Ngủ kiểu này, nam sinh 16 tuổi đã hói nửa đầu dù nhà có “gen nhiều tóc”

Ngọc Ái,
Chia sẻ

Anh trai, bố mẹ và 2 bên ông bà nội, ngoại đều có mái tóc rất dày nhưng Tiểu Chu (Trung Quốc) mới 16 tuổi đã hói nửa đầu khiến cả nhà lo lắng.

Tiểu Chu (Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc) đang là học sinh cấp 3 nhưng có vẻ ngoài già hơn tuổi nhiều do bị hói tới nửa đầu. Thấy con thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, hàng xóm hỏi han, mẹ Tiểu Chu quyết định đưa con đi khám xem có mắc bệnh lạ gì không. Bởi vì cả hai bên nội ngoại đều có “gen nhiều tóc”. Thậm chí, tóc của bố và anh trai Tiểu Chu quá dày, đến mức cho đó là điểm xấu về ngoại hình.

Qua kiểm tra tại Bệnh viện Số 2 Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc) bác sĩ Liu Liqin kết luận rằng thiếu ngủ kéo dài là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng rụng tóc nghiêm trọng ở Tiểu Chu. Ngoài ra còn do căng thẳng tác động.

Ngủ kiểu này, nam sinh 16 tuổi đã hói nửa đầu dù nhà có “gen nhiều tóc” - Ảnh 1.

Nam sinh 16 tuổi nhưng đã bị hói nửa đầu dù người nhà có "gen nhiều tóc" (Ảnh BV cung cấp)

Cậu vốn là học sinh giỏi nhiều năm, sau khi vào cấp 3 là một trường chuyên có tiếng nên học hành rất vất vả. Tiểu Chu cho biết, trong hơn 2 năm gần đây mình chỉ ngủ khoảng 5 tiếng mỗi ngày. Thường học bài tới 1 giờ sau đó đi ngủ và thức dậy vào 6 giờ sáng để chuẩn bị đi học. Thậm chí, cậu sẽ ngủ ít hơn nữa vào những kỳ thi, không ít ngày còn thức nguyên đêm.

Tại sao thức khuya, thiếu ngủ gây rụng tóc?

Bác sĩ Liu Liqin nhấn mạnh, thức khuya, thiếu ngủ và căng thẳng tinh thần kéo dài có thể gây rụng tóc từng mảng hoặc rụng tóc hàng loạt trong thời gian ngắn.

Bà giải thích: “Những thói quen xấu này làm cơ thể rơi vào trạng thái stress liên tục, làm tăng mức cortisol - hormone gây căng thẳng. Cortisol cao không chỉ làm giảm lưu thông máu đến da đầu mà còn khiến nang tóc bị thu hẹp, ngừng cung cấp dưỡng chất cho tóc, làm tóc dễ rụng và khó mọc lại. Hơn nữa, thiếu ngủ khiến cơ thể không có đủ thời gian phục hồi, làm giảm khả năng tái tạo tế bào tóc.

Thức khuya và căng thẳng cũng ảnh hưởng đến sự cân bằng của các hormone khác, đặc biệt là estrogen và testosterone. Khi hormone bị mất cân bằng, chu kỳ mọc tóc bị gián đoạn, tóc chuyển nhanh sang giai đoạn nghỉ ngơi (telogen phase), dẫn đến rụng tóc nhiều hơn. Thiếu ngủ còn làm giảm lưu lượng máu đến da đầu, khiến các nang tóc không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất. Nang tóc dần suy yếu, thu nhỏ lại, dẫn đến rụng tóc từng mảng hoặc làm tóc mỏng đi rõ rệt”.

Bà cũng nhắc nhở thức khuya, thiếu ngủ còn gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác ngoài rụng tóc, hói đầu. Như rối loạn thần kinh, suy giảm miễn dịch, rối loạn trao đổi chất, rối loạn nội tiết, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và đột quỵ.

Ngủ kiểu này, nam sinh 16 tuổi đã hói nửa đầu dù nhà có “gen nhiều tóc” - Ảnh 3.

Thiếu ngủ, căng thẳng do học hành là nguyên nhân khiến Tiểu Chu bị rụng tóc (Ảnh minh họa)

Về phần Tiểu Chu, bố mẹ cậu vừa xót xa vừa hối hận khi biết nguồn cơn khiến con trai còn trẻ đã hói đầu. Ngoài điều trị rụng tóc, họ bắt đầu lắng nghe con nhiều hơn, rèn cho cậu ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày và không đặt nặng vấn đề thành tích học tập. Đồng thời, điều chỉnh chế độ ăn uống, bổ sung vitamin để phục hồi nang tóc cũng như sức khỏe cho cậu.

Nguồn và ảnh: QQ, Daily Mail

Chia sẻ