ "Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm khá quen thuộc nên không làm khó thí sinh. Yêu cầu của đề thi rõ ràng, tường minh nên không đánh đố thí sinh. Đáng nói, cơ cấu điểm ở phần này là 7 điểm nên đây cũng có thể được coi là câu "gỡ điểm" của nhiều thí sinh.
Nhìn chung, với đề thi thí sinh nắm chắc thức trên lớp là có thể đạt điểm trung bình trở lên. "Tôi dự đoán, năm nay phổ điểm thi môn Ngữ văn sẽ tương đương năm ngoái, thậm chí có thể cao hơn một chút. Phổ điểm chủ yếu từ 6-7 điểm.
(Minh Phong)